(VOV5) - Vượt qua những rào cản hiện tại, nhà hát múa rối Thăng Long đã và đang có những bước đi đúng hướng, những thay đổi phù hợp với tình hình thực tế.
Năm 2019 đánh dấu 50 năm ngày thành lập nhà hát múa rối Thăng Long, một đơn vị nghệ thuật truyền thống được xem là niềm tự hào của thủ đô Hà Nội nói riêng và nghệ thuật múa rối Việt Nam nói chung. Đằng sau đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ của những nghệ sĩ nhà hát.
Cảnh trong vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Vào năm 2018, Nhà hát múa rối Thăng Long bước sang năm thứ 5 giữ vững kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại Châu Á biểu diễn 365 ngày trong năm”, quanh năm sáng đèn biểu diễn phục vụ khán giả. Đây cũng là đơn vị nghệ thuật truyền thống duy nhất của Hà Nội có thể đứng độc lập trên thương trường, tự hạch toán kinh doanh.
Chương trình “Khoảnh khắc Hà Thành” |
NSƯT Chu Lượng, Phó giám đốc nhà hát tự hào nói: “Nhà hát chúng tôi có định hướng rất rõ trệt. Đó là bảo tồn những giá trị truyền thống. Bên cạnh đó phát huy những giá trị vốn có và hội nhập với thế giới. Về loại hình múa rối chúng tôi phát triển rất đa dạng, chương trình rất phong phú. Ví dụ trong dịp hè này chúng tôi đi biểu diễn rất nhiều trường học, thậm chí không đủ các suất diễn để thấy rằng nhu cầu của các cháu thiếu nhi thủ đô rất cao. Ở Hà Nội rất nhiều đoàn nghệ thuật nhưng vé nhà hát múa rối Thăng Long vẫn cháy show. Hàng năm chúng ta phải xây dựng các chương trình mới, lạ, hay, hấp dẫn các cháu và chúng tôi vẫn làm tốt việc đó”.
Chương trình rối nước “Bay lên từ mặt nước” |
Để đảm bảo vững chắc những thành quả đạt được, lãnh đạo Nhà hát múa rối Thăng Long luôn tâm niệm luôn phải đổi mới trong tư duy, luôn không ngừng học hỏi những nhà hát trên thế giới về cách thức quản lý và định hướng phát triển. Tiêu chí nhà hát múa rối Thăng Long hướng đến gắn bảo tồn loại hình nghệ thuật này với các phương thức hiện đại hoá. Đầu năm 2018 vừa qua, Nhà hát đã ra mắt hệ thống bán vé điện tử chuyên nghiệp. Trong năm 2019 này, Nhà hát mong muốn nâng cấp nơi đây là một “bảo tàng sống” để các khán giả còn được trở thành những khách tham quan có những trải nghiệm và hiểu biết về nghệ thuật múa rối một cách sống động hơn.
Chương trình múa rối Tết thiếu nhi vừa qua "Các con là tất cả" |
NSƯT Chu Lượng chia sẻ: “Chúng tôi sẽ chỉnh trang lại toàn bộ sân khấu, nơi làm việc và nơi giới thiệu cho khách. Nó gần như là một bảo tàng sống, nơi để cho khách được trải nghiệm ngay lập tức. Đồng thời chúng tôi đang hoàn thiện hợp tác với một đơn vị phần mềm về tai nghe. Khi khách đến đây chúng tôi sẽ dịch ra thành nhiều thứ tiếng, họ chỉ cần cầm tai nghe và lắp vào, họ có thể nghe được nội dung của chương trình biểu diễn và những giới thiệu trò diễn. Những điều này sẽ mang hiệu quả tốt hơn”
Quan niệm “múa rối là loại hình nghệ thuật dành cho trẻ em” đã được nhà hát múa rối Thăng Long từng bước thay đổi. Những tác phẩm múa rối nước như “Hồn Trương Ba – da Hàng Thịt”, chương trình múa rối “Khoảnh khắc Hà Thành” và mới đây nhất là vở diễn mang tên “Giấc mơ rồng” tham gia liên hoan múa rối sân khấu thử nghiệm là câu trả lời cho vấn đề này. Lồng ghép những nội dung sâu sắc của xã hội, Nhà hát múa rối Thăng Long đang từng bước mở rộng hơn nữa đối tượng khán giả của mình.
“Chuẩn bị sắp tới liên hoan múa rối sân khấu thử nghiệm, chúng tôi làm cho cả người lớn và trẻ em xem, chứ không chỉ dành riêng cho trẻ em thôi. Vở mới mang tên Giấc mơ rồng, sẽ nói lên được những vấn đề về đời sống, xã hội, nhận thức, hiểu biết, giới thiệu về nền văn hoá của các nước, các châu lục, đều nằm trong vở diễn của chúng tôi. Nhà hát nào muốn đi được xa đều phải hướng đến điều đó”
Song song với những nỗ lực không ngừng, hiện nay tuy là một đơn vị tiên phong trong nghệ thuật truyền thống thủ đô, nhà hát múa rối Thăng Long cũng gặp một số khó khăn nhất định.Trong thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất tại Đại học Sân khấu điện ảnh có khóa đào tạo về diễn viên múa rối, còn lại vẫn chưa có một trường lớp bài bản đào tạo đội ngũ sáng tạo chuyên biệt. Những đạo diễn, biên kịch hay nghệ sĩ tạo hình múa rối đều là những người yêu nghề và có kinh nghiệm lâu năm. Lớp nghệ sĩ này lại truyền dạy và chỉ bảo cho lớp nghệ sĩ sau.
NSƯT Chu Lượng bày tỏ: “Hiện nay khó khăn nhất là về đội ngũ sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó có nhiều khó khăn về kinh phí. Nhiều khi muốn làm hay, hiện đại vẫn phải phụ thuộc vào sự đồng ý, kiểm duyệt…. Quan trọng nhất vẫn là nhân tố sáng tạo nghệ thuật. Đạo diễn biên kịch, viết kịch bản ra sao, đòi hỏi người làm nghệ thuật rối này trí tưởng tượng phải vô cùng phong phú. Mỗi một nghề đều có đặc thù riêng thì loại hình múa rối cũng như vậy”
Vượt qua những rào cản hiện tại, nhà hát múa rối Thăng Long đã và đang có những bước đi đúng hướng, những thay đổi phù hợp với tình hình thực tế. Nhà hát vẫn là đơn vị nghệ thuật truyền thống tự chủ của Hà Nội và giữ vững mức doanh thu cao ổn định, đời sống cán bộ nhân viên đủ “ấm” để làm nghề.