Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt và cuộc chơi với những đồ vật cũ

(VOV5) - Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt thường “phiên dịch” những đồ vật gì và “phiên dịch” chúng như thế nào?

Nếu coi design (thiết kế) là một hành trình, thì nó phải xuất phát tại ga khởi hành nào đó. Với Đinh Công Đạt ga khởi hành chính là điêu khắc, bởi lẽ anh vốn tốt nghiệp chuyên ngành Điêu khắc trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Hơn 10 năm nay, bên cạnh việc làm tượng, thiết kế bối cảnh sân khấu, design cửa sổ và phát triển sản phẩm cho nhãn hàng thời trang cao cấp Hermes, anh lặng lẽ sưu tầm những đồ vật cũ. Và như một người “phiên dịch”, anh chuyển ngữ những đồ vật cũ, đồ vật có sẵn ấy để biến chúng thành những tác phẩm thiết kế, thành cái mới. Mới nhưng người ta vẫn nhận ra cái cũ. Và mới trên cái cũ nhưng vẫn hiện đại, vẫn có cả vẻ đẹp và công năng.

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt và cuộc chơi với những đồ vật cũ - ảnh 1 Đinh Công Đạt bên các mặt La Hán đổ âm (lõm) dương (lồi) - Nguồn:soi.com.vn

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt thường “phiên dịch” những đồ vật gì và “phiên dịch” chúng như thế nào? Anh nói: "Thực ra tôi cũng thích những món đồ cũ, thậm chí là đồ cổ. Thế nhưng, những món đồ cổ nó đã toàn bích rồi thì mình cũng không dám và cũng không nỡ, thậm chí không đủ năng lực để làm cho nó đẹp hơn. Nhưng những món đồ cũ bình thường trong cuộc sống thông thường bị vứt một xó, thậm chí bị bán rất rẻ, thì nó lại gây cho tôi những cảm hứng. Bởi vì cái món đồ nó chỉ tồn tại khi nó được sử dụng trong đời sống. Và cái món đồ được thiết kế càng được dùng nhiều thì nó càng chứng tỏ cái giá trị của món đồ càng lớn, tuổi thọ của món đồ càng lớn. Cái tuổi thọ không phải là độ bền của nó mà sự hiện hữu của nó trong đời sống càng cao…"

Những đồ vật thân quen, gần gũi với chúng ta trong đời sống hàng ngày nếu như Đinh Công Đạt có cảm xúc với nó thì anh đều cần mẫn hàng ngày hàng tháng, thậm chí hàng năm trời để tạo một hình hài mới, một đời sống mới. Từ cái thớt, mâm gỗ, tủ gỗ, ghế gỗ cũ bằng cách “thêm, bớt, cộng trừ” chất liệu, màu sắc để thành cái mâm mới, tủ mới, ghế mới và làm chúng sống được trong đời sống hiện đại. Ví như những chiếc mâm gỗ anh đã phải mất cả năm để thiết kế lại, khoác cho nó một dung mạo mới. Những chiếc mâm được phủ thêm lớp sơn ta tự nhiên, trang trí những hình kỷ hà (hình vuông, chữ nhật, tam giác) nhiều màu sắc, rồi được đặt trên những chiếc chân thép trông rất chắc chắn và vừa vặn.

Vậy là những chiếc mâm tưởng bị bỏ đi đã có một thân phận mới, một sức sống mới: "Nó tiếp tục có một đời sống, một giá trị sống khác. Nếu bạn nhìn cái mâm tròn bằng gỗ nó chỉ là cái mâm để ăn cơm thì nó sẽ khác. Nhưng bạn thử tưởng tượng cái mâm ấy có bao nhiêu đứa trẻ được sinh ra và lớn lên; bao nhiêu đứa trẻ ăn cơm; bao nhiêu ông chồng say rượu gục trên mâm rồi đạp đổ mâm. Ngoài ra còn bao nhiêu cặp vợ chồng bắt đầu đời sống vợ chồng từ cái mâm, và rồi lại ly dị cũng từ đó. Thì đời sống của cái mâm này nó đã khác. Một số cái mâm đã có tên riêng của gia chủ. Nó đã có tên có số phận thế mà có thể nó sẽ chấm dứt rất nhanh nếu như không ai đoái hoài đến nó. Tôi đã cho nó một cuộc sống khác, một đời sống khác nữa để nó kéo dài ra…"

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt và cuộc chơi với những đồ vật cũ - ảnh 2Một tác phẩm tượng sắp đặt của Đinh Công Đạt ở NewYork. - Nguồn:soi.com.vn 

Đinh Công Đạt, như cách nói của người bạn thân-họa sỹ Lê Thiết Cương là luôn muốn đạt tới sự tối đa, cầu kỳ và phức tạp. Vậy nhưng, sự “cầu kỳ và phức tạp” của nhà điêu khắc Đinh Công Đạt thể hiện ở những tác phẩm trưng bày trong một triển lãm gần đây của anh và họa sỹ Lê Thiết Cương đều rất tuyệt vời. Đơn giản như cái hộp đựng cigar (xì-gà) nhỏ xinh anh đã phải mất 3 năm để chế tác nó, chỉ vì chưa nghĩ ra cách làm cái núm cho nó vừa đẹp vừa độc. Và cái tủ nữa, qua con mắt thiết kế của người nghệ sỹ nó vừa mang tính nghệ thuật vừa có giá trị kinh tế rất cao, như anh “bật mí” có giá lên tới 4-5 ngàn đô-la Mỹ.

Với riêng họa sĩ Lê Thiết Cương, anh thích nhất cái kệ được làm từ chiếc thớt của Đinh Công Đạt khi tác giả của nó đã bỏ 100% công năng và 95% cái nhìn thấy bằng thị giác của cái thớt để làm một món đồ mới; mới cả hình hài và giá trị sử dụng, trên cơ sở tận dụng hình tròn, khối dày của chiếc thớt, anh chỉ thêm chân sắt rèn bằng tay: "Anh Đạt có khả năng biến những cái đã quen mắt thành cái lạ, biến cái cũ thành cái mới, biến cái truyền thống thành hiện đại. Mà cái sự biến ấy nó chỉ thêm 1% của sợi tóc vào thôi. Chứ không phải anh Đạt đi mua một cái tủ cũ về xong rồi làm lại hết thì không phải. Thế mà nó đã thay đổi cả cái tủ cũ ấy. Hoặc cái kệ thì anh Đạt dùng cái thớt làm mặt của cái kệ thì anh ấy đã bỏ 95% cái nhìn thấy, tức bạn nhìn thấy cái thớt nhưng nó không còn là cái thớt nữa. Và đương nhiên bỏ 100% công năng của cái thớt đi…)" - Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết

Chiêm ngưỡng những tác phẩm thiết kế của nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, người xem dễ dàng nhận thấy chất điêu khắc, chất hình khối trong các thiết kế của anh. Người nghệ sĩ nhiều tìm tòi sáng tạo này thường dùng bảng màu sặc sỡ như vàng, xanh, cam, hồng cánh sen… tạo cho các thiết kế màu sắc bắt mắt, tươi vui. Và nói như một đồng nghiệp của anh, mắt của Đạt như một ống kính vạn hoa, mỗi khi xoay đồ vật theo một góc thì chúng lại biến hình, biến mầu:"Tôi có quan niệm về thẩm mỹ là dù đi từ hướng nào đến, đi từ triết học hoặc đi từ sự cẩn trọng, đi từ sự hân hoan đến thì cái vẻ đẹp là cái đích đến của tôi…"

Theo nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, sự khác biệt lớn nhất của một tác phẩm nghệ thuật (art) và một tác phẩm thiết kế (design) là tính ứng dụng. Nếu như tác phẩm nghệ thuật chỉ cần đẹp và để trưng, để ngắm thì tác phẩm thiết kế cần hài hòa cả yếu tố đẹp và công năng, tức là chúng phải sử dụng được chứ không chỉ để ngắm. Mà những điều này với anh không hề khó, thậm chí anh còn hài hước khi coi nó chỉ như một cuộc chơi.

Phần lớn tác phẩm design của Đinh Công Đạt phát triển trên cảm hứng về nghề thủ công và đồ thiết kế truyền thống như: ghế sắt rèn chạm hoa văn, bàn và đôn làm từ thớt gỗ vẽ sơn mài, bàn từ mâm cổ và thớt làm sơn mài kết hợp với chân đồng, hộp và tráp chế tác sơn mài…Những sự “kết hợp” ấy thật mềm mại, uyển chuyển khiến người xem thích thú như chia sẻ sau đây của họa sỹ Nguyễn Thị Hồng Phương: "Cảm giác đầu tiên của tôi là ấn tượng. Đầu tiên là ấn tượng về những đồ dùng hàng ngày, nhưng qua con mắt và sự sáng tạo của người nghệ sỹ nó tạo nên sự tinh tế; nó lại được nâng lên một tầm mới, nâng lên thành cái đẹp mới cho người thưởng thức. Tôi cảm thấy rất hân hoan, thoải mái khi được ngắm nhìn những đồ vật đẹp đẽ thế này"

Nghệ thuật hay ở chỗ, không cần phải là cái gì quá kỳ vĩ. Sáng tạo không có nghĩa là dời non lấp biển, đao to búa lớn. Nghệ sĩ chỉ là người phát hiện ra những cái rất nhỏ, cái bình thường trong đời sống hàng ngày quanh mình mà những người bình thường không thấy. Chỉ cần thay đổi 1% cái vốn có thì những đồ vật đã trở nên khác lạ và vô cùng ấn tượng. Đinh Công Đạt đã làm được điều này và những thiết kế của anh đều có sức sống mới, mang một câu chuyện, một đời sống rất nhân văn

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác