Độc đáo nhạc cụ của đồng bào dân tộc Cao Lan

(VOV5) - Một trong những loại nhạc cụ nữa có tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống của người Cao Lan mà không thể không nhắc đến chính là hát ống. 

Dân tộc Cao Lan (còn gọi là Sán Chay) có số dân hơn 61.000 người, cư trú chủ yếu ở 37 xã thuộc 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Nhắc đến đồng bào Cao Lan, là đến những làn điệu Sình ca mộc mạc, ca từ dung dị, đượm tình lứa đôi… đi cùng tiếng nhạc cụ độc đáo của đồng bào như trống sành, hát ống, kèn lá… khiến người nghe hòa mình vào cuộc sống của đồng bào dân tộc .

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 Nhạc cụ của đồng bào Cao Lan chủ yếu là nhạc cụ tự thân vang như trống sành, pí lè hay hát ống... Đây là những loại nhạc cụ chủ yếu cho sinh hoạt văn hóa tâm linh cũng như làm nhạc cụ đệm cho hát Sình ca hay trình diễn trên sân khấu. Trong đó, độc đáo, đặc sắc hơn cả ở nhạc cụ của người Cao Lan, đầu tiên phải nhắc đến là trống sành. Một loại nhạc cụ tự thân vang đứng đầu trong danh sách các loại nhạc cụ của đồng bào tại tỉnh Tuyên Quang.
Độc đáo nhạc cụ của đồng bào dân tộc Cao Lan - ảnh 1Trống sành là nhạc cụ không thể thiếu khi cúng thần linh của người Cao Lan. Ảnh KT

Đây là nhạc cụ được tạo nên bằng đất sét nung có chiều dài khoảng 60 cm, ở giữa thu nhỏ và phình ra ở hai bên đầu. Hai đầu của trống được bọc bằng da của động vật. Nghệ nhân nhân dân Sầm Văn Dừn ở xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Khi sử dụng, trống sành được nghệ nhân đeo ngang người giống như đeo trống cơm trong hát quan họ. Khi chơi trống, một bên thì vỗ bằng tay, một bên dùng dùi gỗ nhỏ, âm thanh phát ra là âm của sành:      "Trống này thì không dùng để hát mà chủ yếu dùng cho tiết tấu để nhảy. Khi đánh thì tay phải có nhịp của nó cứ vỗ vào hai đầu trống một cách dứt khoát tình tắc sình. Có thể đánh liền trong vòng 1 tiếng đồng hồ vẫn ngon."

Trống sành là nhạc cụ quan trọng để thực hiện các bài cúng thần linh, làm lễ cầu mưa, cầu mùa, cầu may. Ngoài ra, trống sành còn được đánh đệm cho các điệu múa của dân tộc Cao Lan trong ngày hội.

Một trong những loại nhạc cụ nữa có tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống của người Cao Lan mà không thể không nhắc đến chính là hát ống. Ống hát được chọn từ những ống nứa dài và thẳng. Sau khi làm sạch, tròn trịa, một đầu ống được bịt lại, rồi nối hai ống với nhau bằng sợi tơ, chỉ hoặc sợi cước với khoảng cách từ 10 đến 50 mét, thậm chí dài hơn.

Nghệ nhân Sầm Văn Đạo, xã Đại Phú, cho biết: Người Cao Lan thường sử dụng da ếch để bịt ống hát bởi những đặc tính phù hợp như mỏng, ướt nên ôm sát thân ống. Tuy nhiên, ngày nay họ có thể dùng các chất liệu khác để bịt ống như vải, nilong: "Ngày xưa theo các cụ kể lại thì khoảng cách xa hơn chứ còn bây giờ thì khoảng cách đã gần hơn rồi. Khoảng 2 mét là cùng thôi. Ống hát được lấy trên rừng, cắt tầm khoảng 15 phân, có một đầu cắt vào đúng cái vấu rồi dùng một miếng vải buộc vào và kéo một sợi chỉ từ ống hát này sang ống hát kia."

Một trong những nhạc cụ nổi bật nữa của người Cao Lan là kèn Pí lè. Dù đây là nhạc cụ không chỉ riêng của người Cao Lan nhưng việc sử dụng trong không gian cũng như sự kiện cụ thể lại hoàn toàn khác nhau. Với người Cao Lan, Pí lè được sử dụng nhiều hơn cả là trong đám nhà xe ở tang lễ truyền thống của dân tộc. Theo nghệ nhân Sầm Văn Đạo, pí lè là một nhạc cụ phổ biến được chế tác từ tre, nứa, đều là những thứ có sẵn trong rừng, sau vườn mỗi nhà. Đặc biệt, trong tang lễ, pí lè được thể hiện nhiều hơn cả, đôi khi còn được sử dụng trong Hát Sình ca nữa. Nghệ nhân Sầm Văn Đạo cho biết: "Pí lè là tên một loại nhạc cụ. Pí lè cũng giống như kèn, sáo. Làm từ cây nứa hoặc tre rồi làm một cái ống phễu rồi thổi. Dài chừng 40 phân với các lỗ trên đó, gồm 6 hoặc là 8 lỗ. Trước đây là sử dụng trong đám nhà xe hoặc đệm cho hát sình ca nhưng đệm cho sình ca thì kén người hát được vì sình ca theo tông dạng của từng người. Nên người thổi pí lè khó bắt theo ca từ của sình ca. Cho nên giờ chủ yếu thể hiện trong đám nhà xe. Là trong việc đưa nhà xe ra đồng để đốt. Trên đường đi thì thổi pí lè. Có một dàn nhạc, trống con và chũm chọe cùng với người thầy để vừa đi vừa thể hiện."

Độc đáo nhạc cụ của đồng bào dân tộc Cao Lan - ảnh 2Các nghệ nhân người Cao Lan đang biểu diễn điệu múa lên nương có trong Sình ca.
Nguồn ảnh Báo Dân vận

Cùng với pí lè thì chũm chọe cũng được người Cao Lan sử dụng nhiều trong đời sống. Nó được cấu tạo bởi hai miếng đồng tán mỏng ra. Để cho đẹp và bền, đồng bào sẽ đánh bóng, làm bật màu đồng sáng của nhạc cụ lên. Khi sử dụng, hai tay hai chiếc vỗ vào nhau và phát ra âm thanh vang, vọng, nghe đanh hơn trống sành. Được sử dụng trong đám tăng và nhà xe là nhiều hơn cả. Ngoài ra, cũng được chế tác từ đồng, một là nhạc cụ nữa của người Cao Lan chính là chuông. Chuông cao từ 8 đến 10cm, bề mặt rộng chừng 7cm. Núm cầm của chuông được móc bằng một sợi thép hoặc đồng để cầm và lắc chuông khi chơi. Trong lòng quả chuông được treo một miếng sắt nhỏ để khi lắc chạm vào thành chuông phát ra âm thanh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác