Độc đáo phong tục cưới hỏi của đồng bào dân tộc Cao Lan ở Quảng Ninh

(VOV5) - Đám cưới của người Cao Lan xưa cũng khá giản dị, nhưng không thể thiếu các thủ tục mang những nét văn hóa riêng.

Đối với bất kỳ dân tộc nào, đám cưới là thời khắc quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành, bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi con người. Với người Cao Lan ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, đám cưới là kết quả của việc các chàng trai cô gái bén duyên qua những đêm hát xình ca (hay xướng cọ). Qua những buổi hẹn hò, hát với nhau giữa đêm trăng sáng, dần dần mến nhau, thương nhau để rồi tiến tới hôn nhân.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 Đám cưới của người Cao Lan xưa cũng khá giản dị, nhưng không thể thiếu các thủ tục mang những nét văn hóa riêng. Đặc biệt để đi đến ngày cưới, người Cao Lan phải trải qua một khoảng thời gian dài và nhiều thủ tục khác nhau. Nghệ nhân Lục Văn Bình, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ:  "Nhà anh có một đứa con gái, nhà tôi có một đứa con trai, mình sẽ nhờ một mối nào đó đi đặt vấn đề. Được rồi, chính thức mình đi hỏi. Đi hỏi ngày xưa thì nửa cân lạc, 10 quả trứng đi đặt vấn đề với nhà chủ. Mình đi thường thường lấy ông chú chịu trách nhiệm. Gả con gái thì ông cậu chịu trách nhiệm. Mình đi đặt trầu rồi mình mới bảo gia đình nhà gái lấy 2 bát ra, mỗi một cái bát có 4 lá trầu và 2 tờ giấy bằng tiền, mệnh giá không cần biết. Lá trầu cuống thì để ra ngoài. Hai đồng tiền không phải là mình đặt thẳng mà đặt chéo. Sau đó mình mới kính thưa ông cậu. Không phải dùng từ mộc mạc, dùng một từ rất tế nhị. Bây giờ nhà trai muốn cùng nhà gái làm một đám nương, ví mình muốn lấy con gái nó để làm con dâu mình. Ý dùng một đám nương để kết thành thông gia.
Độc đáo phong tục cưới hỏi của đồng bào dân tộc Cao Lan ở Quảng Ninh - ảnh 1

Khi đồng ý, nhà gái sẽ dùng cái hai cái bát chồng lên. Nếu không đồng ý, nhà gái sẽ để hai cái bát nguyên như lúc đầu. Sau đó hai gia đình sẽ trao đổi về năm sinh của cô dâu, chú rể để chuẩn chọn ngày tổ chức đám cưới. "Chính thức 2 bên gia đình kết thành thông gia mới hẹn gia đình nhà gái sẽ thực hiện các bước tiếp theo. Mình hẹn ngày này thì bên nhà trai sẽ sang.

Phải có 72 cái bánh dày, 3 con gà thiến sang nhà gái chính thức đặt vấn đề con gái nhà ông, con trai nhà tôi sẽ cưới nhau. Được rồi thì mình chuẩn bị xem ngày lành tháng tốt tiếp tục nhờ ông mối, lúc này chỉ đi không hẹn nhà gái là hôm nay mùng 10, đến ngày 14 nhà trai dùng thủ tục sang mình thống nhất ngày cưới. Đến ngày 14 nhà trai tiếp tục có 24 bánh dày, 1 lít rượu, 1 con gà chính thức sang đặt vấn đề hẹn ngày cưới. Hẹn ngày cưới xong thì hai bên gia đình cứ chuẩn bị thôi."

Các thủ tục để đi đi hôn nhân của người Cao Lan ở huyện Ba Chẽ không có sự thách cưới, không rườm rà mà đã được cải tiến gọn nhẹ hơn để phù hợp với cuộc sống mới, nhưng vẫn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa giàu tính nhân văn, mang đậm nét văn hóa riêng của người Cao Lan ở huyện Ba Chẽ.

Đám cưới của người Cao Lan trước kia được tổ chức long trọng, diễn ra nhiều ngày thì nay giảm xuống còn một ngày. Sính lễ không còn phải thách như trước, tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình nhà trai mà tự sính lễ nhiều hay ít, nhà gái không ép buộc. Ngày cưới, nhà trai cử một đoàn người, thường là 7 hoặc 9 người sang nhà gái rước dâu. Trong đó, không thể thiếu ông bà mối, chú rể, phù rể và một số người gồng gánh đồ lễ. Nghệ nhân Lục Văn Bình chia sẻ:

"Đến ngày cưới tất cả những thức ăn đó, theo quy định nhà trai phải đưa cho nhà gái thì phải đưa trước để người ta chuẩn bị để hôm sau khoảng độ tầm chiều thì chú rể sang và sang thì phải ngủ một hôm.

Trước kia, nhà trai qua rước dâu thường nghỉ lại một đêm nhưng ngày nay phong tục này đã thay đổi tùy theo điều kiện của nhà gái. Nếu như trước đây, khi nghỉ lại nhà gái thì chú rể không được phép đi vệ sinh, không được ra ngoài cửa. Và để gỡ nguy cho tình huống này, xưa kia người Cao Lan ở Ba Chẽ phải chuẩn bị thức ăn, đồ uống cho chú rể hết sức chu đáo như: chế biến thịt nạc xào nấu với gừng để không ảnh hưởng liên quan đến vấn đề tiêu chảy, hạn chế uống nước. Chỉ đến khi ra khỏi nhà gái về đến gia đình mình mới được phép đi ngoài.    

"Quan niệm ngày xưa đi ngoài, người ta bảo mình không phải là người tử tế. Không phải là người tử tế nôm na tức là mình có sự người ăn vụng. Thử thách sự tử tế, thử thách sự kiên trì có làm được việc đấy. Làm được việc đấy thì đương nhiên vợ chồng sẽ chung thủy.

Còn với cô dâu, trước khi về nhà chồng, ông mối cũng phải vào buồng ngủ của cô dâu (khi đang là con gái) làm một thủ tục xong mới được phép ra cửa về nhà chồng. Quan niệm của đồng bào Cao Lan là từ nay người con là người đã có chồng, có cuộc sống gia đình riêng. Bây giờ cái giường này, cái nhà này không phải là của con nữa."

Sau khi đón được dâu về, ông mối bên nhà trai lại tiếp tục chọn giờ tốt để làm thủ tục chính thức công nhận thành vợ chồng. Khi đó, ông mối dặn người nhà chuẩn bị một mâm lễ nhỏ gồm 2 cái bát (mỗi bát có một miếng gan lợn) 2 đôi đũa và 1 chai rượu, 1 cái chén. "Làm thủ tục như kiểu thả bùa cho 2 vợ chồng. 35’04 Tay trái gắp cho cô dâu, tay phải gắp cho chú rể mỗi người một miếng gan lợn và một tý rượu kiểu gì cũng phải nhấm một tý-Đấy là thủ tục bất di bất dịch phải làm. Miếng gan lợn ngày xưa quan niệm gan là quý nhất rồi, mình để gan lợn vừa để cho nó sang trọng, vừa nó không có xương."

Với người Cao Lan ở Ba Chẽ, sau lễ đón dâu ba ngày thì cô dâu chú dể về lại nhà gái. Khi đi thì phải có phù rể trong đám cưới chính sang cùng và phải nghỉ lại một đêm. Bố mẹ nhà gái làm một bữa cơm, mời họ hàng thân tộc đến dự và tổ chức hát đối đáp giao duyên:  

"Các cô gái ở trong thôn tụ tập đến người ta lại tổ chức giao duyên một đêm nữa. Giao duyên hát đối đáp luôn. Hôm sau chỗ cô dâu về lạy mặt nhà trai cũng lại có một phù dâu đi cùng, chú rể tiếp tục lại tổ chức hát giao duyên nhưng mà nội dung sẽ khác, nó sẽ thể hiện sự giao duyên, nó không phải hát như trong đám cưới nữa. Chính từ hát lạy mặt này thì nhiều người thành đôi thành lứa nhờ có câu đối đáp."

Cưới xin của người Cao Lan ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, là một phong tục mang đậm bản sắc văn hóa tộc người. Qua các nghi lễ, các bước xác định hôn nhân truyền thống đã cho thấy những nét văn hóa truyền thống của người Cao Lan.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác