Sách văn học ấn bản đặc biệt – nghề chơi cũng lắm công phu

(VOV5) - Bản đặc biệt, bản giới hạn, S100… là từ khóa đang nhận được nhiều sự quan tâm trên các diễn đàn về sách. 

Đây là hiện tượng khá thú vị đang diễn ra ở thị trường sách văn học nghệ thuật Việt Nam. Những hình ảnh long lanh của các ấn bản sách đẹp, cùng với nhiều phụ kiện đi kèm như đánh dấu trang, tranh minh họa, hộp đựng sách… luôn có sức “công phá” cả trái tim lẫn túi tiền của người đọc.

Nghe âm thanh bài viết qua giọng đọc PTV Phượng Minh:

 

Nhà sưu tập Từ Xuân Minh coi đây là một tín hiệu đáng mừng: “Về mặt bản chất, tôi nghĩ đây là một việc làm rất tốt, mang lại được những ấn phẩm đặc biệt, có thể là những ấn phẩm mới rất đẹp. Và có thể người ta chưa lưu ý đến bản phổ thông nhưng vì đã biết đến chuyện “à, cuốn sách này có một bản đặc biệt”, thì người ta cũng sẽ đi mua bản phổ thông về đọc, chẳng hạn thế. Nó cũng kích thích nhu cầu đọc của mọi người lên.”

Sách văn học ấn bản đặc biệt – nghề chơi cũng lắm công phu - ảnh 1Ấn bản “Dế Mèn phiêu lưu ký” song ngữ Việt - Anh đặc biệt S500 kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài của NXB Kim Đồng, với bản dịch của dịch giả Đặng Thế Bính cùng minh họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân,  có 500 bản giới hạn bìa cartone, in trên giấy Nouvel định lượng.

Khi nhu cầu của đời sống không còn là ăn no mặc ấm mà là ăn ngon mặc đẹp thì sách, dĩ nhiên, cũng phải trong quá trình ngày một hoàn thiện về mặt hình thức. Sách giờ đây không chỉ để đọc mà còn để trưng bày, như một tác phẩm nghệ thuật. Điều này giống như một lẽ tất nhiên, tuân theo quy luật của đời sống hơn là một trào lưu mới mẻ phá cách khi ấn bản đặc biệt ở nước ta cũng đã có một bề dày lịch sử.

Nhà báo Yên Ba, báo Quân đội Nhân dân, cho biết: “Theo như hiểu biết của tôi và như những gì tôi đã tận mắt nhìn thấy, cầm trên tay bản đặc biệt, có thể nói rằng bản đặc biệt chữ Quốc ngữ, sách sáng tác ở Việt Nam đầu tiên có lẽ là bản đặc biệt của tác phẩm “Một tháng ở Nam Kỳ” của học giả Phạm Quỳnh, xuất bản tháng 2 năm 1919. Đây là một cuốn du ký đi Nam Kỳ, thực ra là hơn một tháng trời và trong năm 1918. Và vì sao sách này lại được gọi là bản đặc biệt. Nó có hai đặc điểm. Thứ nhất, nó chỉ in có 200 bản, không bán và có đánh số thứ tự từ 1 đến 200. Đấy chính là hình thức sơ khai ban đầu của bản đặc biệt ở Việt Nam.

Sau đó một thời gian, các sách Quốc ngữ, một hai cuốn cũng có bản đặc biệt nhưng không phổ biến. Chỉ đến khi quãng những năm 1932, 1933 khi mà bắt đầu phong trào Tự lực văn đoàn thì Tự lực văn đoàn, với Nhà xuất bản Đời Nay, xuất bản hàng loạt tác phẩm của những thành viên, thì lúc đó, hầu như tất cả những ấn phẩm của Nhà xuất bản Đời Nay đều có bản đặc biệt.”

Sách văn học ấn bản đặc biệt – nghề chơi cũng lắm công phu - ảnh 2 Bộ Văn mới S100 của Công ty cổ phần văn hóa Đông A, được coi là sự khởi đầu lại của phong trào ấn bản đặc việt trong xuất bản sách truyện Việt Nam thời gian qua.

Dành “đất” cho các tác phẩm văn học kinh điển, sách ấn bản đặc biệt, trước hết, thỏa mãn nhu cầu sưu tầm của một lượng độc giả đang ngày một đông đảo hơn, theo như nhận định của anh Nguyễn Tuấn Bình, một kênh bán sách uy tín: “Phong trào này có thể le lói từ chính Đông A cách đây khoảng 5-10 năm khi họ làm bộ Văn mới với S100, rồi cứ dần dần lên như vậy. Mình có cảm giác rằng cú hích chính của Đông A vào năm ngoái, liên quan tới các bộ văn học kinh điển bắt đầu từ “Anh em nhà Karamazov”, “Kiêu hãnh và định kiến”, “Những ngôi sao Eger”… đã thay đổi hẳn bộ mặt của thị trường sách này. Có một lớp độc giả yêu mến và say mê sưu tầm sách liên quan đến bản đặc biệt. Chắc chắn đây là một thị trường tiềm năng vì mình cảm giác độc giả tìm đến những ấn bản này ngày càng nhiều lên.”

Có thể thấy đối với nhiều nhà sưu tầm nói riêng, và độc giả nói chung, sách ấn bản đặc biệt đã tạo ra một luồng gió mới, “châm ngòi” cho cuộc đua sách đẹp giữa các nhà sách, nhà xuất bản. Nhà sưu tầm Vũ Hà Tuệ cho rằng tiềm năng của sách ấn bản đặc biệt vẫn còn nhiều, nhưng người làm sách cần phải bài bản hơn trong cuộc chơi này: “Muốn làm được một ấn bản đặc biệt đạt các tiêu chuẩn thẩm mỹ, hấp dẫn được người sưu tập thì người làm sách cần phải hiểu rõ khái niệm và quy cách thế nào là ấn bản đặc biệt, thế nào là ấn bản giới hạn, thế nào là ấn bản bìa cứng cho chữ kí… Các cụ ngày xưa cũng học theo cách thức làm sách của người phương Tây, chủ yếu là cách làm sách của Pháp.

Thông thường các quyển sách sẽ có một trang thông tin ghi chú về các ấn bản, ví dụ ngoài 3.000 bản trên giấy thường, có thêm 30 bản giấy bạch vân, 10 bản giấy hồng đào. Các bản bạch vân, hồng đào có thể xem là bản đặc biệt. Tuy nhiên, có những trường hợp mà ấn bản đặc biệt không đẹp hơn ấn bản phổ thông, hoặc không khác biệt đáng kể so với ấn bản phổ thông.

Gần đây còn xuất hiện trường hợp bản in giới hạn bìa cứng, có đánh số. Loại này khác so với bản thường ở chỗ có bìa cứng, có ghi số thứ tự và chữ kí tác giả, còn chất liệu giấy và hình thức dàn trang thì y hệt. Loại bản giới hạn kiểu này tôi chỉ mới thấy ở Việt Nam. Tuy nhiên có thể hiểu theo kiểu tích cực là đó là sự sáng tạo của ta thì cũng được.”

Mặc dù có giá thành cao gấp nhiều lần bản phổ thông, nhưng ấn bản đặc biệt vẫn luôn hút khách nhờ những điểm nhấn về bìa, chất liệu giấy, cách trình bày, thậm chí là cả những quà tặng kèm. Những câu chuyện về việc bán hết bản đặc biệt trong vòng hai phút, giá “sang tay” cao ngất ngưởng của một số tác phẩm giới hạn… dĩ nhiên, luôn có sự hấp dẫn với cả người đọc lẫn người làm sách.

Sách văn học ấn bản đặc biệt – nghề chơi cũng lắm công phu - ảnh 3

Nhà văn Uông Triều, người từng ra một số ấn bản đặc biệt như tiểu thuyết “Người mê” với Công ty sách Tao Đàn, cuốn “Hà Nội quán xá phố phường” và “Hà Nội dấu xưa phố cũ” với thương hiệu sách Sống của Alphabooks, đưa ra nhận định: “Đối với mỗi phân khúc tiêu dùng, ta cũng mạnh dạn coi sách là một sản phẩm văn hóa, có sự phân biệt và nhu cầu khác nhau, tùy theo túi tiền, nhu cầu thẩm mĩ, nhu cầu thưởng thức của họ. Và sách cũng cần được công bằng và khách quan cũng như được đối xử giống như các sản phẩm văn hóa tinh thần khác.”

Trong bối cảnh “trăm hoa đua nở” như hiện nay, các công ty sách, thậm chí kể cả các nhà xuất bản, muốn tạo dấu ấn cho thương hiệu thì việc tham gia cuộc đua bản đặc biệt có lẽ là một lựa chọn không tồi. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, cũng có những đại diện như NXB Kim Đồng chọn đầu tư ngay từ ấn bản phổ thông.

Vẫn cho ra mắt các ấn bản đặc biệt nhưng bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng khẳng định mục tiêu của nhà xuất bản vẫn là hướng đến độc giả số đông: “Chúng tôi sẽ cố gắng để càng nhiều bạn đọc tiếp cận với tác phẩm ấy. Nhà xuất bản Kim Đồng hướng tới có những cuốn sách đẹp. Mặc dù chúng tôi không in với một số lượng giới hạn nhưng chúng tôi cũng đầu tư, có thể nói là ngang ngửa với sách đặc biệt. Ví dụ như cũng bìa cứng, hay là khổ lớn. Với tiêu chí là giá trị của tác phẩm, chúng tôi cũng không phân biệt người mới hay một tác giả kinh điển. Nếu mà chúng tôi cảm thấy đấy là một tác phẩm tốt thì chúng tôi sẵn sàng đầu tư, nhưng chúng tôi sẽ gọi nó với một cái tên khác một chút là những cuốn sách đẹp.”

Dĩ nhiên, để làm ra những cuốn sách đẹp, với bản in không giới hạn, như NXB Kim Đồng, là một con đường mà ít đơn vị có thể lựa chọn, nhất là khi việc làm sách ấn bản đặc biệt, với số lượng ít hơn bản phổ thông rất nhiều, đã không hề dễ dàng.

Sách văn học ấn bản đặc biệt – nghề chơi cũng lắm công phu - ảnh 4Bộ Tây du kí truyện Liên hoàn họa 

Chị Nghiêm Trinh, Trưởng phòng biên tập của Tri thức trẻ, một trong những đại diện vừa tham gia cuộc đua ấn bản đặc biệt, chia sẻ về những khó khăn để cho ra đời một bản sách giới hạn: “Thứ nhất phải nói về việc làm sao để đưa ra ý tưởng để khi mà đến tay độc giả thì độc giả cảm thấy rằng đây đúng là bộ sách giá trị. Tiếp theo là mình phải tìm đến những đơn vị, những nghệ nhân để họ có thể thực hiện được những ý tưởng của mình. Nó tương đối là mất thời gian và mất nhiều chi phí. Lấy ví dụ một bộ mà chúng tôi vừa ra mắt là “Tây Du Ký truyện liên hoàn họa”. Bìa sách chúng tôi phải làm sao tìm được loại giấy có chất gì đó cổ xưa. Sau đó chúng tôi phải đưa đến nơi ép nhũ để xem giấy này có ăn nhũ không. Và đúng trong thời gian đó thì thời tiết lại quá nóng thành ra khi dán giấy lên hộp thì keo chưa được ăn. Đấy cũng là thiếu sót khi đến tay độc giả.”

Tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc trong quá trình thử nghiệm nhưng lại chưa chắc cho ra đời một ấn bản ưng ý, đáp ứng được mong muốn của người đọc. Chắc chắn, trong thời gian tới, để nhập cuộc, các đơn vị làm sách vẫn phải tiếp tục tìm tòi sáng tạo để cho mắt những bản đặc biệt… đặc biệt hơn nữa! 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác