Vẻ đẹp thành Tuyên qua ảnh Quang Minh

(VOV5) - NSNA Quang Minh gửi vào mỗi bức ảnh một lời tâm huyết về tình yêu cuộc sống, khát vọng cái đẹp với vùng đất và con người quê hương cách mạng Tân Trào.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Minh bắt đầu cầm máy từ khá sớm cách đây gần bốn mươi năm, song chính thức trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mới hơn chục năm nay.

Cùng với các nghệ sĩ nhiếp ảnh khác như Ma Tuyên, Việt Trường, Văn Hùng, Văn Cường, Đỗ Thế Sơn, NSNA Quang Minh được coi là lớp tác giả trẻ sung sức trưởng thành trong công cuộc đổi mới, như luồng gió mới thổi sinh khí phát triển phong trào nhiếp ảnh nơi mảnh đất Tuyên Quang “Thủ đô kháng chiến” này.

Vẻ đẹp thành Tuyên qua ảnh Quang Minh - ảnh 1 Nhiếp ảnh gia Quang Minh

Với riêng NSNA Quang Minh, không chỉ “miền cổ tích Na Hang”, thác Mơ mà những cảnh đẹp của mảnh đất Tuyên Quang đều hiện lên lung linh, rực rỡ trong các bức ảnh của anh với góc máy mới lạ. Vì thế không phải ngẫu nhiên khi bạn bè trong giới, người yêu nghệ thuật thường ví anh là “chú ong thợ cần mẫn” ngày ngày hút mật để “nhả” cho đời hương thơm, trái ngọt.

Anh nói: “Phong cảnh nước ta rất đẹp. Chúng tôi cảm thấy có lỗi khi mà chưa ghi chép được, chưa nói hết được vẻ đẹp giống như ở ngoài đời thực. Bởi chúng tôi nghĩ đã là người nghệ sĩ thì trách nhiệm công dân, sự cống hiến phải được đặt lên hàng đầu. Tức không phải mình chụp cho riêng bản thân mình. Qua đó muốn chuyển tải những hình ảnh này không những cho công chúng trong nước mà còn đến với bạn bè quốc tế, để họ biết được những hình ảnh rất đẹp về đất nước mình, cũng như thu hút lượng khách nước ngoài đến với Việt Nam”

Năm ngoái quả là một năm thành công của NSNA Quang Minh. Đầu năm anh có triển lãm ảnh “Đất và người thành Tuyên” gây tiếng vang tại quê hương; giữa năm là Huy chương đồng FIAP Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam, và cuối năm chính thức trở thành Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Vẻ đẹp thành Tuyên qua ảnh Quang Minh - ảnh 2 Tác phẩm “Tấm thảm ngày mùa” của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh giành Huy chương Đồng trong Cuộc thi ảnh nghệ thuật Quốc tế lần thứ IX - VN17 tại Việt Nam.

50 bức ảnh tại triển lãm “Đất và người thành Tuyên” là 50 sắc màu về văn hóa, văn nghệ, truyền thống, lễ hội, phong cảnh của thành Tuyên. Trong đó nổi bật hơn cả là “Tấm thảm ngày mùa” được chụp bằng flycam, mang đến cho người xem hình ảnh tổng quan từ trên cao nhìn xuống cánh đồng Hoàng Khai ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Bức ảnh như một tác phẩm hội họa-một bức họa đồng quê, những mảnh ruộng hình vuông, hình tứ giác với rất nhiều sắc màu:

“Cả vùng cao của chúng tôi đã có máy gặt đập liên hợp tức làm ra thành sản phẩm luôn. Vì thế tôi nghĩ nên phản ánh cái nét mới ấy của vùng cao…Mỗi một khu ruộng, mỗi thửa ruộng đều có những hình thù riêng rất đẹp thế nên mình phải chọn được những cái có đường nét mà không bị lặp lại nhiều hoặc không giống ai. Cái đó mới là cái chính. Để tìm ra những thửa ruộng như thế phải săn, phải chờ những khoảnh khắc của ánh sáng…” – NSNA Quang Minh tâm sự.

Ngoài những bức ảnh phong cảnh, NSNA Quang Minh còn có bộ ảnh khá công phu chụp thiếu nữ Tày e ấp bên cây đàn tính. Đây là cây đàn của người dân tộc Tày, nhạc cụ chỉ có 1 dây nhưng âm thanh trầm bổng với nhiều cung bậc, thường dùng trong lễ hội đón tiếp khách quý. Qua bộ ảnh, NSNA Quang Minh gửi gắm tình yêu và ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc.

Việt Nam được đánh giá là có lực lượng người cầm máy hùng hậu nhất nhì Đông Nam Á, và nhiếp ảnh nước ta ít nhiều đã tạo được chỗ đứng khi gặt hái thành công tại các cuộc thi ảnh quốc tế. Song, có những vấn đề mà giới nhiếp ảnh và công chúng yêu nghệ thuật cũng đã nhắc đến nhiều, đó là việc lặp lại những đề tài trong ảnh phong cảnh. Những đồi cát, cánh đồng lúa hay những làng chài, ngư dân ra khơi…lặp đi lặp lại một cách nhàm chán.

NSNA Quang Minh cho biết, anh cũng hiểu điều đó và cố gắng tránh lặp lại, trước hết là lặp lại chính mình: “Cái đó quả là khó, bởi mỗi một nghệ sĩ có một con mắt nhìn riêng. Thế nhưng, với tôi phải có thai nghén, có sự tính toán trước. Ví như mỗi một bức phong cảnh ta phải chọn khoảnh khắc đẹp để bấm máy. Đề tài phong cảnh rất phong phú, nếu mà ta làm bật được chủ đề: cái nét đẹp, thanh bình của từng làng quê, từng vùng đất…thì đã thành công,”

5 năm liền NSNA Quang Minh có tác phẩm trưng bày tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực; 3 năm liền đoạt giải khuyến khích tại Liên hoan ảnh khu vực; giải ba cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tuyên Quang trên đường đổi mới”…Đó là niềm động viên và động lực để anh tiếp tục theo đuổi con đường nhiếp ảnh nghệ thuật: “Chuyển sang lĩnh vực ảnh nghệ thuật càng làm càng thấy rất là khó. Nghệ thuật không có giới hạn, càng làm nhiều ta càng cảm thấy nhỏ bé và càng thấy nhiều thứ mới mẻ. Ảnh thông thường chỉ là ghi chép lại tất cả những gì chúng ta nhìn thấy, còn ảnh nghệ thuật thì biết nói, tức nói lên được cái điều mà ta cần nói, đọc được những gì mà mắt ta nhìn thấy…”

Từ những khoảnh khắc kỳ diệu của ánh sáng, qua tư duy và cảm xúc, NSNA Quang Minh đã gửi vào mỗi bức ảnh một lời tâm huyết về tình yêu cuộc sống, khát vọng cái đẹp với vùng đất và con người quê hương cách mạng Tân Trào. Đây là tiền đề để anh tiếp tục say mê sáng tạo nhiều ảnh nghệ thuật, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh vùng đất, con người Tuyên Quang. Hơn ai hết, những văn nghệ sĩ ở địa phương bám trụ địa bàn sáng tác, lăn lộn với thực tế sẽ hiểu sâu hơn những vấn đề đang đặt ra ở quê hương mình, từ đó phát hiện những đề tài mới. Hẳn nhiên, công chúng chờ đợi những tác phẩm mới và “độc”, phản ánh sâu sắc mảnh đất và con người thành Tuyên của NSNA Quang Minh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác