Vietnam Centre tiếp nối truyền thống văn hóa Việt: Chúng tôi may mắn được đứng trên vai những người khổng lồ

(VOV5) - Những hoạt động hội thảo, triển lãm, phục dựng phục trang cổ Việt và in sách phổ biến văn hóa... của Vietnam Centre đã gây sự chú ý của người Việt trong nước, người Australia và nhất là thế hệ trẻ của người Việt tại Australia.
Vietnam Centre tiếp nối truyền thống văn hóa Việt: Chúng tôi may mắn được đứng trên vai những người khổng lồ - ảnh 1Một trong số những mẫu trang phục được Vietnam Centre thực hiện.

Trong số các dự án phục dựng, lưu truyền, lan tỏa sử Việt của những người Việt trẻ, có thể nhắc tới những nỗ lực rất đáng quan tâm của Vietnam Centre (Trung tâm Việt Nam), một nhóm được các du học sinh thành lập tại Australia năm 2017.

Với những hoạt động hội thảo, triển lãm, phục dựng phục trang cổ Việt và in sách, đã gây sự chú ý không chỉ của người Việt trong nước, người Australia mà nhất là thế hệ trẻ của cộng đồng người Việt tại nước này về một phần lịch sử văn hóa Việt. Vietnam Centre do ba người Việt trẻ khi ấy du học và sinh sống tại Sydney thành lập với mong muốn giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.
Đó là Nguyễn Anh Vũ - từng là Chủ tịch Vietnamese Cultural Ensemble (Nhóm Văn hóa Việt Nam) của khối sinh viên Việt Nam tại Đại học New South Wales và là người có uy tín trong công tác du học sinh tại Sydney, Nguyễn Ngọc Phương Đông - kỹ sư môi trường, một trong các thành viên sáng lập Đại Việt cổ phong, chuyên viên dự án Hoa văn Đại Việt và nhà văn, nhà biên kịch Lê Ngọc Linh. Phóng viên VOV5 phỏng vấn Nguyễn Ngọc Phương Đông, một thành viên sáng lập trong nhóm về những hoạt động của Vietnam Centre.
Vietnam Centre tiếp nối truyền thống văn hóa Việt: Chúng tôi may mắn được đứng trên vai những người khổng lồ - ảnh 2Nguyễn Ngọc Phương Đông, một trong ba thành viên sáng lập Vietnam Centre.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Xin chào Nguyễn Ngọc Phương Đông, bạn có thể cho biết cơ duyên để bạn và các đồng sự của mình đến với lịch sử và văn hóa Việt Nam như thế nào?
Nguyễn Ngọc Phương Đông: Có lẽ phải kể đến thời điểm cách đây hơn 10 năm khi cả nước đang nhộn nhịp kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Trong trường đại học, tôi cũng đã có sự quan tâm đến văn hóa lịch sử nhưng không phải văn hóa lịch sử của Việt Nam mà của thế giới. Khi đó tôi ấu trĩ cứ nghĩ rằng văn hóa lịch sử của Việt Nam rất nghèo nàn không bằng được của các nước bạn.
Nhưng vào dịp đại lễ đó tôi may mắn được tiếp cận rất nhiều công trình nghiên cứu và khảo cổ về Thăng Long và văn hóa lịch sử Việt Nam nói chung. Tôi đã rất sửng sốt khi thấy được nền văn hóa của cha ông có bề dày và giàu đẹp như thế nào, thậm chí không hề thua kém gì so với các cường quốc văn hóa của châu Á và thế giới. Tôi đã lao vào tìm hiểu để biết rõ hơn về kho tàng văn hóa rất giàu đẹp cha ông để lại mà tôi đã bỏ lỡ bao nhiêu năm nay.
PV: Khi đó bạn theo học về ngành gì? có phải là lịch sử hay là văn hóa không?
Nguyễn Ngọc Phương Đông: Ngày đó tôi là một sinh viên ĐH Bách khoa, học về khoa cơ khí, không hề liên quan gì tới văn hóa lịch sử cả. Nhưng khi tiếp xúc với những di sản văn hóa Việt Nam, tôi đã tìm kiếm thêm tư liệu thông tin để bổ sung thêm cho hiểu biết còn nông cạn của tôi lúc đó về văn hóa của nước nhà.
Sau đó tôi đi sang Australia du học ngành xây dựng. Tại thành phố Sydney nơi tô ở có một cộng đồng người Việt rất đông đảo hàng trăm nghìn người và đã có những thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra, lớn lên tại đây 
Nhưng tôi nhận thấy rằng mặc dù cộng đồng người Việt rất đông và mạnh như vậy nhưng văn hóa phong tục Việt Nam ở bên đó thể hiện cũng không được nổi trội. Người bản địa tại Australia, thậm chí cả cộng đồng người Việt bên đó nữa biết đến văn hóa Việt Nam chỉ thông qua áo dài, nón lá, bánh mỳ, phở. Ngoài ra rất ít các yếu tố văn hóa khác được khai thác và được phô diễn.
Tôi và những người bạn có cùng quan tâm với văn hóa lịch sử tại thành phố Sydney cảm thấy khá nhức nhối. Chúng tôi đã trăn trở phải làm thế nào đó để có thể quảng bá cả một kho tàng văn hóa lịch sử mấy ngàn năm của Việt Nam với không chỉ bạn bè quốc tế mà cả con em người Việt ở bên đó nữa.
Chính vì vậy mà năm 2017 chúng tôi đã cùng ngồi lại và thành lập ra Việt Nam Centre, là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động vì mục đích quảng bá và lan tỏa các yếu tố văn hóa của Việt Nam.
Vietnam Centre tiếp nối truyền thống văn hóa Việt: Chúng tôi may mắn được đứng trên vai những người khổng lồ - ảnh 3Vietnam Centre và nhữn người bạn hỗ trợ trong một hoạt động của tổ chức này.

PV: Và như chúng ta đều đã biết,  các bạn đã thành công ngay từ dự án đầu tiên...

Nguyễn Ngọc Phương Đông: Khi chúng tôi mới bắt đầu thì chỉ gồm có 3 người là tôi, anh Anh Vũ và chị Ngọc Linh. Chúng tôi đã quyết định là thực hiện dự án đầu tay Dệt nên triều đại, trong đó chúng tôi tìm cách tái hiện lại trang phục và nghi lễ của triều đình nhà Lê Việt Nam thế kỷ 15.
Chúng tôi đã chọn đề tài này để làm dự án đầu tay bởi vì trang phục là một trong những yếu tố văn hóa rất dễ nhận biết. Khi người ta nhìn vào, người ta sẽ có thể định danh ngay được đây là nền văn hóa nào. Thứ hai, văn hóa trang phục cũng khá dễ tái hiện so với cả các (loại hình) văn hóa khác như kiến trúc, phương tiện đi lại... Đó cũng là một yếu tố để chúng tôi chọn chủ đề này tái hiện dự án đầu tay.
PV: Dự án này thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng và truyền thông, có lẽ là do các bạn đã đi đúng hướng, đúng vào điều mà số đông công chúng chưa có dịp khám phá trong lịch sử Việt Nam?
Nguyễn Ngọc Phương Đông:  Trong quá trình thực hiện chúng tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của những người bạn tại Australia cũng như tại Việt Nam. Khi họ được tiếp xúc với đề án của chúng tôi cũng như những sản phẩm mà chúng tôi đã làm ra, thì phản ứng của mọi người cũng giống như tôi cách đây hơn 10 năm.
Đó lần đầu tiên họ tiếp xúc với những loại hình trang phục của cha ông từ cách đây hơn 500 năm. Họ cũng rất sửng sốt và không ngờ rằng trang phục của cha ông ngày xưa lại có thể cầu kỳ, mỹ lệ như vậy, Vậy nên những người bạn, những người cộng sự đó rất hào hứng hỗ trợ chúng tôi rất nhiệt tình trong suốt hơn một năm cho đến tận khi chúng tôi có được show diễn đầu tiên tại Sydney và Hà Nội cuối 2017 đầu 2018.
Kể cả công chúng và những khách mời trong show diễn đó cũng đã rất sửng sốt. Họ đã đặt ra cho chúng tôi rất nhiều câu hỏi tò mò, cũng có những ý định muốn tìm hiểu sâu xa thêm, đặc biệt là các bạn trẻ.
Vietnam Centre tiếp nối truyền thống văn hóa Việt: Chúng tôi may mắn được đứng trên vai những người khổng lồ - ảnh 4Sách Dệt nên triều đại do Vietnam Centre thực hiện.

PV: Những thiết kế trang phục này các bạn tìm tòi nghiên cứu từ những nguồn nào?

Chúng tôi may mắn được đứng trên vai của những người khổng lồ. Như đã nói trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long có rất nhiều những công trình nghiên cứu về văn hóa lịch sử Việt Nam, đặc biệt là lịch sử trang phục. Ví dụ như trước đó 20 năm đã có những công trình rất nhiều ý nghĩa của các tiến sĩ Đoàn Thị Tình, họa sĩ Trịnh Quang Vũ về lịch sử trang phục của Việt Nam.

Và đặc biệt năm 2013 chúng ta có cuốn sách Ngàn năm ấm mũ của học giả Trần Quang Đức về lịch sử trang phục đã tổng kết được rất nhiều nghiên cứu của tiến sĩ Đoàn Thị Tình và họa sĩ Trịnh Quang Vũ, và cũng thêm rất nhiều khảo cứu, kiến giải của chính tác giả Trần Quang Đức nữa. Đó là những cơ sở dữ liệu rất vững chắc để chúng tôi có thể tái hiện lại những bộ trang phục.

Ngoài ra chúng tôi cũng có những chuyến điền dã để nghiên cứu thêm về các tư liệu tranh tượng, các hiện vật tại các bảo tàng, nhà sưu tầm tư nhân và những cuộc trao đổi với những nghệ nhân tại các làng nghề dệt vải, dệt lụa. Dựa vào những cơ sở đó chúng tôi đã định hình được dự án Dệt nên triều đại

Vietnam Centre tiếp nối truyền thống văn hóa Việt: Chúng tôi may mắn được đứng trên vai những người khổng lồ - ảnh 5Một không gian triển lãm của Vietnam Centre do kiến trúc sư Binh Phan thiết kế - Ảnh: Thanh Hà

PV: Vâng và chúng ta đều biết là những hoạt động trong mấy năm qua của Việt Nam Centre cũng được công chúng hết sức chú ý. Bạn có thể điểm lại với thính giả Đài tiếng nói Việt Nam về những hoạt động gần đây nhất của Việt Nam Centre?

Nguyễn Ngọc Phương Đông: Trong vài năm qua đội ngũ Việt Nam Centre tại Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều hoạt động khác ngoài các hoạt động trên mạng xã hội. Ví dụ như năm 2018 vào dịp Tết Nguyên đán, Vietnam Centre đã phối hợp cùng với Lotte  Department tổ chức một triển lãm nho nhỏ về các trang phục cung đình thời Lê thế kỷ 15 tại sảnh của tòa nhà Lotte. Vào một tuần trước Tết Nguyên Đán chúng tôi trình diễn tái hiện lại lễ tiến lịch thời Lê dựa trên những ghi chép của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí.

Sau đó tổ chức tour trải nghiệm học hỏi cho 21 học giả trẻ đến từ khắp các nước. Họ đã được dành vài tuần tại Việt Nam đi thăm những bảo tàng, những cơ sở giáo dục đào tạo văn hóa lịch sử và hiểu rõ hơn về Việt Nam.

Trong những năm vừa rồi chúng tôi cũng đã phối hợp với một số đơn vị doanh nghiệp để tư vấn về văn hóa lịch sử khai thác trong các sản phẩm của họ.

Và đặc biệt mới đây nhân đại lễ Phật Đản cũng như kỷ niệm 40 năm ngày thành lập giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng tôi đã có một triển lãm nho nhỏ, triển lãm  bức tranh Trúc Lâm đạo sĩ xuất sơn về Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại Việt Nam Quốc tự, trụ sở của Ban trị sự thành hội Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.

PV: Xin cảm ơn bạn và chúc cho Việt Nam Centre tiếp tục có những thành công mới

Vietnam Centre là tổ chức phi độc lập, phi lợi nhuận, với sứ mệnh quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới, hiện nay được sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ ở cả Việt Nam và Australia.

Sách Dệt Nên Triều Đại là ấn phẩm đầu tiên của Vietnam Centre, đồng thời là cuốn sách song ngữ Việt - Anh đầu tiên trên thế giới về trang phục người Việt xưa, cụ thể là thời Lê Sơ. Cuốn Dệt nên triều đại đã được chính thức đưa vào các thư viện của Đại học Quốc gia Úc (ANU).

Trong tương lai, VNC sẽ tiếp tục cho ra mắt các ấn phẩm chất lượng về nhiều khía cạnh khác nhau trong nền văn hoá đa dạng và đặc sắc của đất nước. 

Hiện nhóm đang tìm kiếm nhà đầu tư và sản xuất cho dự án phim Lý Chiêu Hoàng, kịch bản do Vietnam Centre và biên kịch Paek Seong Og hợp tác chắp bút.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác