Chèo đang thiếu vắng nhân tài

(VOV5) - LH chèo toàn quốc 2019 có sự cổ vũ của lực lượng khán giả hùng hậu nhất trong các Liên hoan, Hội diễn sân khấu truyền thống những năm gần đây.

Liên hoan nghệ thuật sân khấu Chèo toàn quốc ba năm một lần được tổ chức ở Bắc Giang từ 14 đến 28-9. Trong bối cảnh sân khấu chèo đang rất khó khăn, đây là dịp để những nghệ sĩ chèo trong cả nước xốc lại tinh thần, khơi lên lửa nghề và cũng là dịp giúp các đơn vị quản lý nhìn lại đội ngũ nghệ sĩ, tìm ra đường hướng để giúp loại hình nghệ thuật truyền thống tồn tại và phát triển.

Hơn 1000 nghệ sĩ, nhạc công của 16 đơn vị toàn quốc đã cùng nhau hội tụ, tranh tài và thăng hoa trong sự cổ vũ của lực lượng khán giả hùng hậu nhất trong các Liên hoan, Hội diễn sân khấu truyền thống những năm gần đây.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Chèo đang thiếu vắng nhân tài - ảnh 1Bế mạc Liên hoan chèo toàn quốc 2019 - Ảnh: VOV

Nhìn vào lực lượng nghệ sĩ và số lượng tác phẩm với 16 đơn vị nghệ thuật biểu diễn và hơn 1.000 diễn viên với 26 vở chèo thì dường như trong các loại hình nghệ thuật truyền thống, sức sống của chèo có vẻ khả quan hơn cả.

 Các đơn vị chèo trong cả nước như Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam… đều mang từ 1 đến 2 tham gia liên hoan.

Như các cuộc thi tài đã từng được tổ chức, nếu cứ để vào cửa tự do, không bán vé thì rất đông khán giả tới thưởng thức. Sự thành công về mặt này gây cảm giác bất ngờ với ngay cả đơn vị chủ nhà là Nhà hát Chèo Bắc Giang. Ông Phạm Xuân Hải, Phó Giám đốc nhà hát hào hứng: "Khán giả đến rất đông, những nghệ sĩ như chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Khi khán giả đông, nghệ sĩ chúng tôi cảm thấy rất hăng say và yêu nghề".

Đặc biệt, cũng có một lượng lớn khán giả trẻ đến xem, khiến diễn viên Bá Trung của Chèo Bắc Giang cũng bất ng: "Em cũng thấy rất vui vì không ngờ khán giả Bắc Giang đến đông thế, nhất là phải có tới cả trăm khán giả trẻ."

Nhưng qua đi sự hào hứng của việc khán phòng chật người xem, người làm nghề vẫn còn đó những lo lắng băn khoăn là làm sao để chèo thực sự “sống” được trong xã hội hiện đại, được khán giả có nhu cầu thưởng thức đến độ phải bỏ tiền ra mua vé vào xem. Đó dường như là ước mơ khó thành sự thật khi nhìn vào hiện trạng của sân khấu Chèo được thể hiện qua Liên hoan. Nhiều người nghiên cứu phải ngao ngán khi bao nhiêu năm rồi - chèo vẫn thế.

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo liên hoan, PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng: “Đây là một liên hoan chèo hoài cổ. Kịch bản cũ, nội dung cũ, cách làm cũ, ngôn ngữ cũ, tác giả cũ, đạo diễn cũ. Liên hoan toàn vở cũ, đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại cũ kỹ, có những vở người ta đã diễn hàng chục năm rồi. Ví dụ như Kiều Loan viết từ 1942 của Hoàng Cầm, tới bây giờ là 77 năm rồi. Còn phần lớn vở diễn 30 - 40 năm lôi ra diễn lại”.

Hiện trạng này là do, làng Chèo đang thiếu lắm những nhân tài, nhất là ở khâu sáng tác kịch bản. Nhà viết kịch bản chèo Bùi Vũ Minh tâm sự: "Đúng là đội ngũ biên kịch sân khấu nói chung, và đặc biệt là viết kịch bản cho các thể loại kịch hát đang thiếu vắng trầm trọng. Chèo cũng vậy. Nhìn lại, những người viết có tuổi như chúng tôi cứ thấy buồn vì sau lưng mình, chưa có người kế nghiệp, nhất là những người trẻ tuổi. Tôi nghĩ, nếu muốn chèo được thế hệ trẻ yêu thích thì những vấn đề của cuộc sống hiện nay, phải do các bạn trẻ tìm tòi và viết ra vì chính các bạn ấy mới là người am hiểu tâm lý của thế hệ mình. Chứ chúng tôi cứ ngồi rồi tự tưởng tượng ra mình ở tuổi ấy sẽ nghĩ ra sao, hành động thế nào thì quả là… không thực tế”

Các đơn vị chèo ở tỉnh càng khó khăn để tiếp cận những kịch bản tốt, phù hợp như ý kiến của NSUT Tạ Quang Lẫm, Nhà hát Chèo Bắc Giang: "Vấn đề này ở các đơn vị chèo ở tỉnh càng khó khăn. Trước hết là điều kiện để tiếp cận những kịch bản tốt không nhiều, có khi phải đặt hàng thì kinh phí lại là rào cản để có thể mua được kịch bản. Thậm chí, có những vở đề cập tới vấn đề cuộc sống đương đại, hội đồng nghệ thuật hoặc phòng nghệ thuật thấy tốt nhưng lại… không phù hợp với địa phương, do những sự tế nhị trong khâu duyệt…"

Khai thác kịch bản cũ, chuyển thể đưa vào chèo là những cố gắng của các đơn vị. NSUT Vũ Ngọc Cải, lãnh đạo Nhà hát Chèo Thái Bình cho biết "Chúng tôi lựa chọn kb này vì là viết về người con Thái Bình, lại thêm phóng sự của nhà văn Minh Chuyên rất nổi tiếng… Làm về chèo đề tài hiện đại đúng là có nhiều cái khó khăn, làm sao để ra chèo lại càng khó…"

Khan hiếm những kịch bản mới, hay, hấp dẫn nên các nhà hát cứ diễn đi diễn lại những vở cũ. Dù có là những vở kinh điển, song cứ diễn mãi thì ấn tượng về chèo là cũ kỹ, lạc hậu… càng thêm sâu trong lòng công chúng, nhất là công chúng trẻ.

Nhạc sĩ Vũ Đình Quân, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo VN so sánh về cách làm chèo hiện nay so với thời xưa: "Không khí liên hoan xưa và nay có khác biệt. Ngày xưa rất rầm rộ, mỗi dịp hội diễn là chúng tôi vui sướng lắm, tập trung đầu tư rất kỹ càng. Lúc bấy giờ đội ngũ vẫn còn đầy đủ, các cây đa cây đề còn cả. Nhưng tôi mừng vì nay nhà nước cũng tăng cường đào tạo các chuyên ngành, trong đó đội ngũ đạo diễn là có thể bắt kịp ngày xưa. Riêng có lực lượng tác giả là vẫn còn yếu. Thực ra tác phẩm ngày nay không có đỉnh cao."

Loại hình nghệ thuật nào muốn tồn tại cũng phải phán ảnh được đời sống đương đại, có kết nối với công chúng đương đại. Nếu chèo không làm được điều đó, sẽ dễ bị rơi vào hoàn cảnh như một di sản phi vật thể để bảo tồn mà thôi.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác