Lê Minh Khuê – nhà văn được tôn vinh thành tựu trọn đời

(VOV5) - Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời” cho các tác phẩm của nhà văn Lê Minh Khuê vừa được Hội nhà văn Hà Nội quyết định trao tặng trong Giải thưởng năm 2019 của Hội".

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 Những tác phẩm đoạt giải Hội nhà văn Hà Nội năm nay, có tiểu thuyết Thị dân của nhà văn Nguyễn Việt Hà; và tập phê bình, tiểu luận Hà Nội từ góc nhìn văn chương của nhà văn Bùi Việt Thắng.

Lê Minh Khuê – nhà văn được tôn vinh thành tựu trọn đời - ảnh 1Nhà văn Lê Minh Khuê (giữa) tại Lễ trao giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội. - Ảnh: báo Kinh tế đô thị.

Từ năm mười sáu tuổi, Lê Minh Khuê đã tham gia vào lực lượng Thanh niên xung phong, bám trụ trên những cung đường ác liệt. Có lẽ bởi vậy mà những tác phẩm đầu tiên của chị đã tập trung khắc họa hình ảnh người phụ nữ trong chiến tranh. Khi những năm tháng bom đạn qua đi, những hậu quả, nỗi đau của chiến tranh vẫn thường trở lại trong các trang viết của chị, bên cạnh những vấn đề của xã hội đương đại.

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói: “Lê Minh Khuê là một trong những cây bút sung sức, nổi bật của văn học Việt Nam, người đã từng có những tác phẩm không phải khuấy động dư luận, mà đã đặt ra những vấn đề buộc chúng ta phải nhìn vào cuộc sống, nhìn vào quá khứ và hiện tại của đất nước, của dân tộc bằng một con mắt tỉnh táo hơn. Viết về cuộc sống hôm nay, nhưng đọc truyện của chị thấy nhiều điều khiến chúng ta không yên ổn được, rất bất an. Ngay cả những truyện chị giữ cho nhân vật không bị hoen ố, chống chọi được, như truyện Nước trong, như truyện Trên đường đê

Nếu trong những năm chiến tranh, truyện của Lê Minh Khuê viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn, thì sau năm 1975, tác phẩm của nhà văn bám sát những biến chuyển của đời sống xã hội và con người trên tinh thấn đổi mới. Cổ điển, đằm thắm nhưng không phải vì thế mà kém phần sắc sảo, gai góc, Lê Minh Khuê đã trở thành một trong những cây bút nữ hàng đầu với sở trường truyện ngắn. Nhà văn Tạ Duy Anh nhận định, Lê Minh Khuê là một tay bút lão luyện, tay nghề cao khi khiến người đọc không nhận ra đâu là hư cấu và đời thật: “Nhà văn, người cầm bút ở Việt Nam, hầu như tuổi thọ của việc cầm bút hầu như không được dài. Thường thường qua những tác phẩm ban đầu nổi tiếng, sau đó vì rất nhiều lý do, nhưng đa số cứ đuối dần. Nhưng riêng chị Lê Minh Khuê, càng đọc chị thì càng không biết đến bao giờ nhà văn này cạn vốn. Có cảm tưởng là chị còn rất nhiều. Cảm nhận thứ hai là sự lão luyện của một cây bút có một tay nghề rất cao. Nếu đọc một cách tinh tường thì sẽ nhận ra rằng chị đã vượt qua được tất cả những yếu tố hình thức, những cái cần phải trang trí bên bề ngoài để đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề. Vì thế không thể nhận ra được những điểm ghép giữa sự hư cấu và những chi tiết đời thật. Và tôi có cảm giác trong khi chúng tôi vẫn cố gắng đi tiểu thuyết hóa hiện thực, thì chị Lê Minh Khuê đã không cần phải làm việc ấy nữa. Bởi vì chị đã tự chắt lọc khi chị nạp những vốn đời sống vào trong thế giới tinh thần của chị”

Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét Lê Minh Khuê đã thấu thị bản chất của chiến tranh, đi xuyên thấu cuộc chiến mà bi kịch để lại trong mỗi gia đình, mỗi con người - điều mà trước đây rất ít nhà văn đề cập tới: “Tôi nghĩ đề tài lịch sử của Việt nam, một trong những cái quan trọng nhất là đề tài về cuộc chiến. Chính vì thế cuộc chiến tranh này bất cứ người cầm bút nào cũng phải cảm thấy đấy là một món nợ. Và tôi cho rằng chị Khuê đã xác định món nợ ấy từ khi chị đi thanh niên xung phong. 16 tuổi đã đi thanh niên xung phong rồi. Và chị xác định món nợ chị trả hết một đời. Chính vì thế tôi thấy chị vẫn còn rất nhiều nội lực tiếp theo để nói về vấn đề ấy, để viết về vấn đề ấy làm lay động người đọc. Khuê là một người đàn bà thấu thị, nhìn sự vật, chiến tranh bằng con mắt xuyên thấu. Và ở dưới đó âm ỉ một tấm lòng nồng nhiệt, giống như tro trấu - ở dưới rất nhiều lửa nhưng nó không cất lên một ngọn lửa mà cứ âm ỉ thôi. Và điều đó là thành công nhất của chị Khuê. Và yêu cầu một cách đọc mới.”

Là tác giả của những tuyển tập như Những ngôi sao xa xôi, Cao điểm mùa hạ, Đoạn kết, Bi kịch nhỏ, Màu xanh man trá... và từng hai lần đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tập truyện Một chiều xa thành phố và Trong làn gió heo may, Lê Minh Khuê cũng là nhà văn đầu tiên đoạt giải thưởng mang tên văn hào Byeong-ju Lee của Hàn Quốc với tuyển tập "Những ngôi sao, trái đất, dòng sông" năm 2008. Hội đồng giải thưởng này đã nhận định về sáng tác của nữ nhà văn: "Tác phẩm thời hậu chiến của bà quan tâm đến hậu quả chiến tranh đối với đất nước mình, những vấn đề sau khi thống nhất đất nước, sự nghèo đói và tình trạng xói mòn văn hóa và tinh thần khi đất nước chuyển đổi sang một xã hội tiêu thụ. Những vấn đề này được thể hiện bằng một văn phong đẹp, chua xót và trang nghiêm”.

Nhà văn Lê Minh Khuê chia sẻ: “Tôi hay để ý những tình huống ghê gớm trong cuộc sống, để dẫn đến làm thế nào giải quyết một tâm thế của đời sống, làm cho người ta tha thứ nhau, rồi người ta sống hòa bình hơn, và người ta thương yêu nhau hơn. Đấy là ý của tôi.”

Lê Minh Khuê đã khéo lựa chọn và đưa vào tác phẩm của mình những lát cắt sắc lẹm, tinh tế về cuộc sống hiện đại. Một cuộc sống dồn nén nhiều bức bối và nỗi đau. Những phận người đi qua tác phẩm của chị, đều để lại những vệt sáng trong tâm thức người đọc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác