Đưa họa tiết thổ cẩm của người Ê đê lên váy áo hiện đại

(VOV5) - Những hoa văn thổ cẩm truyền thống của đồng bào Ê đê xuất hiện trên trang phục hiện đại là từ ý tưởng sáng tạo của chị H Ler Êban, chủ nhà may Amí Sia

Những họa tiết thổ cẩm truyền thống của đồng bào Ê đê nổi bật trên những bộ trang phục hiện đại, thanh lịch chính là ấn tượng đầu tiên của khách hàng khi cầm trên tay sản phẩm thời trang ở buôn Kniết, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Đó là kết của của sự sáng tạo, khéo léo của những người phụ nữ Ê đê, điển hình là chị H Ler Êban, người tiên phong trong việc kết hợp hoa văn thổ cẩm của dân tộc mình với những trang phục, đồ thời trang hiện đại. Những sản phẩm hòa hợp giữa truyền thống và tân thời đã mang lại giá trị sử dụng cao, tạo thêm thu nhập cho nhiều nghệ nhân và chị em phụ nữ người Ê đê địa phương.

Đưa họa tiết thổ cẩm của người Ê đê lên váy áo hiện đại - ảnh 1Chị H Ler Êban tranh thủ buổi tối và ngày nghỉ để hoàn thành các đơn hàng tại nhà. 

Tại nhà may Amí Sia của chị H Ler Êban, ở buôn Kniết, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, 3 thợ may đang gấp rút ráp đồ cho kịp đơn hàng. Đây là những mẫu đồng phục nhân viên phong cách hiện đại, với điểm nhấn đặc biệt chính là những họa tiết thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ê đê được thêu trên phần cổ, tay áo và gấu váy.

Ở nhà may Amí Sia, khách hàng có thể tìm được những mẫu thiết kế hiện đại, hợp thời trang như trang phục công sở, đầm xòe, váy dài, váy đuôi cá phối với hoa văn thổ cẩm tạo điểm nhấn nổi bật. Chất liệu vải thun gân, thun tăm thay thế cho vải dệt tay truyền thống giúp bộ trang phục có độ co giãn tốt, tạo sự thoải mái cho người mặc. Những ưu điểm này giúp cho trang phục của nhà may Amí Sia ngày càng được nhiều người ưa chuộng.

Một khách hàng thường xuyên của nhà may, chị H Rum Byă, ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, cho rằng sự kết hợp giữa vải cách tân với họa tiết thổ cẩm truyền thống đã giúp những bộ trang phục này vừa giữ được nét của bộ đồ Ê đê gốc, vừa dễ sử dụng.

"Bộ trang phục này có sự kết hợp giữa những hoa văn thổ cẩm truyền thống và chất liệu, kiểu may mới, mặc rất phù hợp, vừa người không quá nóng. Bộ trang phục này có thể sử dụng được trong những dịp lễ lớn hay là các dịp như lễ cúng bến nước hay là các dịp lễ hội thì chúng tôi sẽ mặc đồ này."

Đưa họa tiết thổ cẩm của người Ê đê lên váy áo hiện đại - ảnh 2 Chị H Ler Êban (bìa trái) giới thiệu sản phẩm trang phục cách tân tới khách hàng.

Những hoa văn thổ cẩm truyền thống của đồng bào Ê đê xuất hiện trên trang phục hiện đại là từ ý tưởng sáng tạo của chị H Ler Êban, chủ nhà may Amí Sia. Ban đầu, từ sự yêu thích các họa tiết thổ cẩm, chị H Ler Êban đã tự may các mẫu trang phục cách tân phối họa tiết để sử dụng. Những mẫu này sau đó được nhiều chị em thích thú và đặt hàng. Từ đó chị suy nghĩ tìm hướng phát triển, giới thiệu rộng rãi những sản phẩm này tới với mọi người.       

"Tôi nghĩ rằng nhà may sẽ kết nối các nghệ nhân với khách hàng có nhu cầu, cho nên tôi mong muốn sắp tới không chỉ dừng lại ở việc cách tân trang phục đồng bào Ê đê mà nếu có thể mở rộng dệt họa tiết hoa văn, phối được hoa văn trên áo dài cũng là tạo nên nét riêng. Nếu phát triển được các đơn hàng của các nhà may áo dài thì lúc đấy có thể tạo thêm cho nghệ nhân có việc làm thường xuyên để có thêm thu nhập."

Từ năm 2017, chị H Ler Êban bắt đầu đăng bán trang phục thêu thổ cẩm trên trang mạng xã hội Facebook và Zalo. Những bộ trang phục cách tân đã nhận được nhiều đơn hàng trong và ngoài tỉnh, thậm chí có cả những khách hàng là kiều bào ở Mỹ, Australia...Hiện tại, trung bình mỗi tháng nhà may Amí Sia có khách đặt may khoảng 30 đến 40 bộ sản phẩm, với mức giá dao động từ 400 nghìn đồng đến 1 triệu đồng mỗi sản phẩm (khoảng 17 USD – 40 USD).

Không chỉ góp phần gìn giữ và quảng bá những nét độc đáo về hoa văn, trang phục truyền thống của dân tộc Ê đê, nhà may Amí Sia của chị H Ler Êban còn tạo thêm thu nhập giúp nhiều chị em Ê đê có thu nhập tốt. Chị H Trim Êban, thợ may tại Amí Sia, chia sẻ: "Mỗi tháng cũng được 3 triệu, đó là chỉ riêng vào buổi tối thôi, còn nếu làm cả ban ngày thì giá khác. Bản thân tôi cũng khó khăn, không có đất đai sản xuất cho nên chỉ đi làm thuê. Buổi tối thì tôi tranh thủ đến đây làm may. Nhờ đó cũng có thêm thu nhập xoay xở trong gia đình."

Cùng với việc thiết kế và cắt may trang phục, chị H Ler Êban còn suy nghĩ sẽ sản xuất các sản phẩm phụ kiện kèm theo như khăn choàng, ví, túi xách, đai thắt lưng… làm đồ lưu niệm để bán cho khách tham quan, du lịch. Chị hi vọng những sản phẩm này sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu những nét độc đáo về hoa văn, trang phục truyền thống của người Êđê, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác