Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tín nhiệm của Việt Nam

(VOV5) - Fitch khẳng định triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam tiếp tục lạc quan bất chấp bất chấp đại dịch COVID-19.

Cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm không chỉ là vấn đề nâng cao uy tín quốc gia, mà còn mở ra các kênh tiếp cận vốn đa dạng hơn, chi phí đi vay thấp hơn và củng cố vị thế tài chính đối ngoại của đất nước. Báo chí quốc tế tuần qua có nhiều bài viết xoay quanh triển vọng cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tín nhiệm của Việt Nam - ảnh 1Ảnh minh hoạ. Nguồn: TTXVN

Tờ The Star, một trong những tờ báo hàng đầu của Malaysia, quan tâm tới mục tiêu "Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030" của Việt Nam. Đó là đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody's) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên. Bài báo nhấn mạnh tới các giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu này, trong đó có xây dựng nền tài chính công vững mạnh, cải thiện các chỉ số nợ và thúc đẩy củng cố tài khóa.

Hiện tại các tổ chức tín dụng quốc tế đang có những đánh giá rất tích cực về Việt Nam trong dài hạn. Hãng đánh giá tín dụng Fitch đang xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức "BB" với triển vọng "Tích cực". Fitch khẳng định triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam tiếp tục lạc quan bất chấp bất chấp đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng kinh tế toàn cầu từ cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,1% trong năm nay và 6,3% trong năm 2023.

Trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P cũng giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”. S&P đưa ra quyết định dựa trên tình hình phát triển kinh tế bất chấp dịch COVID-19, cũng như sự cải thiện về hoạch định chính sách.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác