Thơ Xuân Quỳnh – cội nguồn yêu thương chảy mãi

(VOV5) - "Điều đáng kể nhất trong thơ Xuân Quỳnh là con người của yêu thương đắm đuối, cùng kiệt. Đối với Xuân Quỳnh sự yêu thương ấy được cắt nhỏ ở nhiều sắc độ, trạng thái, cung bậc."

Không biết đến bao giờ, làng thơ Việt Nam mới có một nữ nhà thơ như thi sĩ Xuân Quỳnh, có một cặp đôi tri kỷ mà sự nghiệp sáng tác khiến người cùng thời và người đời sau ngưỡng vọng như vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Hai cá tính thơ, hai biểu hiện thơ với những điểm nhấn riêng tưởng chừng như đối lập nhau thế nhưng chính tài năng, niềm trăn trở với thơ ca là điểm kết nối hoàn hảo làm nên tên tuổi để nhắc tới Xuân Quỳnh là nhớ tới Lưu Quang Vũ và ngược lại.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Minh Nguyệt:
 
Thơ Xuân Quỳnh – cội nguồn yêu thương chảy mãi - ảnh 1Vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ - Ảnh tư liệu.
Thơ là người. Bạn đọc yêu mến thơ Xuân Quỳnh cũng bởi những ý thơ hồn hậu, gần gũi, ai cũng có thể thấy mình trong câu chuyện, trong cách suy nghĩ và gửi gắm tình cảm của tác giả.

Tuy vậy, nhà thơ Anh Ngọc cho rằng, đó là kết quả của tư duy nghệ thuật sắc sảo của một người làm thơ trên cái nền là những chi tiết trong đời sống thường ngày: "Xuân Quỳnh rất có tài. Xuân Quỳnh là người làm chủ nghệ thuật làm thơ. Có nhiều bài của Xuân Quỳnh có thể làm mẫu mực cho các thủ pháp ẩn dụ, gọi là ngụ ngôn, đan cài, luôn luôn xen kẽ giữa thực và hư, và để mở. Thơ Xuân Quỳnh giàu nữ tính, thơ Lưu Quang Vũ giàu tính triết học. Hai người cộng lại là cặp đôi hoàn hảo".

Hai lựa chọn, biểu hiện thơ khác nhau nhưng trên tất cả thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đều hướng tới và diễn đạt những nỗi niềm sâu thẳm của tâm hồn. Nếu cùng lựa chọn một lối thơ, hoặc giả định cố gắng để nhập vào chung một con đường, chắc gì sự nghiệp và phong cách thơ của họ sẽ ấn tượng và được nhắc nhớ nhiều đến tận bây giờ.

Theo nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên, thơ Xuân Quỳnh trung thành và đi đến tận cùng của cảm xúc và đồng điệu với người bạn đời – nhà thơ Lưu Quang Vũ: "Điều đáng kể nhất trong thơ Xuân Quỳnh là con người của yêu thương đắm đuối, cùng kiệt. Đối với Xuân Quỳnh sự yêu thương ấy được cắt nhỏ ở nhiều sắc độ, trạng thái, cung bậc. Bà là một trong số ít nhà thơ Việt Nam hiện đại biết hóa thân với nhiều vai diễn khác nhau: lúc với tư cách một nhà thơ, phát ngôn chung cho không khí của thời đại; nhưng có lẽ vai thành công nhất là vợ, là mẹ. Quỳnh và Vũ hai phong cách thơ tưởng đối lập nhau. Thơ Lưu Quang Vũ – cao trào, đỉnh điểm, mâu thuẫn thời đại, mang tính kịch rõ hơn. Thơ Xuân Quỳnh như một tấm thảm nhung mịn màng. Họ gặp nhau ở cá tính sáng tạo. Xuân Quỳnh đến tận cùng của mê mẩn, dịu dàng, đắm say trong tình yêu, thì Lưu Quang Vũ đến tận cùng của những sắc thái bi kịch. Đối với thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đều không có đất sống cho cái nửa vời, cái hời hợt, cái gặp chăng hay chớ mà bao giờ cũng đi đến tận cùng. Trông bên ngoài đối lập nhau nhưng cở đây là cái thống nhất trong sự đối lập."

Bên cạnh sự nghiệp thơ ca, những câu chuyện cuộc đời và tính cách của nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng rất được công chúng quan tâm. Có cơ hội tiếp xúc với cả hai vợ chồng nghệ sĩ từ rất sớm, nhà văn Lê Phương Liên có những cảm nhận riêng về nhà thơ Xuân Quỳnh mà có lẽ ngày hôm nay, khi chúng ta nghe lại vẫn thấy thật thú vị: "Xuân Quỳnh là người bạn gần gũi với NXB Kim Đồng. Chị Xuân Quỳnh đến cơ quan luôn dắt con, cháu Tuấn Anh, cháu Mí - Quỳnh Thơ đi cùng. Ngày ấy không có nước, nên chị thường mang quần áo từ nhà đến tòa soạn báo Văn nghệ để tranh thủ giặt giũ. Tuy có tất cả những sự vất vả ấy nhưng chị sáng tác lại rất vui. Chị Quỳnh hay nói, vui tính, nếu chị ngồi một lúc là mọi người xúm vào nghe chị nói chuyện vì chị nói chuyện rất hay."

Nhà thơ Bằng Việt, người bạn gắn bó với nhà thơ Lưu Quang Vũ từ thời tuổi trẻ, khi mới bắt đầu làm thơ, cùng in tập “Hương cây – Bếp lửa”, và cũng quen biết Xuân Quỳnh từ rất sớm, thật khó tưởng tượng rằng cuộc đời lại an bài họ dưới cùng một mái nhà: "Hồi đó còn rất trẻ chúng tôi hay tụ tập ở nhà 96 phố Huế là nhà của Lưu Quang Vũ. Lúc đó nhà của bác Lưu Quang Thuận và bác Khánh là bố mẹ đẻ của Vũ ở trên tầng. Cũng còn nhà mấy nhà văn nữa, đều nổi tiếng. Bọn mình thường ngồi với nhau, chia sẻ những suy nghĩ mới về sáng tác, có gì mới thì đọc cho nghe, trao đổi, chia sẻ với nhau. Lúc ấy Xuân Quỳnh cũng ở đấy. hai người chưa lập gia đình với nhau, thậm chí Vũ còn gọi Quỳnh là cô xưng cháu vì Quỳnh chơi với bố mẹ Lưu Quang Vũ. Vũ đi bộ đội về, ít hơn Quỳnh mấy tuổi, còn lễ phép gọi cô xưng cháu, mãi rồi thành chị xưng em, rồi mới thành ra một gia đình."

Thơ Xuân Quỳnh – cội nguồn yêu thương chảy mãi - ảnh 2Nhà thơ Xuân Quỳnh thời trẻ - Ảnh tư liệu

Sinh thời nhà thơ Xuân Quỳnh viết cả thơ thiếu nhi, sáng tác cả văn xuôi nhưng thơ tình mới là mảng chủ đạo làm nên tên tuổi của bà.

Thuộc thế hệ người yêu thơ độ tuổi 7x, chị Thúy Loan (Hiện là biên tập viên NXB Kim Đồng) thuộc nằm lòng nhiều bài thơ, câu thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh; Và chị coi đó là một phần tuổi trẻ của mình: "Thơ của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh chỉ riêng nói về phần thơ tình yêu thôi thì tôi chắc chắn rằng hầu hết những người trẻ tuổi bây giờ và đã từng là người trẻ vẫn còn lưu nhớ. Thơ gợi mở cho người bây giờ nhiều cảm xúc, kể cả ước mơ, hoài bão cho những ngày tương lai sắp tới và hoài niệm quá khứ của một thời tuổi trẻ, tuổi thơ của chính mình, của cả một thế hệ"..

Cũng như chị Thúy Loan, PGS.TS Lê Cự Linh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học sức khỏe – Đại học Vinuni, cũng là một cây bút văn xuôi thuộc thế hệ 7x. Thơ của Xuân Quỳnh có sức ảnh hưởng sâu đậm với PGS.TS Lê Cự Linh không chỉ trong mỗi quãng đời mà còn đi vào các sáng tác cụ thể: "Những bài thơ, những chi tiết liên quan đến Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh luôn luôn tạo ấn tượng mạnh cho thế hệ chúng tôi, thế hệ 7x và những thế hệ trước đó. Có những chi tiết, những vần thơ của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, đặc biệt là Xuân Quỳnh gây ấn tượng mạnh với tôi. Đến nỗi có những truyện ngắn tôi viết lấy cảm hứng từ thơ và những chi tiết liên quan đến sáng tác của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ."

Nhiều bài thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh và chồng bà, nhà thơ Lưu Quang Vũ tái hiện lại hình ảnh, hoàn cảnh thực tế cảnh sống đời thường của gia đình hai nhà thơ, của cả một thế hệ sống trong thời bao cấp vô vàn khó khăn, thiếu thốn.

Bài thơ “Nhà chật” của Lưu Quang Vũ mãi lưu nhớ trong cô giáo Liên Trịnh, một người Hà Nội, về một thời đã xa: "Tôi rất tâm đắc với bài thơ “Nhà chật” của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Có một kỷ niệm nho nhỏ như thế này: Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Khi đó cha mẹ tôi có một căn nhà rất chật như thế tại khu tập thể Thụy Khuê. Căn nhà chỉ khoảng dưới 10m2 và tôi cũng đã lớn lên ở căn nhà đó. Mẹ tôi kể rằng khi tôi còn bé thì tôi rất khó ngủ. Mẹ luôn luôn phải bước ra khỏi căn phòng ấy, ngồi ở hành lang tập thể để cho tôi ngủ. Hai ba tiếng sau mẹ mới dám bước vào bởi mỗi lần mẹ bước vào, tôi lại khóc ré lên. Sự việc diễn ra phải đến 6 tháng. Câu chuyện như thế khiến tôi hình dung được sự chật chội trong tiềm thức của mình. Mặc dù mình còn bé, mình vẫn không chịu được một căn nhà chật như vậy.

Việc nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng như vợ ông – nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai của họ qua đời trong năm mà bố tôi mất, thành ra đọng lại nhiều cảm xúc với tôi. Thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh cũng như những vở kịch của ông đã để lại dấu ấn khó quên. Thế hệ mới cần bước tiếp để giữ lại hồn thơ của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh"

Vừa bước qua tuổi 20, rời giảng đường Đại học, với bạn Nguyễn Hoàng Hiệp, thơ Xuân Quỳnh, những ca khúc phổ thơ của nữ sĩ, luôn là một điểm tựa, một nốt lặng trong nhịp sống gấp gáp: "Các bài hát được phổ thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh có ca từ rất đẹp. Và từ đó mình hiểu hơn về cuộc đời của bà, để lại cho con người hiện đại, nhất là các bạn trẻ như được sống chậm lại hơn, được lắng lại".

Những rung cảm, những đồng điệu, những đắm say như trái tim “đời thường ai cũng có”, “cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa” “Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi” (Tự hát). Thơ Xuân Quỳnh đã sống trong lòng bạn đọc như thế. Và bởi vì thế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác