Dịch giả Giáp Văn Chung nhận giải Sách hay 2017 cho Bảo tàng ngây thơ

(VOV5) - Cuốn Bảo tàng ngây thơ của Orhan Pamuk cũng là cuốn đầu tiên ông dịch không thuộc văn học Hungary.

Giải Sách hay năm 2017 gồm 7 hạng mục Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi và Phát hiện mới vừa được trao giải tại TP.HCM. Giải do Viện Giáo dục IRED, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Sáng kiến OpenEdu phối hợp thực hiện. Giải thưởng năm nay, có gương mặt của hai người Việt Nam ở nước ngoài, là dịch giả Giáp Văn Chung, và tiến sĩ kinh tế Alan Phan.

Dịch giả Giáp Văn Chung nhận giải Sách hay 2017 cho Bảo tàng ngây thơ - ảnh 1

Giải sách hay ở hạng mục sách văn học được trao cho các cuốn: Tình cát (tác giả Nguyễn Quang Lập); Dịch phẩm Bảo tàng ngây thơ (tác giả Orhan Pamuk, dịch giả Giáp Văn Chung). Hạng mục sách phát hiện mới: Đà Lạt một thời hương xa: Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 - 1975 (tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên); Mộ phần tuổi trẻ (tác giả Huỳnh Trọng Khang); Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu (tác giả Hoàng Tuấn Công).

Đối với dịch giả Giáp Văn Chung, vốn được biết đến như một dịch giả rất uy tín dịch văn học Hungary ra tiếng Việt, điều thú vị là cuốn Bảo tàng ngây thơ của Orhan Pamuk cũng là cuốn đầu tiên ông dịch không phải văn học Hungary. Orhan Pamuk, tác giả Thổ Nhĩ Lỳ nổi tiếng, viết Bảo tàng ngây thơ hai năm sau khi nhận giải Nobel văn học vào năm 2006. Như trong giới thiệu sách “Orhan Pamuk, bằng sự tinh tế tuyệt đối, sự nhạy cảm hoàn hảo đã đi được đến tận cùng tâm trí một kẻ si tình, để thả bút mà vẽ nên từng đường nét của sự rung động đẹp đẽ.

Dịch giả Giáp Văn Chung nhận giải Sách hay 2017 cho Bảo tàng ngây thơ - ảnh 2Dịch giả Giáp Văn Chung bên bàn làm việc của mình - Ảnh: Trung Đặng/Fb nhân vật 

Dịch giả Giáp Văn Chung cho biết: “Có lý do là tôi được biết Orhan Pamuk đã có khoảng 7- 8 tác phẩm được giới thiệu ở Việt Nam, nhưng đa số các bản dịch đều dịch qua các ngôn ngữ trung gian như tiếng Anh, Đức, Pháp hay tiếng Nga. Khi bên Nhã Nam bảo tôi làm thử 10 trang cuốn Bảo tàng ngây thơ, tôi cũng nói chỉ muốn giới thiệu văn học Hungary thôi chứ không muốn làm của các nước khác, vì dịch qua ngôn ngữ thứ ba mình sợ sẽ phá vỡ những nguyên tắc của mình. Tuy nhiên bên Nhã Nam nói sách của Pamuk đều phải dịch từ ngôn ngữ thứ ba vì không có dịch giả dịch thẳng từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi làm thử các bạn ấy đồng ý ngay. Tôi bắt tay làm, vì Orhan Pamuk là một trong số ít tác giả nước ngoài mà tôi yêu thích. Trước Bảo tàng ngây thơ thì tôi cũng đọc Istalbul thành phố và hồi ức, hay là cuốn Sắc màu khác tôi cũng rất thích. Sau khi làm xong, tôi không ân hận, vì các bạn Nhã Nam cũng như nhiều bạn đọc nói cuốn đó là một trong những cuốn hay.”

Bảo tàng ngây thơ bản tiếng Việt ngay khi ra mắt đã được độc giả đón đọc và có những phản hồi rất tích cực. Độc giả Huy Nguyễn đã nhận xét: “Đọc Bảo tàng ngây thơ giống như làm một cuộc tản bộ trong hương hoa đoạn và vị gió biển, dọc eo biển Bosphorus và qua những ngôi nhà mục gỗ, qua những khoảng không rực nắng của Istanbul và vào tâm hồn mốc rêu của một gã si tình, Kemal.”

Giáp Văn Chung nói, quá trình dịch tác phẩm này cũng rất mệt vì ông dịch cuốn sách này qua tiếng Hungary và phải tham khảo bản tiếng Anh, nhưng ông rất vui khi bạn đọc trong nước đón nhận và yêu thích tác phẩm:

“Tôi không chủ trương dịch văn học của nước khác vì mình chỉ hiểu biết về văn học Hungary, ngôn ngữ Hungary, nên dịch qua một ngôn ngữ khác tôi không hài lòng lắm. Tôi buộc phải tham khảo cả bản dịch tiếng Hung và tiếng Anh. Khi cầm cũng rất ngại vì hơn 800 trang văn bản tiếng Anh - vì văn bản tiếng Anh bao giờ cũng dài hơn, mà bản tiếng Hung cũng gần 700 trang.”

Vào năm 2012, nhà văn Orhan Pamuk đã cho xây dựng nên "Bảo tàng Ngây thơ", để phục vụ chính niềm đam mê của mình, cũng như giúp độc giả phần nào được sống trong không khí văn chương của tác phẩm. Ông dày công sưu tập hàng nghìn đồ vật liên quan đến các nhân vật được mô tả trong tác phẩm. Có năm Bảo tàng ngây thơ đã được bầu là Bảo tàng của Châu Âu.

Điều dịch giả Giáp Văn Chung thấy thú vị, là ông đã tới được Bảo tàng ngây thơ ở Istabul, Thổ Nhĩ Kỹ, một bảo tàng thực sự đẹp đẽ và đáng nhớ:”Ngẫu nhiên là ngay sau cuốn sách tôi có chuyến đi thăm Istanbul, và mình có cảm giác nhiều khi gặp lại những địa danh ở trong cuốn sách, những cầu thang, những con phố nhỏ, những quán ăn…mà tác giả miêu tả trong nhiều cuốn sách của ông. Bởi vì Orhan Pamuk luôn nói ông là người Istanbul chứ không phải người Thổ. Ông yêu thành phố của ông đến mức như thế. Và tôi có được vào xem Bảo tàng ngây thơ. Đấy có lẽ là tác giả duy nhất dựng Bảo tàng song song với cuốn sách. Bảo tàng đó có 82 tủ trưng bày tương đương với 82 chương của cuốn sách, là điều rất thú vị.” - Ông nói.

Được trao giải Sách hay 2017, cũng như được tặng Huân chương Chữ thập vàng do Nhà nước Hungary trao trong cùng năm 2017, là sự ghi nhận xứng đáng với tên tuổi Giáp Văn Chung, một dịch giả tài năng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác