Hát eirei - Trò chuyện bằng âm nhạc của người Ê Đê

(VOV5) - Giai điệu, lời hát độc đáo của eirei là chất liệu mà nhiều nhạc sỹ sử dụng để viết nên những bài hát nổi tiếng về Dak Lak, Tây Nguyên.

Nói đến dân ca của người Êđê, người ta hay nhắc đến làn điệu K’ưt và Eirei. Nếu như hát K’ưt mênh mông, dàn trải, không có tiết tấu rõ ràng, mang nặng tính tự sự, tâm tình, thì Eirei là điệu hát với tiết tấu vui tươi, rộn ràng, là những cuộc trò chuyện bằng nhạc sinh động.  

Hát eirei - Trò chuyện bằng âm nhạc của người Ê Đê  - ảnh 1 Một cuộc hát eirei ở cộng đồng người Ê Đê. Ảnh: dantri

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Từ bao đời nay, hát eirei đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng người Ê Đê ở Tây Nguyên. Eirei có nhịp điệu sôi nổi, thoải mái, thường hát ở nơi tụ tập đông người. Hát eirei được thể hiện sinh động bằng lời nói vần (klei duê) tạo nên nhịp điệu vừa có chất thơ vừa có chất nhạc. Trong hình thức ngôn ngữ đó, các câu hát như những móc xích nối với nhau. Trước đây, điệu eirei được hát trong bất cứ cuộc vui nào của người Ê Đê; chỉ khi hát trong đám ma thì mới có nhạc đệm là kèn đinh năm. Sau này, văn nghệ quần chúng khuyến khích các nhạc cụ đệm, đặc biệt khi hát eirei thường kết hợp với tiếng kèn đinh năm hoặc có người hát bè. Nghệ nhân Aê Tuôr, ở buôn Drai Hling, xã Hoà Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak, cho biết: “Hiện nay có nhiều người hát eirei phải có người đệm đinh năm. Nhưng ngày xưa cũng có nhiều người hát eirei không cần đệm đinh năm. Chỉ hát những lời nói vần. Giống như ta hát chay vậy. Nghe không hài hoà, sinh động. Khi đệm kèn đinh năm thì sẽ hay hơn, giữ nhịp hát hài hoà hơn, có phần hát, và phần thổi kèn đinh năm đệm cho lời hát. Giống như khi ta đệm đàn cho người hát phải đệm đúng gam nhạc của bài hát thì nghe mới hay …”

Phần lớn trong điệu hát eirei của người Ê Đê là hát đối đáp. Có ba loại eirei đối đáp, là hát đối đáp giao duyên; hát đối đáp ca ngợi vẻ đẹp trong cuộc sống, răn dạy con cháu và thứ ba là lối hát đố.

Điểm đặt biệt ở eirei là không chỉ có hát đối đáp nam nữ, mà còn có thể là nam hát đối với nam, hoặc nữ hát đối với nhau. Điều này giống như một cuộc đối thoại  bằng nhạc giữa hai người. Theo nghệ nhân Aduôn Nhuăn, ở xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Dak Lak, hát eirei, đặc biệt là hát eirei đối đáp rất khó, không phải ai cũng hát được. Chỉ có những người được Yang (thần) cho biết duê (gieo lời nói vần) thì mới hát được.  Họ phải biết nhịp điệu, hiểu ý và phải thuộc nhiều câu nói có vần, giàu hình ảnh để có thể ứng đối thật nhanh.  Nghệ nhân Aduôn Nhuăn cho biết: “Trong buôn có lễ cúng trâu hoặc trong đám tang, thì người lớn tuổi hát k’ưt còn những đôi nam nữ cùng nhau uống rượu cần, khi đã ngà ngà say thì thổi kèn đinh năm, hát eirei. Hát gieo vần về người này, người kia. Khi cô gái để ý chàng trai nào đó thì hát về người đó, sau đó chàng trai sẽ hát ứng đối trả lời những câu gieo vần của cô gái. Cũng có những đôi nam nữ thành vợ chồng qua những buổi hát eirei với nhau”.

Hát đối đáp eirei cũng có thể hát một mình.  Khi đó, eirei mang tính tự sự, người hát bày tỏ tâm tư sầu nhớ, niềm vui, ca ngợi tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu quê hương, hoặc lời dặn dò của cha ông đối với con cháu... Giai điệu eirei thì vẫn được giữ nguyên, nhưng lời hát của mỗi người, mỗi vùng thì có thể khác nhau, vì đó là sản phẩm sáng tạo của riêng mỗi người. Trước đây, eirei thường được hát trên đường lên nương rẫy, trong lễ bỏ mả hoặc trong tang lễ tiễn đưa người chết.

Hiện nay do nhu cầu phục vụ du lịch và hội nhập, bà con có thể hát eirei ở mọi lúc mọi nơi. Với tiết tấu vui tươi, rộn ràng, eirei nhanh chóng được hát trong các đám hỏi, đám cưới, và những ngày hội của buôn làng… Giai điệu, lời hát độc đáo của eirei là chất liệu mà nhiều nhạc sỹ sử dụng để viết nên những bài hát nổi tiếng về Dak Lak, Tây Nguyên, như: “Còn thương nhau về Buôn Ma Thuột”, “H’Zen lên rẫy”…Tuy vậy, cũng như sử thi, hát ‘ưt, cồng chiêng…, hát eirei của người Ê Đê đang đứng trước nguy cơ mai một do thiếu người kế cận. Theo nhạc sỹ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê Kdăm, việc bảo tồn, truyền dạy hát eirei rất khó, do thiếu môi trường diễn xướng, số nghệ nhân dân gian thì ngày càng ít, mà người đam mê muốn theo học eirei cũng hiếm hoi. Nhạc sỹ Linh Nga Niê Kdăm cho biết: “Ngày xưa ở trong buôn có xử phạt theo luật tục bằng lời nói vần. Ngoài việc xử phạt, người ta gặp nhau nói chuyện bằng hát kưt, hát arei… Những hoạt động đó nay không còn. Phải có lễ, có cuộc vui để hát đối đáp, đua tài, đố nhau… nhưng hiện nay thì không có môi trường diễn xướng, không người truyền dạy… nguy cơ mất rất cao”.

Cuộc sống hiện đại cuốn theo những lo toan,  rất cần những cuộc đối thoại theo nhạc điệu làm phong phú, làm đẹp thêm đời sống tinh thần của người Ê Đê. Nhưng những câu chuyện bằng nhạc - hát eirei – có được tiếp nối hay không, phụ thuộc vào chính những cộng đồng người Ê Đê, chủ nhân của lối hát vần làm say mê lòng người.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác