Văn Cao- Đoàn Chuẩn: Hai kẻ tri âm mùa thu

(VOV5) - Hai nhạc sĩ có nhiều sự tương đồng khi viết những bài tình ca mùa thu hay nhất của tân nhạc Việt Nam

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:

 Ai lướt đi ngoài sương gió

Không dừng chân đến em bẽ bàng

Ôi vừa thoáng nghe em mơ ngay bước chân chàng

Từ từ xa đường vắng

Đêm mùa thu chết, nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng...

Ca khúc Buồn tàn thu (ra đời 1939) được Văn Cao viết năm 16 tuổi, mang âm hưởng của Chinh phụ ngâm, có hơi hướng làn điệu ca trù (ả đào), nên được nhiều thế hệ người yêu nhau cảm nhận một sự kết nối với truyền thống rõ rệt. Vì vậy, có khi bài hát có tên phụ là Chinh phụ khúc. Tuy nhiên, hình ảnh người phụ nữ đan áo ở đây không rõ rệt là người chinh phu ra trận, người chồng tha hương hay người tình cũ, mà như Văn Cao nói, bày tỏ một tâm trạng cô đơn khi mùa thu tàn tạ... 

Văn Cao- Đoàn Chuẩn: Hai kẻ tri âm mùa thu - ảnh 1Nhạc sĩ Văn Cao và Đoàn Chuẩn trong đêm nhạc Đoàn Chuẩn 3.2.1988 tại Hội nhạc sĩ Việt Nam. Ảnh do nhà giáo Chu Hồng Vũ, một người bạn vong niên của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chụp và lưu giữ - Nguồn: Fp Một thời Hà nội hát.

Văn Cao nói "ta yêu thu, yêu thu, yêu mùa thu" (trong bài Thu cô liêu) vì mùa thu gợi hứng, là mùa yêu đương, gợi chuyện tình yêu nam nữ, và có lẽ cũng vì ông sinh ra vào mùa thu (15/11/1923) nên chủ đề mùa thu đến với ông thật tự nhiên và nhiều duyên nợ. Sau Buồn tàn thu và Thu cô liêu (năm 1940), Văn Cao có Suối mơ (năm 1943), Trương Chi (năm 1945) cũng mang khung cảnh mùa thu. Ông đã viết bài ca cho cách mạng mùa thu, Tiến quân ca (năm 1944), và những mùa thu kháng chiến trong Sông Lô năm), Ca ngợi Hồ Chủ tịch (năm 1949), rồi sau này là Tình ca trung du (năm 1984)...

Nhưng nói đến nỗi buồn tàn thu, Văn Cao đã chọn nét nhạc cho bài hát lãng mạn đầu tiên của mình mang âm hưởng tiêu dao của ca trù, có lẽ không phải ngẫu nhiên. Trước khi tân nhạc được phổ biến vào cuối thập niên 1930 và thậm chí cho đến trước 1945, ca trù hay ả đào vẫn là loại hình âm nhạc thính phòng quen thuộc với văn nhân tài tử đất Bắc. Hầu như văn nghệ sĩ tiền chiến nào cũng đã làm quen với hát ả đào và nhiều người tiếp bước các nhà nho tài tử xưa đã thành bạn tri âm với các cô đầu. Tản Đà, gạch nối của hai thế kỷ thi ca, chính là một tác giả của những bài hát nói nổi tiếng và bản thân ông cũng là con của một ca nương, nên thơ Tản Đà và hát ả đào gắn với nhau khăng khít. Những bài thơ như Cảm thu, tiễn thu, Tống biệt, Thề non nước... đã trở thành vốn liếng của các đào nương trong các buổi hát.

Tản Đà (1889-1939) là một gương mặt nổi bật của thơ cũ, song có ảnh hưởng lớn đến các nhà thơ Mới, và khi ông mất, các tác giả đương thời đều tiếc thương, như Hoài Thanh và Hoài Chân dành hẳn phần đầu trong hợp tuyển Thi nhân Việt Nam (1942) để "cung chiêu anh hồn Tản Đà". Tản Đà mất năm 1939, cũng là năm Văn Cao viết Buồn tàn thu. Điều này có phải là một sự trùng hợp hay có chủ đích, chúng ta không biết, nhưng sự liên hệ về tình tự mùa thu quả thực là một truyền thống văn hóa đã được tiếp bước sang chàng trai trẻ Văn Cao.

Lá sen tàn tạ trong đầm

Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa

Sắc đâu nhuộm ố quan hà

Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương

Nào người cố lý tha hương

Cảm thu, ai có tư lường hỡi ai?

Bài thơ Cảm thu, tiễn thu, Tản Đà viết tháng Chín 1920 đã được in trong tập Thơ Tản Đà, xuất bản năm 1925, được các ca nương trình bày ở thể ngâm, còn gọi là hát nói. Người được vinh danh là Ca nương bậc nhất thế kỷ 20 - NSND Quách Thị Hồ (1909-2001), đã thu âm phần biểu diễn bài hát nói này khoảng năm 1988. Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, bài ngâm có hai phần, phần đầu giọng ngâm sa mạc, phần hai giọng ngâm cung oán. Phần hát đi cùng phần đệm kết hợp đàn tranh và đàn đáy của nghệ nhân Đinh Khắc Ban, tạo nên một chỉnh thể mẫu mực cho một bài ngâm ca trù.

Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao cũng ngưỡng mộ nghệ sĩ Quách Thị Hồ và họ đã từng có nhiều cuộc tao ngộ. Điều này không lạ vì thời trẻ Văn Cao có những trải nghiệm và cảm nhận về ca trù để đưa vào tác phẩm, không chỉ âm nhạc mà còn trong thơ. Những bài thơ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc và Ngoại ô mùa đông năm 46 là những câu chuyện về tình tự nghệ sĩ trong thế giới âm thanh của ca trù, vào thời đoạn loại hình này đã có những sự tàn tạ, như nỗi buồn tàn thu đã viết từ thuở đầu...

Em cạn lời thôi anh dứt nhạc

Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh

Một đêm đàn lạnh trên sông Huế

Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh...

Có thể nói trong đề tài âm nhạc nào Văn Cao tham gia, ông cũng tạo ra dấu ấn, ngoài những bài hát lãng mạn đã đưa ông thành tên tuổi lớn của tân nhạc, những bài hành khúc thời tham gia nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng cũng như khi lên Hà Nội học dự thính trường Mỹ thuật và hoạt động bí mật cho Việt Minh, cũng rất nổi bật để chiếm vị trí tiên phong. Ở lĩnh vực nào, Văn Cao cũng tạo cho mình một không gian huyền hoặc, góc cạnh và ấn tượng...

Văn Cao- Đoàn Chuẩn: Hai kẻ tri âm mùa thu - ảnh 2Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trình bày một sáng tác mới, có mặt nhạc sĩ Văn Cao và Huy Du (thứ 2 và 1 từ phải sang), Xuân 1983 tại nhà Chu Hồng Vũ. - Ảnh: Chu Hồng Vũ/ Nguồn fp Một thời Hà Nội hát.

Dường như, trong tình cờ lại hóa ra có những mối tương liên giữa hai nhạc sĩ trữ tình Văn Cao và Đoàn Chuẩn. Đoàn Chuẩn mất đúng ngày 15.11.2001, trong khi Văn Cao cũng sinh vào ngày này (15.11.1923).

Hai nhạc sĩ có nhiều sự tương đồng khi viết những bài tình ca mùa thu hay nhất của tân nhạc Việt Nam (Buồn tàn thu, Thu cô liêu, Suối mơ, Trương Chi, Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều, Lá thư, Vàng phai mấy lá...), cùng xuất thân ở Hải Phòng và cùng gắn bó cuộc đời với Hà Nội, để lại những bài hát tiêu biểu cho Hà Nội như Thăng Long hành khúc ca, Tiến về Hà Nội, Gửi người em gái miền Nam...

Hơn kém nhau một tuổi, hai người thuộc về một thế hệ có nhiều thành tựu trong bối cảnh một đất nước hậu thuộc địa, và cũng trải qua nhiều biến cố thăng trầm đời sống suốt mấy chục năm.

Năm 1983, Văn Cao được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức một đêm nhạc tái ngộ khán giả với sự ủng hộ của tân Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam Huy Du và nhiều bạn bè yêu mến ông. Sau đó năm 1986 và 1988, Văn Cao có một số đêm nhạc tiếp theo, đặc biệt năm 1988 cả Đoàn Chuẩn và Văn Cao cùng có những đêm nhạc công bố các bài hát lãng mạn sau ba thập niên vắng bóng. Năm 1987, Đoàn Chuẩn quay trở lại sáng tác một số ca khúc, trong đó ông phổ bài thơ Khuôn mặt em của Văn Cao.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác