Kịch Lưu Quang Vũ – Những điều còn mãi với thời gian

(VOV5) - 26 tham luận tại Hội thảo 'Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại Việt Nam' đã tập trung đánh giá về những thành tựu và bài học trong sáng tác trong tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Kịch Lưu Quang Vũ – Những điều còn mãi với thời gian - ảnh 1

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948-1988) đã sáng tác 53 vở kịch ngắn dài, hàng trăm bài thơ, truyện ngắn và là tác giả trẻ nhất được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật trong lĩnh vực sân khấu. Giá trị của kịch Lưu Quang Vũ dường như còn mãi với thời gian – đây là ý kiến chung của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật tại buổi Hội thảo này.

Nhà văn, nhà phê bình Ngô Thảo nhấn mạnh về sức hút của kịch Lưu Quang Vũ: “Tôi luôn luôn nghĩ những gì anh Lưu Quang Vũ viết còn lại với thời gian vì chất ngọc thật. Chúng ta biết rằng ba mươi năm qua, mỗi năm dàn dựng 10 – 20 vở kịch. Nhưng hôm nay để chọn một tác giả nào, tác phẩm nào để vượt Lưu Quang Vũ chắc là còn nhiều khó khăn. Mặc dầu rất nhiều tác giả được giải thưởng nhưng để tổn tại được như kịch của Lưu Quang Vũ. Người ta vẫn cảm thấy kịch như vừa mới được viết. Anh Vũ không chỉ tạo ra được những tấm kính mặt phẳng để phản ánh cuộc sống một thời nào cho chúng ta soi mà bản thân anh Vũ đã tạo ra những viên ngọc để thời nào chúng ta cũng soi được”.

Quả thật cho đến nay, nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ vẫn được dàn dựng lại và phổ biến ở các sân khấu lớn. Những vở như Bệnh sĩ, Lời nói dối cuối cùng, Lời thề thứ 9… được dàn dựng và trình diễn vài trăm lần. Mới đây, tại Liên hoan sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018, vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy tác giả Lưu Quang Vũ do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng đã giành được Huy chương Vàng. 26 bài tham luận trong buổi Hội thảo là những lát cắt lý giải về hiện tượng Lưu Quang Vũ.

Đạo diễn, NSƯT Đào Quang cho rằng tâm nguyện và đích cuối cùng mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm đến là tinh thần công dân trước cuộc sống và xã hội, những giá trị đạo đức của con người về hạnh phúc, những cảm xúc mới mẻ mà con người là trung tâm. “Lưu Quang Vũ đặt ra những vấn đề và yêu cầu cả xã hội phải từng bước chuyển đổi. Lưu Quang Vũ lấy hai vấn đề, một là sự đổi mới, hai là lấy con người làm trung tâm, mà hôm nay nó còn nguyên giá trị. Chính vì điều đó kịch của Vũ hôm nay vẫn còn tồn tại, vẫn sáng đèn, trường tồn cùng thời gian. Cho nên, tôi khẳng định kịch Lưu Quang Vũ tồn tại cùng quá khứ, hiện tại và tương lai”

Còn đối với nhiều nhà nghiên cứu, điều tạo nên sức sống cho kịch Lưu Quang Vũ chính là tính hiện thực trong kịch bản của ông. Ông nắm bắt những vấn đề nóng bỏng của đời sống một cách nhanh nhạy, sắc bén, tinh tế cùng với tri thức phong phú của một nhà viết kịch. Rồi từ đó, ông truyền tải tư tưởng, thông điệp rõ ràng sâu sắc ở mỗi kịch bản. Những tác phẩm như Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận là những kịch bản có dung lượng đời sống được “dồn nén, ắp đầy toát lên quá trình đấu tranh tìm ra chỗ đứng chân chính của mỗi người trong cuộc sống”.

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền cho rằng: “Tính luận đề, vở nào cũng tính thông điệp của tác phẩm. Anh luôn đối thoại với cuộc sống. Lúc mà cả xã hội “cởi trói, kịch Lưu Quang Vũ đặt thẳng ra vấn đề, tự do như cơm ăn nước uống của cuộc đời, tại sao lại phải cởi trói. Đấy là một sự dũng cảm và khán giả tiếp nhận Lưu Quang Vũ là tiếp nhận tính tiên phong, một sự dũng cảm của một bộ óc công dân và của một trái tim nghệ sĩ”.

Ngoài ra, tính nhân văn trong tác phẩm kịch bản của Lưu Quang Vũ cũng là một điểm quan trọng được nhiều nhà phê bình nhắc đến. Những tác phẩm của ông luôn khiến khán giả tin tưởng vào những điều tốt đẹp. NSƯT Bích Ngoan nhận định yếu tố nhân văn luôn đầy ắp trong kịch Lưu Quang Vũ. Cảm hứng chủ đạo ông hướng đến là cái đẹp, cái thiện. Tác giả Tuấn Giang cho rằng tính nhân văn trong kịch Lưu Quang Vũ biểu hiện qua hành vi của từng nhân vật. Bằng lối viết tinh tế, ông hướng họ đến lối sống đẹp, cao cả. Bên cạnh đó, tại hội thảo, một số nhà phê bình cũng tìm ra những điểm mới mẻ cần thêm thời gian nghiên cứu sâu hơn trong kịch Lưu Quang Vũ.

Tác giả Nguyễn Hiếu cho rằng: “Giá như Vũ có các nhân vật. Về số lượng vở kịch của Vũ bằng hoặc xấp xỉ kịch của Shakespeare, nhưng Shakespeare có rất nhiều nhân vật để lại như Hamlet, Coriolan, Macbeth nhưng Vũ hầu như không có nhân vật để lại. Các vấn đề của anh nổi lên rất rõ hấp dẫn mọi người lắm nhưng nhân vật của anh hầu như không có. Nếu có “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, tôi nghĩ chúng ta bị ấn tượng bởi hai nhân vật ấy là do cách diễn của tài năng của hai nghệ sĩ Trọng Khôi và Phạm Bằng. Quả tình những vấn đề, sự kiện Vũ đưa ra gây ra nhiều xúc động nhưng kịch của Vũ dường như chưa có nhân vật để tồn tại”

Có thể nói những tác phẩm kịch bản Lưu Quang Vũ để lại luôn còn với thời gian, khẳng định những giá trị và tài hoa của ông. Cho đến hôm nay, những tác phẩm của Lưu Quang Vũ vẫn còn nguyên tính thời đại và là lời nói hộ những trăn trở của hàng trăm triệu người Việt Nam trong những bước chuyển mình của đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác