(VOV5) - Hôm nay 15/11/2023, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ - nhà thơ Văn Cao. Những ngày này, dường như thơ Văn Cao đang trở lại, một cách liền mạch hơn.
Cách đây tròn 100 năm, cũng những ngày cuối thu ở Cửa Biển – Hải Phòng ghi dấu khoảnh khắc đầu đời đáng nhớ của nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao. Những ngày này, di sản của ông, đặc biệt là thơ ca được giới văn nghệ lật giở lại và soi chiếu một cách kỹ lưỡng.
Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
Không chỉ là một nhạc sĩ, Văn Cao còn là một họa sĩ, một nhà thơ tài hoa. |
“Nhạc sĩ” thường được đặt đầu tiên trong số những danh xưng của Văn Cao, thậm chí đôi khi là duy nhất. Nhưng những người đọc sâu thơ Văn Cao và người hôm nay cần hiểu rằng trong cốt tủy của Văn Cao, trước tiên là một nhà thơ. Trong bài thơ nhan đề “Sự sống thật” viết năm 1970, ông đã viết:
Tôi không được làm trái đầu mùa
Những trái cây
cao giá
Tôi,
Một trái cây muộn
còn sót lại cành
Vị cuối cùng
Mùa cuối cùng
Rớt xuống...
Một bài thơ có lẽ được viết một cách lặng lẽ trong những ngày “lặng lẽ” nhất trong cuộc đời Văn Cao. Thời khắc ấy, thơ vẫn đến với ông, một cách đầy ngậm ngùi. Và không chỉ vậy, thơ theo suốt Văn Cao suốt một hành trình rong ruổi. Theo nhà báo Trần Nhật Minh – Trưởng ban Văn học – Nghệ thuật (VOV6) – Đơn vị đứng ra thực hiện ấn phẩm “Văn Cao – Mùa chữ, mùa người”, di sản thơ ca của nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao cần được lan tỏa và chưa được nhận diện xứng đáng với những đóng góp của ông:
Nhạc sĩ Doãn Nho coi tác giả “Tiến quân ca” là người thầy mãi mãi – Và không chỉ nhìn nhận trong âm nhạc, ông khẳng định tư cách nhà thơ của Văn Cao trong tầm vóc một người nghệ sĩ đa tài.
Nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao đã từng phổ nhạc những bài thơ do chính ông sáng tác. Có khi ông giữ nguyên nhan đề như “Thu cô liêu”, có khi đổi tên “Bài thơ bên suối” thành “Suối mơ”. Nhà Phê bình Đỗ Ngọc Yên cho rằng tư chất nhà thơ hiển hiện ngay trong âm nhạc của Văn Cao:
Tài năng và nhân cách – Đó là hai điểm nhìn soi rọi cuộc đời của nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao. Ông có cả thơ họa, thơ nhạc và cả thơ thật là thơ và chỉ là thơ. Mỗi một dòng thơ ghi dấu một quang cảnh tâm hồn của mỗi giai đoạn cuộc đời. Những chặng đường thơ của Văn Cao, theo nhà văn Thiên Sơn đều có những thành tựu riêng:
Trong bài thơ “Không đề”, Văn Cao viết:
Con thuyền đi qua
để lại sóng
Đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
Đoàn người đi qua
để lại bóng
Tôi không đi qua tôi
để lại gì?
Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi từng có những câu cảm bình về bài thơ này như sau: “Có bài thơ tác giả viết, chữ trào ra đầu bút, bụng dạ như sắp phát cuồng. Có bài thơ đến nhanh như một bài thuộc lòng chép sẵn. Có bài thơ như tự nhiên nhặt được. Có bài thơ là sự chiêm nghiệm một đời, sự đau đớn trăn trở một đời, sự ám ảnh một đời. “Không đề” của nhạc sĩ Văn Cao thuộc loại đó chăng?”. Trăn trở cũng là một thứ năng lượng cần có trong sáng tạo. Và dù nhà thơ tự vấn: “Tôi không đi qua tôi/ để lại gì?” – Theo Nhà Phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam, với thơ, Văn Cao đã để lại những sáng tạo “vượt ngưỡng”.
Ấn phẩm về Văn Cao của Ban Văn học nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam. |
Những ngày này, dường như thơ Văn Cao đang trở lại, một cách liền mạch hơn. Những sáng tạo “vượt ngưỡng” trong thơ ông đang được giới thiệu một cách rộng rãi hơn qua sự kết nối của một số đơn vị như Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT TW, báo Nhân dân, Ban Văn học – Nghệ thuật (Đài Tiếng nói Việt Nam). Nhà báo Trần Nhật Minh chia sẻ về ấn phẩm “Văn Cao - Mùa chữ, mùa người” cùng với hội thảo cùng tên do Ban Văn học nghệ thuật (VOV6) thực hiện đào sâu những cống hiến của người nghệ sĩ tài hoa ở các thi phẩm.
Cũng trong những ngày lặng lẽ nhất trong cuộc đời mình, mùa xuân năm 1972, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao đã viết bài thơ “Giấc mơ” với những câu:
Dưới mái nhà
Một người đang ngủ
Với giấc mơ của những vì sao
Những vì sao đang kể chuyện
Giấc mơ của mái nhà
Giấc mơ của một người đang ngủ.
Đây là một bài thơ lạ thường của Văn Cao, một bài thơ thưa vắng âm thanh, chất chứa những nỗi niềm câm nín. Trong thời khắc lặng lẽ nhất, ta vẫn cảm nhận được nỗi khát khao, những “vượt ngưỡng” trong lành. Đó cũng là những điều ghi dấu trong đời thơ Văn Cao.
Văn Cao (1923 – 1995) là thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ tài hoa. Ông tên thật là Nguyễn Văn Cao, quê Nam Định, sinh ở Hải Phòng, mất ở Hà Nội. Văn Cao xuất thân trong một gia đình nghèo, sớm dang dở việc học, phải mưu sinh bằng nhiều nghề. Ông viết ca khúc “Buồn tàn thu” nổi tiếng năm 16 tuổi và thực sự thăng hoa trong âm nhạc lẫn thơ ca thời gian sống ở Hà Nội những năm 1941 - 1942. Sau đó Văn Cao học dự thính tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và thể hiện tài năng hội họa. Thời gian tham gia Mặt trận Việt Minh hoạt động bí mật ở nội thành, Văn Cao soạn ca khúc “Tiến quân ca”, sau này trở thành Quốc ca của đất nước ta. Từng có giai đoạn ông liên quan đến Nhân văn - Giai phẩm và ngừng bút một thời gian. Trong sáng tạo văn chương, Văn Cao viết truyện ngắn, phóng sự, kịch và đặc biệt suốt đời ông là một nhà thơ với những cách tân đáng ghi nhận. Với nhân cách và cống hiến cho nghệ thuật và thơ ca, Văn Cao được đánh giá là một nghệ sĩ đích thực và cao cả dẫu cuộc đời lắm lênh đênh chìm nổi.