Nghề dệt truyền thống của dân tộc Tày ở Cao Bằng

(VOV5) - Đặc biệt người Tày Cao Bằng dệt thổ cẩm không phải dệt từ mặt phải và là tạo hoa văn trên mặt trái. Đó chính là nét độc đáo.

Thổ cẩm là sản phẩm dệt thủ công không thể thiếu trong đời sống của người Tày ở Cao Bằng. Sảm phẩm thổ cẩm nổi tiếng với những hoa văn đẹp sặc sỡ mang đậm bản sắc dân tộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nghề Dệt thổ cẩm của người Tày Cao Bằng phát triển nhất và được đánh giá có nhiều thổ cẩm đẹp nhất là ở xã Phủ Ngọc của huyện Hà Quảng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Luống Nọi là làng nghề duy nhất trong huyện còn nguyên bản về kỹ thuật, công cụ dệt thổ cẩm. Nơi đây, hiện còn gần 30 khung cửi trong những ngôi nhà sàn của các gia đình dân tộc Tày. Làng dệt thổ cẩm Luống Nọi kết hợp được hai yếu tố quan trọng đó là cơ sở thủ công truyền thống với việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở của cộng đồng. Địa danh này hiện nay trở thành một trong những điểm trong công viên địa chất toàn cầu USESCO Non nước Cao Bằng.

Nhà nghiên cứu dân gian Cao Bằng Hoàng Thị Nhuận, cho biết: "Làng Luống Nọi có nghề truyền thống từ ngày xưa. Nghề truyền thống này từ ngày xưa do các cụ người tày tự cung tự cung tự cấp tự trồng bông tự dệt vải và nổi tiếng từ thời đó. Bây giờ xác định làng này có trên 500 năm.

Nghề dệt truyền thống của dân tộc Tày ở Cao Bằng - ảnh 1/Hoa văn độc đáo trên sản phẩm thổ cẩm- Ảnh Thu Hằng 

Kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày ở xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng bao gồm các công đoạn như quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải. Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ. Các mẫu hoa văn thổ cẩm của người Tày là sự kết hợp hài hoà giữa đường nét, màu sắc và hoa văn. Các màu sắc sáng, tối, nóng, lạnh được xử lý rất khéo léo trên nền chủ đạo là màu trắng đục, tạo nên một bản sắc riêng của văn hoá truyền thống Tày, khiến ta khó có thể nhầm lẫn với cách trang trí hoa văn của các dân tộc khác.

Nhà nghiên cứu Hoàng Thị Nhuận cho biết: "Trong hoa văn của người tày quan trọng là sự phối màu của hoa văn. Tại sao người tày họ có câu bông hoa 8 cánh có 4 phương 8 hướng. Đó là tu duy vũ trụ của người Tày. Cái nào là cái hoa chìm cái nào là hoa nổi. Cái hoa nổi là thể hiện trên đường chỉ nổi lên. Nhưng hoa nổi là bề nổi với màu sắc rự rõ. Nhưng nếu không có những bông hoa chìm thì những bông hoa nổi sẽ không thể nổi lên được. Hoa chìm còn tượng trưng cho đất. Đất là ở dưới. tất cả những thứ nổi trên mặt đất trên trái đất là màu sắc sỡ. Đó là tư duy vũ trụ của người Tày."

Mẫu thổ cẩm của đồng bào Tày có hơn 20 loại hoa văn, họa tiết khác nhau như hoa lê, hoa mận, hoa đào, hoa mai và các loại hoa lạ trong rừng chỉ có ở miền núi (boóc chắm, boóc kíp, boóc tròn, boóc pắt…). Một số muông thú như: Hươu, nai, ngựa, chim, bướm… cũng được thể hiện trên hoa văn thổ cẩm của người Tày. 

Nghệ nhân Dân gian Việt Nam Nông Thị Thước, nghệ nhân làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi cho biết: "Ngày xưa các cụ dệt bằng vải trồng bông để làm quần áo. Nhưng sau đó các cụ lại nghĩ ra đến ngày cưới, ngày vui từ thế hệ các cụ rồi nên làm chăn, màn, làm vỏ gối, làm thảm… Thời các cụ hoa văn có khác nhưng đến bây giờ thì chúng tôi làm theo thị hiếu, thị trường hiện nay chúng tôi đã cải 1 số hoa văn khác. Khi đi làm đồng ruộng cũng đều nghĩ đến việc sáng tạo ra những bông hoa. Khi làm thì lại phải nghĩ xiên từng sợi như nào để tạo thành bông hoa cho đúng. Tính phải tính đủ sợi đủ màu."

Từ những tấm thổ cẩm do mình tự tạo, người phụ nữ Tày may thành mặt chăn, mặt địu, khăn trải giường và nhất là những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc. Công cụ máy móc để dệt ra sản phẩm hoàn toàn bằng tre gỗ tự nhiên vô cùng thô sơ, do chính ngừơi dân tạo ra và không có bất kỳ chút công nghệ hiện đại nào gắn vào. Khi tạo hoa văn thì tất cả được lập trình trong bộ óc của người nghệ nhân nghĩ ra như nào thì dệt ra sản phẩm như vậy chứ hoàn toàn không có mẫu mã có sẵn. Chị Thược chia sẻ: "Tính phải tính đủ sợi đủ màu khi dệt mỗi sản phẩm. Có nhiều loại bông hoa để dệt mỗi sản phẩm. Có loại chỉ cần 60 que tre có loại hàng trăm que tre lập trên khung cửi để dệt thành bông hoa. Có những loại chỉ cần 18-20 que tre cũng tạo thành một  bông hoa."

Nghề dệt truyền thống của dân tộc Tày ở Cao Bằng - ảnh 2 Chị Nông Thị Thược bên khung cửu- Ảnh Thu Hằng

Đặc biệt người Tày Cao Bằng dệt thổ cẩm không phải dệt từ mặt phải và là tạo hoa văn trên mặt trái. Đó chính là nét độc đáo. Tức là khi họ giăng những que tre trên khung cửi là họ đã lập trình sản sẽ đưa sợi vải vào và con thoi đưa qua đưa lại sẽ tạo lên những sản phẩm đã được lập trình sẵn. Mỗi lần chỉ tạo được 1 hoa văn. Nếu muốn tạo 1 hoa văn khác thì sẽ phải lập trình lại từ đầu. Nhà nghiên cứu Hoàng Thị Nhuận cho biết thêm: "Truyền thống thổ cẩm của đồng bào tày chỉ có hoa 8 cánh nhưng bây giờ do xu hướng phát triển toàn cầu và hội nhập hóa, các nghệ nhân cũng đã cập nhật những thông tin và sáng tạo theo đơn đặt của khách hàng. Tuy nhiên nghệ nhân vẫn luôn có tư tưởng là lập trình cho nước nào với sản phẩm ra sao thì cũng vẫn đưa hoa văn truyền thống của người Tày vào để thể hiện được là tôi là người dân tộc Tày. Tư duy vũ trụ thể hiện tôi là người Tày."

Nghề dệt truyền thống của dân tộc Tày ở Cao Bằng - ảnh 3Những người phụ nữ Luống Nọi Cao Bằng đang góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa của nguồi Tày- Ảnh Thu Hằng 

Những người phụ nữ ở làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi đang ngày đêm mệt mài dệt nên những tấm thổ cẩm truyền thống, không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền của người Tày ở xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch, đồng thời giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Tin liên quan

Phản hồi

Hoàng Thị Khanh

Em là Khanh người dân tộc Tay e muốn học dệt được không ạ

Các tin/bài khác