Cơ hội cho nghệ sĩ phim tài liệu tiếp tục song hành cùng phát triển bền vững

(VOV5) - Dự án Sản xuất phim tài liệu Sinh thái là một dự án có lợi đa phương giữa các tổ chức (đang đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu bền vững toàn cầu) và các nhà làm phim tài liệu.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Dự án Sản xuất phim tài liệu Sinh thái sẽ được triển khai trong năm 2021-2022. Đây là dự án hợp tác giữa hai tổ chức xã hội tại Việt Nam và các nhà làm phim tài liệu. Đó là nỗ lực chung để đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững 15 (tài nguyên và môi trường trên đất liền) và mục tiêu 17 (quan hệ đối tác vì các mục tiêu).
Cơ hội cho nghệ sĩ phim tài liệu tiếp tục song hành cùng phát triển bền vững - ảnh 1Rùa được bảo vệ tại Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) - Ảnh:CCD

Trong cuộc họp báo Khởi động Dự án phim, đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sáng lập chương trình Gặp gỡ mùa thu chia sẻ: "Việc làm phim tài liệu về chủ đề chúng ta đề cập, ở Việt Nam chưa được nhiều. Trong lúc đó, nếu chúng ta xem rộng rãi trên thế giới thì đây là một mảng người ta khai thác rất là hay và có tính hấp dẫn rất lớn. Ngoài việc thế giới thiên nhiên, hệ sinh thái nói chung là một thành tố gắn liền với chúng ta, nhưng đồng thời cũng là một thế giới rất lạ với chúng ta, nên đó là chất liệu rất hay để người làm phim tài liệu khai thác."

Chính thức được công bố Khởi động vào ngày 15/10, dự án Sản xuất phim tài liệu Sinh thái là một dự án có lợi đa phương giữa các tổ chức (đang đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu bền vững toàn cầu) và các nhà làm phim tài liệu (được cung cấp những câu chuyện, cảnh quay thú vị và nhân vật để kể những câu chuyện hấp dẫn). Trong năm 2021-2022, với sự hợp tác cùng Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) và Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt (Four Paws Việt), chủ đề của dự án sản xuất phim tài liệu năm nay tập trung vào Bảo tồn đa dạng sinh học và Phúc lợi động vật.

Đạo diễn Nguyễn Như Vũ (nguyên Quyền Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương), thành viên Ban giám khảo của LHP lần này nhắn nhủ với các nhà làm phim tài liệu muốn tham gia vào Dự án: "Phim về đề tài môi trường  các nhà làm phim trong nước ít nhiều cũng đã quan tâm. Hãng phim Tài liệu Khoa học TƯ, VTV2 và các nhà làm phim độc lập hàng năm cũng sản xuất một số phim về đề tài môi trường. Nhưng tôi nhấn mạnh đợt phim này do Viện Goethe tài trợ có ba điểm rất thú vị: Thứ nhất là những nhà làm phim sẽ được thỏa sức làm đề tài mình quan tâm về môi trường, và có người tạo điều kiện cho mình thực hiện những điều mình ấp ủ. Với tư cách là nhà làm phim lâu năm tôi thấy điều này rất hấp dẫn.

Hai là phim làm xong sẽ được quảng bá rộng rãi. Cụ thể nhất là LHP môi trường đã hai mươi mấy năm nay, có uy tín quốc tế rộng lớn. Ngoài ra nếu phim hay các bạn có thể gửi đến các LHP  khác. Điểm thứ ba rất hấp dẫn trong đợt phim lần này là các bạn được có hai hội thảo với những chuyên gia đầu ngành về làm phim của châu Âu. Những người làm phim Việt Nam chắc chắn mỗi người cũng có một cách làm phim nhất định. Nhưng qua những hội thảo chúng ta sẽ được đào tạo thêm những cách làm phim mới nhất của Châu Âu." - Đạo diễn Nguyễn Như Vũ nhấn mạnh.

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) và Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt (Four Paws Việt), là hai tổ chức phi chính phủ tham gia dự án lần này, đang tìm kiếm đội ngũ làm phim. Họ mong đợi được kể những câu chuyện và quảng bá cho các hoạt động của mình thông qua các bộ phim tài liệu. Chị Nguyễn Lê Thùy Linh, Quản lý truyền thông của Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt (Four Paws Việt) và cơ sở bảo tồn Ninh Bình cho biết: Trung tâm là nhà sản xuất cho bộ phim tài liệu về chủ đề Phúc lợi động vật thuộc khuôn khổ chương trình Eco films prodution.

Cơ hội cho nghệ sĩ phim tài liệu tiếp tục song hành cùng phát triển bền vững - ảnh 2Hoạt động cứu hộ của Four Paws  - Nguồn: Fp Four Paws

" Four Paws Việt và cơ sở bảo tồn Ninh Bình là một dự án phúc lợi động vật được xây dựng tại xã miền núi Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, nằm cách vườn quốc gia Cúc Phương khoảng 7 km. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là xây dựng cơ sở vật chất cứu hộ, chăm sóc và phục vụ cho những cá thể gấu từng là nạn nhân của nạn nuôi nhốt lấy mật và buôn bán động vật hoang dã, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn nạn nuôi nhốt lấy mật tại Việt Nam. Dự án được vận hành bởi tổ chức Four Paws Việt dưới sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ tổ chức Four Paws quốc tế. Sau một thời gian hoạt động tại Việt Nam chúng tôi nhận thấy vấn đề phúc lợi động vật tại Việt Nam chưa được quan tâm một cách thỏa đáng.

Qua dự án này chúng tôi hy vọng được kể những câu chuyện thật, về một vấn đề thật, vấn đề này không chỉ để nâng cao phúc lợi động vật tại Việt Nam mà còn làm sao để chúng ta - con người và động vật có thể chung sống hòa bình, mạnh khỏe hạnh phúc. Chúng tôi rất hy vọng những nhà làm phim khi tham gia vào sự kiện này sẽ đóng góp những góc nhìn độc đáo, sáng tạo về vấn đề mà chúng tôi chia sẻ. Chúng tôi rất hy vọng rằng khán giả khi xem bộ phim vào năm sau sẽ có thêm không chỉ kiến thức mà còn cả động lực để đồng hành cùng chúng tôi, là những đơn vị đang chiến đấu cho phúc lợi động vật tại Việt Nam." Chị Nguyễn Lê Thùy Linh cho biết.

Các nhà làm phim được khuyến khích sử dụng những kiến thức, kỹ năng tốt nhất của mình và tận dụng những tài liệu do các tổ chức xã hội cung cấp để tạo ra những tác phẩm góp phần thúc đẩy xã hội thực hiện các mục tiêu bền vững toàn cầu. Ban tổ chức mong đợi những bộ phim có thể thu hút sự chú ý của quốc tế trong các liên hoan phim tài liệu hoặc các liên hoan phim về môi trường dành cho những hoạt động cộng đồng bền vững được thực hiện ở Việt Nam.

TS Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) cho biết: "CCD là một tổ chức ở Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và thúc đẩy hoạt động phát triển bền vững. Chúng tôi  tham gia dự án này  với mong đợi rằng câu chuyện của chúng tôi sẽ giúp lan tỏa được đến công chúng về vấn đề bảo tồn thiên nhiên. Chúng ta biết rằng thiên nhiên của chúng ta đẹp như thế nào và cũng đang bị tàn phá ra sao, thì chúng ta làm gì để có thể cùng nhau bảo vệ và phục hồi được giá trị đó. Chúng tôi cũng rất mong muốn câu chuyện của chúng tôi trong chương trình này cũng giúp lan tỏa được thông điệp liên quan đến vấn đề phát triển bền vững.

Trong bối cảnh dịch bệnh, trong bối cảnh thế giới đang bị thay đổi nhiều như thế này thì vấn đề phát triển bền vững hơn lúc nào hết trở thành những mục tiêu lớn mà cả thế giới hướng tới. Trong khuôn khổ hoạt động của tổ chức mình, chúng tôi cũng rất mong đợi chia sẻ những câu chuyện  chúng tôi đang làm gì để thúc đẩy hoạt động phát triển bền vững ở Việt Nam."

Thành viên ban giám khảo LHP, đạo diễn, biên kịch Nguyễn Lê Hoàng Việt, đồng sáng lập công ty “ever rolling films” cho rằng: "Trong việc quảng bá các bộ phim tài liệu nói chung và phim tài liệu về sinh thái, phim tài liệu về thiên nhiên, động vật nói riêng ở Việt Nam, vẫn còn ít những kênh để chúng ta tìm xem hay giới thiệu một cách chọn lọc những bộ phim đặc sắc, những bộ phim mới như thế.

Tôi nghĩ rằng LHP khoa học cũng như dự án Eco film trong cùng một chương trình sẽ giúp đưa thêm những bộ phim về thiên nhiên, về sinh thái đến với khán giả. Và không phải chỉ là khán giả của truyền hình. Bây giờ sẽ là những khán giả của những nền tảng nội dung mới, khán giả trẻ - mà tôi cũng là một người đến từ nhóm khán giả này và cũng rất muốn chúng tôi có thêm kiến thức, qua góc nhìn của những câu chuyện kể sáng tạo, sinh động thì mình có thể hiểu hơn và dẫn đến hành động vì môi trường, vì hệ sinh thái bền vững hơn

Viện Goethe có truyền thống lâu đời trong việc thúc đẩy làm phim tài liệu khoa học và đặc biệt vào năm 2004, lần đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên Liên hoan phim Khoa học quốc tế do viện Goethe tổ chức. Ngoài ra, Viện Goethe thúc đẩy đào tạo cho các nhà làm phim bằng cách hỗ trợ nhóm làm phim độc lập DocLab từ năm 2008 đến năm 2017. Trong dự án Sản xuất phim Tài liệu Sinh thái, viện Goethe sẽ hỗ trợ sản xuất phim và tổ chức hai hội thảo với các nhà làm phim tài liệu của Đức để trao đổi kinh nghiệm và nâng cao năng lực về cách kể chuyện sáng tạo và cách làm phim bền vững
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác