Phong phú hát dân ca của người Sán Chỉ

(VOV5) - Sình ca,  được coi là lối hát trữ tình lãng mạn và tràn ngập hơi thở của cuộc sống mà đồng bào Sán Chỉ đã gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ.

Người Sán Chỉ có đời sống tinh thần phong phú, có nhiều hình thức diễn xướng dân gian thú vị, trong đó sình ca,  được coi là lối hát trữ tình lãng mạn và tràn ngập hơi thở của cuộc sống mà đồng bào Sán Chỉ đã gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Là một loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian lấy chất liệu từ hiện thực cuộc sống,  nên trong mỗi nếp nhà ở các bản làng của người Sán Chỉ, Sình ca vẫn hiện diện, nuôi dưỡng những giá trị dung dị và lắng sâu trong tâm hồn con người nơi đây. Cuộc sống hiện đại đã làm Sình ca ít nhiều bị mai một thế nhưng Sình ca luôn có vị trí lớn lao trong đời sống tinh thần của người Sán Chỉ.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Người Sán Chỉ có nhiều truyện cổ, thơ ca, hò vè, tục ngữ, ngạn ngữ. Đặc biệt nhất phải kể đến lối hát Sình ca, hình thức sinh hoạt phong phú hấp dẫn và cũng là nét đẹp văn hóa đặc sắc trong kho tàng văn hóa của người Sán Chỉ. Thể loại hát Sình ca của người Sán Chỉ với lời hát đối đáp giao duyên, trai gái hát đối nhau hết giờ này nối sang giờ khác, tưởng chừng như không có hồi kết thúc. Lời hát đối đáp mộc mạc được các chàng trai cô gái người Sán Chỉ say sưa thể hiện kéo dài hết đoạn này lại đến đoạn khác. Hát Sình Ca như ngấm vào máu mỗi chàng trai cô gái Sán Chỉ.

Phong phú hát dân ca của người Sán Chỉ - ảnh 1
Quang cảnh Lễ hội VHTT dân tộc Sán Chỉ. Ảnh: quangninh.gov.vn


Người Tày, Nùng hát Sli, hát Slượn, người Kinh hát quan họ thường vào dịp lễ tết. Nhưng với người Sán Chỉ, họ hát ở mọi nơi. Ngày hát, đêm hát, đi đường hát. Đi chợ, đi làm ruộng gặp nhau người Sán Chỉ hát đối đáp. Đến nhà nhau họ hát chào gia chủ, hát khi có chủ, hát gặp bạn hữu, đám cưới hát. Người dân Sán Chỉ  nhiều khi cất cao lời hát dân ca như yêu cuộc sống thường nhật, một kiểu giao tiếp đậm chất văn hóa. Dân ca Sán Chỉ hấp dẫn người hát, người nghe đến mức mê hoặc. Đây đây là cách để người Sán Chỉ bày tỏ tình cảm của mình với nhau. Hình thức hát được người Sán Chỉ thể hiện mộc mạc, không cần nhạc cụ nên có thể hát bất cứ lúc nào chỉ cần mọi người thích. Lời bài hát là những gì diễn ra liên quan tới chính họ, tới cuộc sống của họ nên họ vô cùng thích thú. Phải nói rằng đây là hình thức giao tiếp bằng âm nhạc đặc sắc, ít có dân tộc nào có được. Ông Lâm Họ, người Sán Chỉ ở Móng Cái, Quảng Ninh cho biết:  Ngày xưa các cụ biết hát truyền lại cho tất cả con cháu nên chúng cũng đều biết hát. Vậy nên người nào chịu khó học hỏi, chịu khó ghi chép, tập kuyện thì hát được. Như kiểu mình học thuộc lòng nên đến lúc đi hát thì cứ hát thôi chứ không cần ai dạy bảo nữa.


Phong phú hát dân ca của người Sán Chỉ - ảnh 2
Thổi sáo, kèn lá trong Ngày hội văn hoá - thể thao các dân tộc Sán Chỉ tại xã Đại Thành (Tiên Yên). Ảnh: Nguyễn Trung Hà


Theo thông lệ những buổi hát Sình ca thường kéo dài từ 5 đến 7 đêm, số bài hát khoảng từ 700 đến 1000 bài có sẵn. Người hát đòi hỏi phải giỏi đối đáp và tập trung cao độ vì nếu chỉ hát sai 1 chữ, hay 1 vần thì không thể hát tiếp được. bài hát không được trùng lặp, đêm hôm sau không được hát lại những bài đêm trước đã hát. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch mà đôi hát nhất thiết phải tuân thủ. Vào các đêm hát, người Sán Chí thường hát từ khoảng 7- 8 giờ tối, cho đến sáng hôm sau. Những người tham gia được chia thành hai nhóm nam và nữ, hát theo lối đối đáp. Mỗi đội có một nhóm trưởng đại diện, là người hát hay, đối giỏi và có tài ăn nói. Tất cả các thành viên phải là người chưa xây dựng gia đình, không cùng huyết thống. Người Sán Chỉ quan niệm, hát Sình ca là lối hát giao duyên, kết tình yêu đôi lứa cho nên những người có gia đình không được tham gia. Muốn tham gia thì có chăng chỉ được hát trong ngày hội xuân, chúc Tết hay trong đám cưới mà thôi. Ông Hầu Thanh Tịnh, người Sán Chỉ ở Móng Cái, cho biết: Xưa nay thanh niên nam nữ đi chơi ngày lễ, những người đi chơi làng khác thì hát để tìm hiểu nhau. Chính là mối giao duyên giữa đôi lứa để từ đó có thể thành đôi.

Sình Ca là hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tự do vì thế người ta có thể hát ở bất cứ đâu. Nam nữ gặp nhau, nếu thấy quý mến nhau thì đám hát lập tức được thành lập. Có thể nói hát Sình ca là một nét đẹp văn hóa thể hiện sự hài hòa giữa tính nghi lễ và tính sinh hoạt trong đám cưới của người Sán Chỉ. Sau những lần đối đáp giao duyên bên sườn núi, trong những lễ hội hay ngày cưới trong thôn bản, từ những câu Sình ca đằm thắm, những mối tình đã được nhen nhóm hình thành và đơm hoa kết trái. Đám cưới là điểm đến hạnh phúc đầu tiên của các cặp trai gái người Sán Chỉ khi  trải qua một quãng thời gian yêu nhau trong sáng bởi tình yêu đó được kết thành bằng câu hát Sình ca.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác