“Kí họa thời chiến”: Tâm huyết còn mãi với thời gian

(VOV5) - Cuốn sách tập hợp gần 200 bức ký họa là tâm huyết, là tài sản vô giá của họa sĩ Trần Huy Oánh được ông ghi chép lại nơi chiến trường.

Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn Auction House đã ra mắt tập sách tranh “Ký họa thời chiến - Tâm huyết còn mãi với thời gian” của PGS, họa sỹ Trần Huy Oánh. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tuyển tập gồm 189 tranh ký họa được phân theo các thời kỳ và địa danh (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Trường Sơn và Tây Nguyên) như một hồi ký của họa sĩ khi nhìn lại. Những hình ảnh, cảm xúc hiện thực được ông ghi lại theo dòng thời gian có vẻ đẹp mỹ học riêng. Nhân dịp ra mắt cuốn sách, những bức tranh ký họa thời chiến tiêu biểu nằm trong cuốn sách cũng đã được Nhà đấu giá Chọn Auction House và họa sĩ Trần Huy Oánh lựa chọn để trưng bày tại 17 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Giữa những lời chúc mừng nồng nhiệt cùng những bó hoa tươi thắm của các đồng nghiệp, học trò, gia đình, bạn bè họa sĩ Trần Huy Oánh không giấu nổi sự xúc động, nghẹn ngào: "Đây là những tác phẩm tôi vẽ lúc còn trẻ. Năm 72, 73 tôi vào Trường Sơn, đi dọc Trường Sơn cho đến miền Tây Nam bộ và Campuchia để vẽ. Chủ yếu không phải vẽ về chiến tranh mà là vẽ trong thời chiến của quân và dân ta phục vụ cho chiến tranh hay nói cách khác là vẽ hậu cần. Miền Bắc là hậu cầu của miền Nam, rồi Trường Sơn là hậu cần trực tiếp của cuộc kháng chiến. Hai mảng chính là: phía Bắc (Vĩnh Linh) và Trường Sơn. Tôi đi vẽ ở cầu Hàm Rồng bom đạn ác liệt ra sao, vẽ ở Trường Sơn gặp những khó khăn gì".

“Kí họa thời chiến”: Tâm huyết còn mãi với thời gian - ảnh 1 PGS, họa sỹ Trần Huy Oánh

Phần lớn các bức ký họa được vẽ bằng các chất liệu như: chì than, màu nước, phấn nước, mực nho, bút sắt…là kho tài sản quý báu của họa sĩ Trần Huy Oánh. Đó là những ký họa chân thực, sinh động, đẹp và có nhiều ý nghĩa của một thời không thể nào quên trong lịch sử dân tộc. Qua tranh, công chúng như được gặp lại anh lính thông tin, cô dân quân xã, bà mẹ Vân Kiều địu con bịn rịn bên những binh trạm ở ngầm Ta Lê hay cao điểm Pu la nhích-những địa danh đã trở thành huyền thoại trên tuyến đường 20-Quyết thắng…trong những tác phẩm như: “Mở đường Trường Sơn trên núi cao”, “Bộ đội thông tin trong rừng”, hay “Anh lính trẻ biểu diễn sáo”, “Lão dân quân đọc sách”… Và cũng qua những tác phẩm ấy, người xem như được sống lại với những lần mở đường Trường Sơn trên núi cao, những chuyến xe zin 3 cầu vượt ngầm nhọc nhằn, vất vả; những cung đường cây cháy rụi và những hố bom. Hay như những nhịp cầu Hàm Rồng bị gãy từng tốp công nhân, chiến sĩ khẩn trương sửa chữa bất chấp hiểm nguy. Rồi những đêm thuyền chở quân, đạn dược qua sông…

Vẽ nhanh và mang sự giản dị đặc trưng của ký họa, vậy nhưng những nét vẽ và mảng màu phết vội trong tranh Trần Huy Oánh vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt từ năng khiếu, kinh nghiệm và đặc biệt là con mắt sắc sảo của một họa sĩ chiến trường. Xa hơn thế, như chia sẻ của ông, ẩn sau những bức ký họa giản dị ấy là sự rung động đặc biệt của người vẽ, khi được sống và sáng tác trong quãng thời gian hào hùng và bi tráng của lịch sử dân tộc. "Trong cuộc kháng chiến đó không loại trừ ai, tất cả đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, tất cả để chiến thắng cho nên tôi rất cảm động khi mọi người đều tham gia cuộc chiến này với khả năng của mình. Ví dụ miền Bắc tôi vẽ HTX, các xã viên, các cụ già 90 tuổi vẫn còn đi lao động. Thế rồi quân và dân của miền Bắc, miền Nam…Vì cái đó mà nó làm cho tôi lao vào cuộc chiến để vẽ"

Đi theo tiếng gọi của Tổ quốc và bằng tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, họa sĩ Trần Huy Oánh đã nhanh chóng phát hiện, ghi chép những hình ảnh đẹp của đồng bào, đồng chí mà ông tình cờ bắt gặp và tin yêu. Trên những mảng màu phết nhanh, họa sĩ vẽ những hình, những nét, diễn tả những cảm nhận về cuộc sống thoáng qua, chợt đến, vội đi. Sự sống hiện lên trên trang giấy, những sinh hoạt của quân và dân thời chiến gian khổ mà hào hùng. Nét vẽ chọn lọc, tương phản trên những mảng màu rộng, dài, loang xa, màu bình dị có lúc như rêu phong, có lúc như bụi đường mờ đục, lại có lúc như lá rừng, suối cạn, đất đỏ…

Điều đó đã bộc lộ cái tài tình của người cầm cọ như chia sẻ sau đây của họa sĩ Trần Khánh Chương-Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: "Thế hệ họa sĩ đi qua kháng chiến, cái thời mà bất cứ họa sĩ nào cũng có nhiều tranh ký họa, và những bức ký họa không chỉ dừng ở bức ghi chép tài liệu mà nó đã trở thành tác phẩm độc lập. Ký họa trở thành việc làm thường xuyên hàng ngày đối với thế hệ họa sĩ này. Họa sĩ Trần Xuân Oánh có rất nhiều tranh, đó có thể là tranh vẽ rất nhanh, vẽ chọn lọc nhưng nó là những tác phẩm không những có hình có mầu mà còn cả tình cảm của người họa sĩ trong đó. Ông đã góp phần tạo nên một di sản"

“Kí họa thời chiến”: Tâm huyết còn mãi với thời gian - ảnh 2 Cuốn “Ký họa thời chiến - Tâm huyết còn mãi với thời gian

Trong gần 200 tác phẩm ký họa thời chiến của họa sĩ Huy Oánh, nhân vật như quen thuộc nên gần gũi, không gian hiện thực nên rộng lớn, màu sắc là của quê hương nên xúc động… Ẩn sau những bức ký họa về chân dung, phong cảnh như: “Bộ đội Bắc Quảng Trị luyện tập đánh địch trong thành phố”, “Sẵn sàng bảo vệ vùng trời”, “Trạm gác trên đê”, “Chở phân bón”, “Thị xã Đông Hà bị đổ nát”, “Nhà rông bản Đăk-Rao bị phá”…người xem cảm nhận được sự rung động đặc biệt của tác giả.

Những cảm xúc vui buồn, hân hoan, đau đớn, sẻ chia được ông lưu lại trong những bức ký họa. Tuy vẽ vội vẽ nhanh, vẽ trong hoàn cảnh ngặt nghèo của thời chiến, nhưng những bức ký họa của ông vẫn bộc lộ khả năng đặc biệt của một họa sĩ có trình độ, một cây bút sung sức.

Ông Vi Kiến Thành-Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhận ra điều đặc biệt từ tranh ký họa của họa sĩ Trần Huy Oánh: "Rất nhiều ký họa không chỉ ghi chép những cảm xúc cũng như sự kiện xảy ra trong chiến tranh mà nhiều bức là những tác phẩm thực diễn rất xuất sắc. Có thể nói ông là một trong những họa sĩ của Việt Nam có khả năng nắm bắt và vẽ  hình rất đẹp. Hình ở đây không nên hiểu là hình họa mà là hình có tạo hình của cá nhân nghệ sĩ"

Họa sĩ Trần Huy Oánh cho biết, ký hoạ là vẽ, ghi nhanh, thậm chí rất nhanh để kịp “bắt” và giữ lại cái thần của nhân vật hay của đối tượng sáng tác, bởi nếu khoảnh khắc ấy qua đi, cái thần khó tìm lại được.

Vì vậy, phải biết quan sát, tìm ra nét riêng trên gương mặt họ. Trong bức ký họa “Chân dung nữ du kích”, người xem nhận thấy sự chắc chắn trong từng nét bút. Hay như bức “Công nhân cơ khí địa phương” vẽ năm 1969, họa sĩ đã lột tả được cái thần của nhân vật, sự lo toan vất vả không thể che lấp nét khỏe khắn, tự tin hiện lên qua gương mặt cô công nhân. Vì vậy, giống như nhiếp ảnh, ký họa được coi là nghệ thuật của khoảnh khắc.

Tuy vậy, theo họa sĩ Trần Huy Oánh nó khác nhiếp ảnh ở chỗ trong khoảnh khắc ấy luôn diễn ra một sự chắt lọc rất tinh tế: "Cái đó không thể vẽ được, mà tạo cho mình một cái lưu ảnh hoặc vốn sống cho mình để sau này mình sáng tạo, tất cả nó nhập vào mình thành tình cảm của mình, và khi vẽ nó sẽ mang theo. Cho nên nghệ thuật không chỉ vẽ trực tiếp mà còn vẽ cái bên trong, tức cái mà mình không thấy…Ký họa ghi lại thời điểm tức thời của cuộc sống, cái hoạt động của cuộc sống. Ví dụ những ký họa về người và cảnh hôm nay sẽ không phải sau này 100 năm hoặc người bây giờ không phải là người của 100 năm trước. Giá trị của ký họa nằm ở chỗ đó"

“Kí họa thời chiến”: Tâm huyết còn mãi với thời gian - ảnh 3 Một trong những bức ký họa của họa sỹ Trần Huy Oánh

Muôn nẻo đường chiến tranh ông có mặt. Ngọn bút dồn nén xúc cảm tận lòng cứ rung lên trước khung cảnh quê hương đất nước và trước vẻ đẹp thầm lặng của con người, dẫu đó là anh bộ đội, o giao liên, chị dân quân, cô y tá hay bác nông dân, anh lái xe…

Là người biên tập “Ký họa thời chiến-Tâm huyết còn mãi với thời gian” của họa sĩ Trần Huy Oánh, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cảm nhận từ những tác phẩm trong cuốn sách dạt dào cảm xúc của người sáng tác. Hơn nữa, nó đã chiếm được tình yêu của độc giả bởi vẻ đẹp bình dị của con người và cảnh vật trong đó…

"Đến những miền đất, vùng đất nào ông cũng tìm được vẻ đẹp của con người và cảnh sắc vùng đất ấy, và đặc biệt là không khí chiến tranh được ông thể hiện hết sức rõ nét trong từng ký họa. Nó không chỉ là những ghi chép thuần túy nữa mà sánh ngang với những tác phẩm sau này ông sáng tác như tranh sơn mài, sơn dầu"

“Kí họa thời chiến”: Tâm huyết còn mãi với thời gian - ảnh 4

Cũng theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, những năm tháng ấy, không chỉ riêng họa sĩ Trần Huy Oánh mà thế hệ ông đã kịp nhận biết bổn phận đương nhiên của thế hệ mình là hãy cứ sống và vẽ khi đối diện hàng ngày với nhịp sống thời chiến khốc liệt của dân tộc. Họ chính là những người nghệ sĩ-chiến sĩ:

"Tôi nghĩ chưa bao giờ ký họa lên ngôi như bắt đầu thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Có lẽ qua hai cuộc kháng chiến, việc sử dụng ghi chép nhanh mà được gọi là ký họa được mở đầu bằng danh họa Tô Ngọc Vân, nó trở thành một ngôn ngữ riêng một tiếng nói riêng hết sức đặc sắc. Bởi đó là những giây khắc của cảm xúc, nó không có lần thứ hai.Còn khi mà sáng tác tác phẩm dài hơi nó lại là câu chuyện của cảm xúc khác. Ngày nay anh em họa sĩ đi thực tế ít vẽ ký họa mà chụp ảnh rồi vẽ sau. Có thể vẽ bằng nhiều trường phái, nhưng rõ ràng những ký họa mang tính trực tiếp của họa sĩ cảm nhận trước thiên nhiên, cảm nhận trước cuộc sống, con người vẫn có giá trị riêng mà nay thì gần như nó xa dần"

“Kí họa thời chiến”: Tâm huyết còn mãi với thời gian - ảnh 5

Kí họa thời chiến - Đó là tâm huyết còn mãi với thời gian của họa sĩ-thầy giáo Trần Huy Oánh-người đã có nhiều tác phẩm cống hiến cho nền hội họa nước nhà. Và như lời đề tựa trong cuốn sách của họa sĩ Trần Huy Oánh, họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã viết: “Hồi ức, lúc này không chỉ của riêng ông. 

“Kí họa thời chiến”: Tâm huyết còn mãi với thời gian - ảnh 6

 Tài sản vô giá của những năm đẹp đẽ ấy là ngọn lửa miên viễn mang nét đẹp Việt vẫn còn kịp trao cho những thế hệ đến sau".

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác