Xem tranh Thành Chương

(VOV5) - Cái hay của Thành Chương, cũng như một số họa sỹ trừu tượng khác ở ta, là không bị cuốn vào cuộc chạy đua lý thuyết cực đoan muốn đi đến hội họa trừu tượng “thuần túy” như bên Âu Mỹ. 

“Mẻ tranh” đón Tết Canh Tí trên Facebook của Thành Chương cho thấy ngôn ngữ hội họa có thể truyền đạt được những gì, và hiệu quả đến đâu, khi các thành tố cơ bản của nó đều được xử lý nhuần nhuyễn để tạo được cái Hình tương xứng nhất với cái Ý của tác phẩm.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Xem tranh Thành Chương - ảnh 1Giấc mơ xưa - Tranh Thành Chương 

Tranh có Ý - “intentionality”, nghĩa là người vẽ biết mình muốn vẽ gì. Cái Hình tương xứng với Ý là cái hình tổng thể của cả bức tranh, khiến người xem cảm nhận được điều họa sỹ muốn truyền đạt, thường được gọi là Form, được định nghĩa là “hình hài của nội dung”. Nó khác với những hình thù khác nhau có trong bức tranh ấy, thường gọi là các Shapes – các mảng miếng khác nhau về đậm nhạt và có thể định vị bằng đường viền.

Tranh của Chương là bố cục của các mảng miếng phẳng, định hình bằng nét, với cách đi nét tinh tế cho thấy người vẽ dựng những hình ấy theo tinh thần cách điệu cổ điển. Cứ nhìn bức “Chuyện nhà chuột” của Chương thì rõ. Yếu tố cơ bản đầu tiên là “Nét” (Line), được Chương thiết kế và xử lý rất kỹ lưỡng. Và những nét ấy định hình các “mảng miếng” (Shape) một cách rất tự tin, với nghĩa mảng nào cần kỷ hà thì kỷ hà dứt khoát, cần tự nhiên, đầy đặn, thiếu khuyết, lả lơi… cũng dứt khoát như vậy. Ấy là bởi họa sỹ có Ý rõ ràng, mà mỗi bức tranh chỉ là để truyền đạt một Ý, như một câu viết gẫy gọn, một tứ thơ mạch lạc.

Xem tranh Thành Chương - ảnh 2Ráng chiều - Tranh Thành Chương. 

Yếu tố cơ bản thứ ba là Đậm-Nhạt, hoặc Sáng-Tối, cũng được Chương xử lý chính xác theo Ý của mỗi bức tranh. Mỗi mảng miếng đều khác nhau về đậm nhạt, được bố cục giao đãi với nhau tạo hiệu quả hình-nền vừa động vừa tĩnh, khiến cho cái Hình – Form của bức tranh hiển lộ tương xứng với cái Ý của nó; khiến cho nội dung được chuyển tải bởi một hình hài có sức sống nhất. Cứ xem bố cục mảng miếng và quang độ (tôi gọi “value” là quang độ, nghĩa là mức độ sáng tối, chứ không dùng “sắc độ”, vốn có nghĩa là cường độ của màu – “saturation”) giữa bức Ráng chiều và bức Đêm Đồng Tâm thì thấy ba yếu tố cơ bản đầu tiên của ngôn ngữ hội họa quan trọng như thế nào.

Xem tranh Thành Chương - ảnh 3Chuyện nhà Chuột - Tranh Thành Chương 

Ba yếu tố cơ bản còn lại là Màu- Colour, Chất liệu mặt tranh-Texture, và Mép giới hạn của các hình - Edges, đều được Thành Chương xử lý rất thích hợp với Ý của mỗi bức tranh. Chuyện nhà Chuột được thể hiện bằng hai màu bổ trợ xanh lá cây và đỏ, với hai biến tấu đỏ là cánh xen và da cam, khiến bức tranh có nóng lạnh ở mức hài hòa. Cái ménage-à-trois ấy chắc hẳn là cái Ý mong muốn của người vẽ. Mắt của ba chuột được đặt thành một tam giác đều đáy rất rộng, tha hồ vững chãi. Hình thù của mỗi chuột đều diễn tả vị thế và thái độ khác biệt của từng chuột. Những thái độ che đậy mâu thuẫn ấy trở thành chấp nhận nhờ gam màu bổ trợ hài hòa.

Cái hay của Chương là không nghèo màu, không bị “màu nguyên thủy” mồi chài như thời trừu tượng sơ kỳ. Thiên nhiên vẫn hiện diện bằng màu trong tranh anh, khiến người xem không cảm thấy bị xa lạ hoàn toàn, thấy cái Ý của họa sỹ vẫn đồng điệu với hiện thực chung.

Xem tranh Thành Chương - ảnh 4Đỉnh - Tranh Thành Chương 

Yếu tố “Chất liệu mặt tranh” – Texture, hoặc tiếng Pháp quen thuộc là “matière”, là một điểm riêng của Thành Chương. Anh gọi tranh mình là “sơn mài”, và chắc là mặt tranh đều phẳng nhẵn (tôi chưa được xem tranh thật), nên không thể có mặt tranh sần nhám kiểu sơn dầu trên vải, vốn là vật liệu đắc dụng cho việc tạo hiệu quả cho các chất liệu khác nhau.

Chắc là Chương không vẽ theo lối sơn mài truyền thống, mà dùng loại sơn mới màu sắc phong phú hơn, không cốt tạo hiệu quả nhiều lớp sâu thẳm lung linh, mà theo lối alla prima vẽ một lần xong ngay, như lối vẽ bột màu hoặc sơn dầu, chỉ cốt sao mặt tranh phẳng theo lý thuyết “tranh phải phẳng bẹt” của hội họa hiện đại tây phương, mà lại bền vững như sơn ta, và rõ ràng là vật liệu Việt. với ý muốn đưa sơn ta vào dòng hội họa hiện đại tây phương. Anh cũng không đắp sơn dày sần như nhiều người muốn cách tân sơn mài theo hướng tạo chất liệu mặt tranh kiểu vật lý. Anh tạo chất liệu mặt tranh bằng cách xử lý cạnh viền và tô màu chỗ đều chỗ nhòe, tạo ảo giác về không gian cho những mảng miếng của tranh, tạo những khác biệt về đặc, lỏng, cứng, mềm, xa, gần, nặng, nhẹ. Nghĩa là vẫn không thể thiếu yếu tố chất liệu mặt tranh.

Cái hay của Thành Chương, cũng như một số họa sỹ trừu tượng khác ở ta, là không bị cuốn vào cuộc chạy đua lý thuyết cực đoan muốn đi đến hội họa trừu tượng “thuần túy” như bên Âu Mỹ. Tranh của ta vẫn là con đẻ của cuộc giao hoan giữa nội giới và ngoại giới, nên vẫn có cái duyên tự nhiên, hiện đang ngày càng tàn lụi bên trời tây. Cái cần thiết nhất vẫn là cái Ý muốn vẽ gì.

Xem tranh Thành Chương, tôi thoáng nghĩ đến lối tạo hình của Paul Klee và Joan Miro, mặc dù chỉ là một liên hệ hoàn toàn cảm tính. Và một cảm nhận nữa, rằng Chương có một cảm thức về hình của một người làm tượng, nên tranh anh vẽ, dù chỉ là bố cục của các mảng miếng phẳng bẹt, vẫn cứ tạo cảm giác không gian, vì chúng liên kết với nhau như các diện của một khối tượng. Như “Chuyện nhà chuột” chẳng hạn, trông như một khối tượng đài hẳn hoi.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác