NSƯT Trần Luận: Người sáng tạo cây đàn nguyệt ba dây

(VOV5) -  Ở cây đàn nguyệt ba dây này, mỗi một lên kiểu lại cho được những màu sắc âm thanh khác nhau.

Nhạc sỹ NSUT Trần Luận là một trong những gương mặt có nhiều đóng góp đối với âm nhạc dân tộc Việt Nam. Anh gắn bó với Đoàn ca nhạc Đài TNVN (nay là Nhà hát Đài TNVN) từ năm 1987. Đây là môi trường lý tưởng để anh chuyên tâm hoạt động nghệ thuật. Bởi luôn khao khát được mở rộng những biên độ sống và sáng tạo, nên anh chối từ mọi chức vụ quản lý để toàn tâm toàn ý cho âm nhạc.

Hiện nhạc sỹ NSUT là nhạc công đệm đàn nguyệt trong dàn nhạc dân tộc của Nhà hát Đài TNVN, vừa sáng tác ca khúc, sáng tác khí nhạc, vừa biểu diễn, hòa âm, phối khí cho dòng nhạc dân gian, cộng tác với nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến: 

 
NSƯT Trần Luận: Người sáng tạo cây đàn nguyệt ba dây - ảnh 1Nhạc sĩ, NSUT Trần Luận.

“Tình mẹ”, “Cao nguyên xanh”, “Ngựa ô mùa xuân”, “Kể chuyện ngày mùa” là những tác phẩm khí nhạc tiêu biểu của nhạc sỹ NSUT Trần Luận có mặt trong giáo trình đào tạo bậc đại học của Khoa âm nhạc truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, được nhiều nghệ sỹ và học viên biểu diễn trong các không gian âm nhạc khác nhau.

Theo TS. NSUT Nguyễn Thị Hoa Đăng – Phó trưởng khoa âm nhạc truyền thống, những tác phẩm ấy đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe để giảng dạy cho sinh viên: “Những tác phẩm của nhạc sỹ NSUT Trần Luận mang đậm màu sắc dân tộc. Bản thân anh xuất phát từ âm nhạc dân tộc, nên anh hiểu khá rõ về nhạc cụ dân tộc nói chung và những tính năng của từng cây nhạc cụ nói riêng. Anh có nhiều tác phẩm khí nhạc viết cho đàn nguyệt, đàn tam thập lục. Phải là người hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật diễn tấu thì anh mới có thể viết được những tác phẩm phù hợp với chương trình đào tạo của học sinh sinh viên.”

Sáng tác khí nhạc cho nhiều nhạc cụ hòa tấu và độc tấu, nhưng với cây đàn nguyệt, NSUT Trần Luận còn dành thêm thời gian và tâm huyết. Tiếng đàn nguyệt của anh có vị trí quan trọng trong dàn nhạc dân tộc Nhà hát Đài TNVN. Yêu mến cây đàn hai dây này, anh đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu, làm mới, sáng tạo thêm một dây để khai thác triệt để những tính năng của nó.

Nghệ sỹ Trần Xuân Hiền – Phó trưởng đoàn ca nhạc dân tộc – Nhà hát Đài TNVN đánh giá cao sáng tạo của người nghệ sỹ đi trước: “Nhạc sỹ NSUT Trần Luận là người rất yêu nghề, có tiếng đàn sâu sắc, truyền cảm, rất tình. Anh là người phát triển cây đàn nguyệt, khai thác triệt để tính năng của nó, phát triển cho nó có ba dây, thuận lợi về kỹ thuật trình diễn, dùng trong nhạc mới và trong nhạc dân tộc có những âm rất độc đáo. Mình rất khâm phục anh Trần Luận.”

Nhạc sỹ Trần Luận vẫn ấp ủ dự định sẽ hoàn thiện về lý thuyết, viết thành công trình nghiên cứu cấp nhà nước, trên cơ sở đó đưa đàn nguyệt ba dây vào đời sống nghệ thuật. Cũng chuyên tâm với cây đàn nguyệt, nên TS.NSƯT Cồ Huy Hùng - Trưởng khoa âm nhạc truyền thống – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam rất trân trọng và ủng hộ dự định của nhạc sỹ NSUT Trần Luận: “Cây đàn nguyệt chỉ có hai dây, anh đã chế tác thêm một dây trầm, tăng dây trầm, đem lại tính năng như đàn đáy. Đàn đáy cũng ba dây. Nhưng ở cây đàn nguyệt ba dây này, mỗi một lên kiểu lại cho được những màu sắc âm thanh khác nhau. Lấy dây quãng bốn ra được chất Bắc. Lấy dây quãng năm cho ra được chất Nam là chất buồn ai bi thương. Phải thú thực đó là một phát kiến rất hay, đề nghị nhạc sỹ cải tạo thêm và phổ biến cây đàn này.”

Không chỉ gắn bó với cây đàn nguyệt, NSUT Trần Luận còn thể hiện sự đa tài đa nghề trên nhiều lĩnh vực sáng tác và biểu diễn. Anh sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ, viết nhạc không lời và ca khúc, hòa âm phối khí cho nhiều tác phẩm dân ca.

Theo nhạc sỹ Đặng Minh Tuấn – nhạc trưởng Dàn nhạc dân tộc - Nhà hát Đài TNVN, chất dân ca sâu lắng là hồn cốt trong mọi sáng tác của nhạc sỹ NSUT Trần Luận: “Nhạc sỹ Trần Luận sinh ra và lớn lên trong môi trường âm nhạc, là con nhà nòi. Chất dân ca trong âm nhạc của anh được nuôi dưỡng bài bản từ bé và được thẩm thấu tự nhiên qua các tác phẩm của anh, từ khí nhạc đến ca khúc đều mang đậm dấu ân tâm hồn dân tộc.”

Nhận được giải thưởng âm nhạc ngay từ tác phẩm khí nhạc đầu tay “Tình mẹ”, sau đó là nhiều giải thưởng khác, nhạc sỹ NSUT Trần Luận thấm thía vô cùng vị nhọc nhằn của bao năm tháng tập luyện miệt mài, từ khi còn là chàng sinh viên năm thứ nhất Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cho đến khi có những thành công cũng vẫn liên tục gắng gỏi, bởi nghệ thuật không có chỗ cho sự bằng lòng, trễ nải.

Nhạc sĩ Trần Luận chia sẻ: "Khi tôi biểu diễn nhạc cụ, trong kỹ thuật trên đàn có thể đánh như gió, nhưng thực ra lại rất dễ đánh. Cái người sáng tác vụng là trông thì rất dễ, nhưng muốn đánh thì cực kỳ khó. Và nhạc sĩ Hoàng Lương (đã mất) có nói với tôi câu này tôi thấy đúng: Viết ra làm sao người ta đánh được, người ta thể hiện được chứ viết ra khó quá hoặc trái ngón người ta không làm được là thất bại. Đúng như thế. Cho nên, khi tôi hiểu được cái tiến thoái như thế tôi rất thích và tìm ra cách sáng tác."

Tiếng đàn của nhạc sỹ NSUT Trần Luận, qua năm tháng thêm mặn mà, ân nghĩa. Đó là cái tình của người nghệ sỹ dâng tặng cho đời, và được cuộc đời trả lại những trái ngọt, niềm hạnh phúc thăng hoa.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác