Hoàng Cầm trăm năm về Kinh Bắc

(VOV5) - "Cái còn lại và sống mãi của thơ Hoàng Cầm sẽ là truyền thống văn hoá. Đặc biệt Về Kinh Bắc sẽ là một sử thi trữ tình độc nhất vô nhị về Kinh Bắc văn vật cổ xưa..."

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:

 Nhà thơ Hoàng Cầm (1922 - 2010) là tác giả văn học nổi tiếng và được mến mộ trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông đã được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là tập thơ Về Kinh Bắc, một sử thi trữ tình về miền Kinh Bắc, vùng văn hoá cổ điển của Việt Nam xưa. 

Viện Pháp tại Hà Nội vừa tổ chức buổi toạ đàm ra mắt sách Hoàng Cầm Về Kinh Bắc, mở đầu trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông,  với sự tham gia của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán…

Hoàng Cầm trăm năm về Kinh Bắc - ảnh 1

Cuốn sách Hoàng Cầm Về Kinh Bắc gồm tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm; những bài viết chọn lọc của các tác giả: Hoàng Hưng, Nguyễn Thuỵ Kha, Đỗ Lai Thuý, Chu Văn Sơn, Phạm Xuân Nguyên, Trần Thanh Cảnh, Nguyễn Đức Tùng, Lê Thị Thanh Tâm, Lê Hồ Quang; và một số tư liệu quý về thơ Hoàng Cầm.

Nhà thơ Hoàng Hưng, người bạn gắn bó nhiều năm với nhà thơ Hoàng Cầm chia sẻ lý do tái bản Về Kinh Bắc vi:  “Đây là tập thơ tiêu biểu nhất của ông về tình ý, tâm sự, giọng điệu, thi pháp… Đây là tác phẩm toàn bích và cũng nổi tiếng nhất của ông vì nó gắn với những huyền thoại về cuộc đời, về nghiệp thơ, phận thơ, mệnh thơ của tác giả. Về thi pháp, tập thơ đã thể hiện nhất quán rõ rệt nhất một lối thơ Hoàng Cầm nhất, một âm điệu, một lối tạo hình kiểu dẫn dắt tuyến thơ, một ngôn ngữ riêng của Hoàng Cầm.

Về Kinh Bắc dựng lên một không khí, một thế giới ảo thực, cổ xưa, hiện đại, âm dương, ẩn hiện, giao hào. Cái còn lại và sống mãi của thơ Hoàng Cầm sẽ là truyền thống văn hoá. Đặc biệt Về Kinh Bắc sẽ là một sử thi trữ tình độc nhất vô nhị về Kinh Bắc văn vật cổ xưa và cái nôi của văn hoá Việt. Có thể gọi đó là bảo tàng phi vật thể về văn hoá Kinh Bắc. Hoàng Cầm có những bài thơ kinh điển, ẩn chứa sự bí mật, vừa là tâm sự khó nói ra về lịch sử thời đại, vừa mang màu sắc huyền thoại tâm linh nên còn mời gọi sự khám phá.”

Hoàng Cầm trăm năm về Kinh Bắc - ảnh 2Thi sĩ Hoàng Cầm - Ảnh: Quỹ Tưởng niệm 100 năm Hoàng Cầm (HC100)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: "Hoàng Cầm là thi sĩ đặc biệt trong một lịch sử đặc biệt. Những lớp bụi thời gian phủ lên những giá trị đích thực của những tác giả như Hoàng Cầm sẽ được gạt ra để hiển lộ những vẻ đẹp đích thực; người viết, người đọc tin rằng mọi giá trị đích thực của thơ ca sẽ toả sáng; cho chúng ta niềm tin trong sáng tạo nghệ thuật.Tôi đối với Hoàng Cầm không gọi nhà thơ mà gọi là thi sĩ, mặc dù nghĩa hai từ không khác nhau, vì tôi cảm giác trong đời sống cũng như trong thi ca, kể cả những lúc khó khăn nhất, thách thức nhất, Hoàng Cầm vẫn sống một đời sống thuần khiết nhất.Và thi ca của ông cũng mang tinh thần thuần khiết nhất Và thi ca của ông cũng là tinh thần thuần khiết nhất.”.

Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha cũng đã nhiều năm gắn bó, nghiên cứu, làm phim tài liệu về Hoàng Cầm, khẳng định, Hoàng Cầm là một thi sĩ đích thực không chỉ trong thơ ca: “Không những là thi sĩ trong thơ ca, trong đời sống ông cũng sống đúng như một thi sĩ. Từ những ứng xử nhỏ nhất như cầm một ly rượu lên uống hay nói chuyện với bạn bè đều lan tỏa một tinh thần thi sĩ, mà ông không cố tình, điều đó rất tự nhiên. Và tôi nghĩ đúng trời sinh ra ông để làm thơ".

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định, có một chiếc cầu văn hoá Hoàng Cầm muốn nối lại, bắc lại trong tập Về Kinh Bắc: “Hoàng Cầm với Về Kinh Bắc, đã tạo cho mình – tạm dùng chữ của anh Đặng Tiến – là một vũ trụ thơ của ông, một vũ trụ thơ Kinh Bắc. Ông về đó như cá về nước, làm rất tự nhiên, và sáng tạo hết mình, thăng hoa hết cỡ. Những thiên tính nữ, những người nữ, ngươì mẹ Việt, những liền chị với những ẩn ức nhập vào ông. Và Kinh Bắc đã qua Hoàng Cầm để trở thành thơ, thành nhạc, thành những trầm tích văn hóa được neo lại. Đừng đi tìm thời sự, thời cuộc trong thơ Hoàng Cầm. Ông hiện tại hóa quá khứ, quá khứ hóa hiện tại. Và sự trở về này, ở ngay cả những bài như Bên kia sông Đuống, thì những câu được nhớ nhất, những câu đẹp nhất, vẫn là những câu “về”. Ngay cả khi viết trong chiến tranh, những câu thơ như "Tiểu đội anh ai còn ai mất/ Không ai còn ai mất chỉ chết cả mà thôi/ Người trước người sau lao vào giặc/ Giữ trọn nghìn thu một giống nòi” thì câu “Giữ trọn nghìn thu một giống nòi” chính là câu chất Hoàng Cầm.”

Hoàng Cầm trăm năm về Kinh Bắc - ảnh 3Góc trưng bày ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán tại Viện Pháp - Ảnh: Quỹ Tưởng niệm 100 năm Hoàng Cầm (HC100)

Trong không gian của Viện Pháp tại Hà Nội, 22 bức ảnh chân dung nhà thơ Hoàng Cầm cùng những bạn bè văn chương của ông đã được trưng bày. Đây là số ít trong rất nhiều bức ảnh được nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp lại và lưu giữ. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chia sẻ, Hoàng Cầm là thi sĩ mà ông trọng nể cả tài năng và nhân cách sống.

Với Hoàng Cầm Về Kinh Bắc lần đầu tiên bạn đọc có cơ hội tiếp cận tập thơ Về inh Bắc được tổng hợp từ các dị bản năm 1959, 1960, 1982 và phiên bản được xuất bản qua các năm từ 1994 đến 2011. Đặc biệt, các tác phẩm hội hoạ, tranh ảnh và âm nhạc, tài liệu quý được tuyển chọn kĩ lưỡng nhằm tôn vinh sự hoà quyện của thơ ca văn học và nghệ thuật đương đại.

Trong buổi ra mắt, một số trích đoạn thơ Hoàng Cầm, ca khúc của Phạm Duy, Hữu Xuân sáng tác với lời thơ Hoàng Cầm cũng được trình diễn cho khán giả. Sự kiện này cũng được tổ chức ở đường sách TP Hồ Chí Minh vào 20/2, và ở Bắc Ninh – Thuận Thành quê hương của nhà thơ cũng sẽ có những hoạt động  khác. Ngoài ra sẽ còn những cuốn sách khác được xuất bản như 100 bài thơ Hoàng Cầm do nhà thơ Nguyễn Thụy Kha tuyển chọn, họa sĩ Lê Thiết Cương minh họa.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác