Văn học Việt qua góc nhìn dịch giả: Tính cách dân tộc từ sâu thẳm cội nguồn

(VOV5) - Tác phẩm hay phải là một bản chứng thực về tính cách dân tộc để đưa đến cho bạn đọc thế giới.

Bất kể ở ngôn ngữ nào, ở nền văn hóa nào, những tác phẩm văn chương đích thực bao giờ cũng đi thẳng đến trái tim. Những dịch giả văn học, những người làm cầu nối tâm hồn giữa những ngôn ngữ khác nhau, có lẽ, sẽ có một điểm nhìn khách quan về các tác phẩm văn học hay khi ở vị trí vừa là người cảm thụ và chia sẻ những giá trị văn chương mình yêu thích, thấu cảm với bạn đọc; vừa đồng thời là người chia sẻ những cảm nhận sáng tác, phong cách của nhà văn qua từng dòng trên bản dịch.

Nhân dịp cuộc gặp mặt lần thứ nhất “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức từ ngày 20-25/10, tại Hà Nội, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam có cuộc trao đổi với hai dịch giả người Việt ở nước ngoài, tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng (LB Nga) và tiến sĩ Giáp Văn Chung (Hungary), với những suy nghĩ về văn học Việt Nam từ góc nhìn của người dịch.

Nghe âm thanh Tạp chí văn nghệ (với cuộc trò chuyện; thông tin về 1 tiểu thuyết Việt sắp ra mắt bản tiếng Pháp; và một số gương mặt văn học gốc Việt đình đám) tại đây:

Văn học Việt qua góc nhìn dịch giả: Tính cách dân tộc từ sâu thẳm cội nguồn - ảnh 1TS Giáp Văn Chung (trái) và TS Nguyễn Huy Hoàng trong một lần trả lời phỏng vấn truyền hình về dịch thuật văn học. - Ảnh: Loan Nguyễn 

Nhà văn lớn thường có những tiên cảm về tương lai

PV: Thưa các dịch giả, có lẽ câu chuyện chúng ta sẽ bắt đầu từ một câu hỏi cốt lõi của văn học: Thế nào là một tác phẩm hay, thưa tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng?

Dịch giả Nguyễn Huy Hoàng: Từ xưa trong lý luận về văn học, một tác phẩm văn học thường có: giá trị nhận thức, giáo trị giáo dục, giá trị thẩm mỹ. Cái đó đúng không sai, nhưng theo tôi là thiếu. Một tác phẩm phải có cả giá trị giải trí nữa. Văn học là giải trí. Nghĩa là đọc một tác phẩm thấy hay, đọc cho vui đã, nhưng qua cái vui đó, qua sự say mê đó, người ta nhận thức về thế giới. Văn học đặc biệt vì thanh lọc tâm hồn. Tác phẩm hay sẽ cần một tài năng. Và tài năng đó phải tôn trọng hiện thực. Nếu nhà văn đứng xa, đứng ngoài hiện thực, không viết về tất cả những cái sôi động và nóng bỏng của hiện thực, thì tôi nghĩ chắc chắn tác phẩm đó không đáp ứng yêu cầu của quấn chúng. Và tác phẩm phải có tính dân tộc cao - dân tộc ở đây là tư tưởng, tính cách, ngôn ngữ dân tộc. Không có cái đó không có tác phẩm hay được. Tôi rất mê câu thơ của ông Chế Lan Viên viết:

Nếu nhà thơ không cao, không lý tưởng 

Không như vầng trăng nhìn ngắm bởi trăm nhà

Mà chỉ là ngọn khói phất phơ trên ngói xám

Thì thơ ơi ai cần anh nữa

Khách qua đường sẽ bỏ đi qua…

…Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng 

Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể, anh ơi! 

Tâm hồn anh là của đời một nửa 

Một nửa kia lại cũng của đời 

Nhà thơ nhà văn phải là người của cuộc đời cái đã, người của nhân dân, không thể đứng ngoài nhân dân. Anh đau nỗi đau của đồng loại, nói những khát khao của đồng loại và phải có giá trị thức tỉnh đồng loại. Nhà thơ nhà văn phải đi trước thời đại.

PV: Thưa dịch giả Giáp Văn Chung, anh đã dịch nhiều tác phẩm văn học lớn của Hungary cũng như nước ngoài, ý kiến của anh về vấn đề này?

Dịch giả Giáp Văn Chung: Tôi cũng nhất trí với nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng về một tác phẩm hay thì cần có những tiêu chí nào. Nhưng tôi cũng bổ sung, 1 tác phẩm hay mang tầm nhân loại, còn có 2 điểm: Một là phải mang tính dân tộc cao, tức là đấy phải là một bản chứng thực về tính cách dân tộc anh để đưa ra với bạn đọc thế giới. Hai nữa, tác phẩm lớn còn một chức năng rất quan trong là chức năng dự báo cho tương lai. Vì mọi người đều cảm nhận đời sống, nhưng các nhà văn lớn cảm nhận đời sống một cách khác với bạn đọc bình thường, hoặc là họ có những tiên cảm về tương lai sớm hơn những người bình thường.

Thí dụ cuốn Chiến tranh là chiến tranh của Krasznahorkai László mà tôi mới dịch, rất nhiều người cho rằng ông ấy viết cuốn đó có nhiều yếu tố bi quan, tiêu cực, đen tối, nhưng thực ra cách nhìn bi quan của nhà văn là sự dự cảm với tương lai của nhân loại. Vì ông quá lo lắng cho những biến động của những thập niên vừa rồi. Và nếu nhìn tình hình thế giới thì chúng ta thấy nỗi lo lắng, bi quan đó hoàn toàn có cơ sở nhất định, nếu nhìn những cuộc chiến tranh về sắc tộc ở Châu Âu, các cuộc khủng bố ở Trung Cận Đông, hay gần nhất là sự phát triển của yếu tố cực đoan trong đạo Hồi, những cái đó đã thay đổi cả thế giới. Tác phẩm đó viết hơn chục năm rồi, và ông đã dự báo trước nguy cơ. Tôi nghĩ khả năng dự báo, cảnh báo với nhân loại của nhà văn cũng là một trong những tiêu chí của tác phẩm lớn.

Văn học Việt qua góc nhìn dịch giả: Tính cách dân tộc từ sâu thẳm cội nguồn - ảnh 2TS Nguyễn Huy Hoàng (ngoài cùng bên phải) cùng các nhà nghiên cứu, lý luận văn học tại Cuộc gặp mặt (PGS TS Nguyễn Thế Kỷ, PGS TS Lý Hoài Thu, PGS TS Phan Trọng Thưởng, nhà văn Hữu Thỉnh, GS Hà Minh Đức) - Ảnh: Lê Thành Nghị

Tính cách dân tộc trong văn học gốc Việt

PV: Như các anh vừa nói về tính dân tộc đậm đặc trong văn học, điều đó có thể soi chiếu như thế nào trong những tác phẩm của những nhà văn Việt Nam ở nước ngoài – cả viết bằng tiếng Việt và tiếng bản địa?

Dịch giả Nguyễn Huy Hoàng: Thực ra văn học Việt Nam ở nước ngoài ta tính 1/3 thế kỷ, vì ta tính từ ngày miền Nam giải phóng, chủ yếu là thế hệ những người những năm 70 ra nước ngoài và ta gọi là thế hệ thứ nhất. Thế hệ thứ hai là những con đã học tập bên kia, và thế hệ thứ ba. Theo tôi, chủ yếu là thế hệ thứ nhất viết bằng tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt. Bởi vì có nguồn gốc ở Việt Nam, được đào tạo về ngôn ngữ tiếng Việt một cách có hệ thống, và thấm hết những phẩm chất của người Việt trong những năm sống ở Việt Nam. Còn thế hệ thứ hai, thực ra ngưỡng vọng từ nước ngoài trở về, hiểu Việt Nam qua sách vở, hiểu Việt Nam qua bố mẹ. Thế hệ thứ ba đã sống bằng tất cả không khí của nước ngoài. Nên trong ba thế hệ chỉ có thế hệ thứ nhất thuần Việt,  viết bằng tiếng Việt hoàn toàn. Tôi cho rằng những tác phẩm đó của họ có tính dân tộc. Còn sang thế hệ thứ ba tất nhiên họ viết bằng tiếng nước ngoài, hay hơn tiếng Việt. Ở các nước tôi không biết, nhưng ở Nga thì có một số các cháu có viết văn học nhưng tác phẩm không đứng được, vì tiếng Nga chưa thật nhuần nhuyễn, còn tiếng gốc – tiếng Việt thì gần như không có.

Văn học Việt qua góc nhìn dịch giả: Tính cách dân tộc từ sâu thẳm cội nguồn - ảnh 3 Dịch giả Giáp Văn Chung trong chuyến đi cùng các đại biểu dự Cuộc gặp mặt thăm đất Tổ vua Hùng.

Dịch giả Giáp Văn Chung: Trong tiếng Anh, hay ở Pháp… có những tác giả gốc Việt viết bằng ngôn ngữ bản địa đạt được những thành công nhất định, Ví dụ ở Pháp, ngay từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã có rất nhiều lính thợ sang Pháp rồi, nên giờ không chỉ thế hệ thứ ba mà có khi đến thế hệ thứ năm, thứ sáu rồi.Tôi nghĩ những người đạt được những thành công đấy trước hết họ phải có tài đã. Nhưng ngay cả trong việc có ai trong họ phủ nhận tính dân tộc trong con người họ, thì thế nào trong văn phong của họ cũng không thể nào dứt bỏ được hết những gì thuộc về dân tộc, bởi vì nó ngấm trong từng tế bào, trong máu thịt rồi. Anh có thể không nhận thấy, anh có thể không có chủ ý, nhưng cái sản phẩm anh làm ra thế nào cũng mang tính chất dân tộc từ trong sâu thẳm cội nguồn của anh.

Ở Đông Âu thì tôi chưa thấy (hay chưa biết) xuất hiện những thế hệ viết bằng ngôn ngữ bản địa. Riêng ở Ba Lan tôi thấy có một trường hợp có thể coi là thành công, là nhà thơ Lâm Quang Mỹ. Anh đã được kết nạp vào cả Hội nhà văn Ba Lan, sáng tác bằng cả tiếng Ba Lan, hay đi cùng các nhà thơ Ba Lan đọc thơ, bình thơ. Thậm chí có những tập thơ của anh Lâm Quang Mỹ đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh. Cũng là một trường hợp cá biệt. Nói như anh Hoàng thì ngôn ngữ phải là thứ mà người ta nghe từ khi còn nằm trong nôi thấm vào. Và khi có ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ cộng với tư duy sáng tạo đồng hành với nhau thì mới phát huy được hiệu quả cao nhất. Trên thế giới có một số tác giả không viết bằng tiếng mẹ đẻ nhưng cũng rất thành công, như trường hợp nhà văn Kazuo Ishiguro đoạt Nobel 2017 thì viết bằng tiếng Anh, nhưng là người gốc Nhật, 6 tuổi mới sang Anh, song tiếng Anh chắc chắn thạo hơn tiếng Nhật và có thể coi như tiếng mẹ đẻ rồi. Tôi có dịch một bài phỏng vấn rất dài về ông ấy, từ hơn chục năm rồi, bản thân ông cũng không phủ nhận nguồn gốc Á Đông của mình. Và ông cũng đánh giá cao, rất trân trọng những giá trị mà các thế hệ trước, của dân tộc Nhật, của người Nhật mà ông kế thừa được. Vì thế tôi nghĩ đã là quả chanh thì phải chua, chứ không thể thành quả khác được. Là người Việt dù đi đâu, ở đâu, làm gì tôi nghĩ là cũng không thể chối bỏ gốc gác của mình.

Văn học Việt qua góc nhìn dịch giả: Tính cách dân tộc từ sâu thẳm cội nguồn - ảnh 4Truyện Kiều là một trong số ít tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. 

Chúng ta dốc hết vốn liếng vào một cuốn sách...

PV: Và từ văn học gốc Việt nhìn lại về văn học Việt Nam, có một câu hỏi cho các dịch giả, là những người đều đã tham gia dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Nga hoặc tiếng Hungary: Theo các anh, lý do tại sao hiện nay Việt Nam vẫn chưa có nhiều tác phẩm văn học được thế giới biết đến?

Dịch giả Nguyễn Huy Hoàng: Vừa rồi tôi có dịp đi sang Châu Âu, rất nhiều nước, có điều kiện ghé qua các hiệu sách trung tâm. Thực ra trên các hiệu sách có rất nhiều thứ tiếng, nhưng không hiệu sách nào có tác phẩm văn học Việt Nam. Vì sao vậy? Theo tôi, thứ nhất có thể cũng do chúng ta chưa thật có những tác phẩm tầm cỡ để trở thành sách hot cho người ta tìm kiếm, người ta dịch. Nhưng thực ra cái quan trọng nhất là việc chuyển tải văn học Việt Nam ra nước ngoài chưa được chúng ta quan tâm một cách đúng mức, chưa có hệ thống. Nếu chúng ta muốn truyền bá văn hóa, văn học ra nước ngoài, thì phải hoạch định kế hoạch rất rõ ràng. Vì văn học là cả một quá trình. Nếu chúng ta muốn giới thiệu thì giới thiệu hệ thống. Một là tận dụng những dịch giả Việt Nam giỏi tiếng nước ngoài, hai là tận dụng những dịch giả nước ngoài giỏi tiếng Việt Nam. Và trong chuyện này phải đầu tư và phải hy sinh. Đầu tư công sức, hy sinh lợi nhuận. Văn hóa không tính lợi nhuận. Chúng ta phải đưa sách ra, xem quyển sách đó có ảnh hưởng như thế nào, làm người ta biết đến dân tộc Việt Nam, biết đến bề dày của văn học Việt Nam, biết đến văn hóa Việt Nam. Nên tôi nghĩ với các nước lớn như Nga, Pháp, Anh. Mỹ, Nhật, Trung Quốc…thì chúng ta nên tập trung có hệ thống để người ta hiểu biết về văn học, văn hóa Việt  Nam, mà văn học văn hóa chính là nền tảng tinh thần của dân tộc.

Dịch giả Giáp Văn Chung: Tại sao Việt Nam chúng ta chưa có những tác phẩm, cứ nói nôm là đủ lớn, để cho nhân loại phải tìm đến mình, hoặc người ta đặt đúng vị trí trên cánh rừng mênh mông của văn học thế giới? Tôi nghĩ, ở chúng ta cũng có những tác phẩm khá, ví dụ, Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường)…, hoặc một số truyện vừa của Nguyễn Ngọc Tư.. tôi cho là những truyện rất hay. Nhưng tôi thấy có một hiện tượng là các tác giả Việt Nam có hiện tượng một đầu sách thôi, ví dụ Bảo Ninh chỉ có Nỗi buồn chiến tranh, hay các tác giả khác cũng tương tự như vậy. Tôi mạnh dạn nói rằng hiện tượng một cuốn này cho thấy vốn liếng của chúng ta quá mỏng. Chúng ta dốc hết vốn liếng vào một cuốn sách. Đúng là một tác giả có tài năng, viết được cuốn sách hấp dẫn bạn đọc, nhưng chúng ta không vượt lên trên được. Điều đó cho thấy vốn liếng của chúng ta còn mỏng, cái phông văn hóa của chúng ta không đủ dày để chúng ta sáng tác được nhiều tác phẩm hay hơn nữa. Đấy là điều thứ nhất mà tôi trả lời cho câu hỏi tại sao chúng ta không có tác phẩm lớn hay nền văn học tầm cỡ hơn, mặc dù lịch sử của chúng ta rất hào hùng, thực tế cuộc sống rất phong phú, nhưng số tác phẩm khá chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi.

Thứ hai, là khía cạnh như nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng nói, chúng ta chưa có sự dầu tư bài bản, quy mô, chưa có một chiến lược đầu tư nhất định. Tôi chỉ lấy ví dụ như ở Hungary, một nước rất nhỏ, chỉ 10 triệu dân, nhưng họ có một quỹ hỗ trợ văn học. Như tôi dịch một cuốn từ tiếng Hungary sang tiếng Việt, thì NXB họ toàn toàn có thể làm hồ sơ để xin tài trợ, và phần lớn các cuốn sách đó đều được Quỹ này tài trợ. Và họ có Nhà dịch thuật văn học Hungary, hàng năm họ mời hết các nhà dịch thuật văn học Hungary từ các nước đến đó. Những cuộc trao đổi đó rất hữu ích đối với dịch giả. Nên chăng chúng ta cũng thành lập một Quỹ như vậy, có sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa…Hàng năm nên có một danh mục tác phẩm mà chúng ta khuyên, đưa ra mời các NXB ở nước ngoài quan tâm đến. Nếu chúng ta làm được điều đó thì triển vọng năm, mười năm sách của chúng ta mới có thể xuất hiện trên các thị trường sách trên thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn các dịch giả đã chia sẻ với thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác