Tục “búa phàn tziu” cho trẻ sơ sinh, nét văn hóa tín ngưỡng của người Dao tiền ở Sơn La

(VOV5) - Mâm lễ búa phàn tziu không thể thiếu 4 bát cơm, 4 bát rượu hoẵng, 1 chum rượu, con gà luộc và một con lợn đã được mổ làm sạch bày lên bàn thờ tổ tiên. 

 Người Dao tiền Sơn La quan niệm đứa trẻ khi mới sinh nếu chưa được làm lễ "búa phàn tziu" hay còn gọi là lễ nhập khẩu thì chưa phải là thành viên chính thức của gia đình và chưa được ông bà, tổ tiên nhận làm con cháu. Vì vậy búa phàn triu là nghi lễ không thể thiếu được với một đứa trẻ ở đây.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Theo người Dao tiền ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, tục búa phàn tziu được gia đình thực hiện khi đứa trẻ tròn 3 ngày tuổi. Bà con cho rằng khi chưa làm lễ búa phàn tziu thì đứa trẻ đó chưa có tên, tuổi đầy đủ, chưa được ông bà, tổ tiên phù hộ.

Bà Triệu Thị Mụi, tiểu khu Sao Đỏ 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, cho biết: "Tục búa phàn triu được người Dao tiền rất coi trọng. Một đứa trẻ mới lọt lòng thì chưa được ông bà, tổ tiên chứng nhận là thành viên chính thức của gia đình nếu như chưa qua lễ búa phàn triu. Búa phàn tziu xong đứa trẻ sẽ được ông bà, tổ tiên, che trở phù hộ và chính thức trở thành thành viên mới của gia đình được nhập gia phả."

Mâm lễ búa phàn tziu không thể thiếu 4 bát cơm, 4 bát rượu hoẵng, 1 chum rượu, con gà luộc và một con lợn đã được mổ làm sạch bày lên bàn thờ tổ tiên. Trước khi trình báo tổ tiên cho nhập thành viên mới, thầy cúng gõ bộ âm dương hay còn gọi là “cháo”, gõ 3 gõ mời ông bà, tổ tiên chứng giám lễ búa phàn tziu của gia đình.

Tục “búa phàn tziu” cho trẻ sơ sinh, nét văn hóa tín ngưỡng  của người Dao tiền ở Sơn La - ảnh 1Gia đình người Dao Tiền ở Sơn La. - Ảnh VOV2

Ông Triệu Văn Toàn, bản Hang Chồng, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết nội dung cúng búa phàn triu." Kính ông bà, tổ tiên hôm nay gia đình có thêm thành viên mới. Nay cháu tròn 3 ngày tuổi gia đình chính thức làm lễ búa phàn triu cho cháu kính ông bà, tổ tiên chứng giám mâm lễ xin được nhập khẩu cho cháu trở thành thành viên chính thức của gia đình.  Cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ cho cháu được mạnh khoẻ, không ốm đau, chăm ăn chóng lớn.  Cháu giờ đã chính thức được đặt họ tên đầy đủ xin ông bà, tổ tiên chứng giám, nhận con cháu của gia đình."

Sau khi thầy cúng búa phàn tziu xong, đứa trẻ sẽ được đặt tên theo thứ tự là xịa mủi, xịa pham, xịa lay nếu là bé gái và tòn mủi, tòn pham, tòn lai nếu là bé trai (nghĩa là bé đầu, bé hai, bé ba). Khi đứa trẻ đã chính thức được đặt tên và được ông bà, tổ tiên chấp nhận, thì cũng là lúc thầy cúng thứ 2 tiến hành việc ghi chép họ tên, ngày tháng năm sinh của đứa trẻ vào gia phả của gia đình và tuyên bố cho các thành viên trong gia đình về họ tên đầy đủ của thành viên mới. Sau đó bà nội bế đứa trẻ ra ngoài trời với hàm ý báo cáo với trời đất đứa trẻ đã thực sự nhìn thấy mặt trời, cầu mọi sự bình an đến với đứa trẻ.

Chị Bàn Thị Thanh, bản Suối Khem, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cho biết: "Hôm nay em rất hạnh phúc được ông bà nội làm lễ búa phàn tziu cho cháu. Giờ cháu đã chính thức có tên đầy đủ, được ghi chép vào gia phả của gia đình, trở thành thành viên mới của gia đình, cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ cho cháu ngoan ngoãn, khoẻ mạnh."

 Tục búa phàn tziu của người Dao tiền ở Sơn La có từ xa xưa.  Nó có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, nhắc nhở con cháu phải biết vâng lời ông bà cha mẹ, được sự phù hộ, chở che của ông bà, tổ tiên khi được trở thành thành viên chính thức của gia đình. Có lẽ vì vậy mà nét văn hoá tín ngưỡng này vẫn được đồng bào gìn giữ, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác