Chia sẻ lợi ích để đối phó với xói lở bờ biển và xâm nhập mặn

(VOV5) - Giáo sư Nguyễn Văn Thanh Vân, Đại học McGill, Canada cho biết xói lở bờ biển không chỉ là vấn đề xảy ra ở Việt Nam mà xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. 

Hội thảo quốc tế lần thứ 10 vùng châu Á- Thái Bình Dương về kỹ thuật biển (APAC- 2019) khai mạc và họp phiên toàn thể vào ngày 26/09 tại Hà Nội.

Sự kiện do Trường Đại học Thủy lợi đăng cai tổ chức với sự tham gia lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và hơn 300 đại biểu nước ngoài từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chia sẻ lợi ích để đối phó với xói lở bờ biển và xâm nhập mặn - ảnh 1 Các nhà khoa học chia sẻ những kinh nghiệm kiến thức, kỹ thuật mới liên quan đến bờ sông cửa biển, vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề nước biển dâng. Ảnh: VOV

Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng Việt Nam với bờ biển dài và mạng lưới sông ngòi dày đặc nên đang phải đối phó với các vấn đề quan trọng liên quan đến quản lý ven biển và cửa sông như nhiều quốc gia khác ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Giáo sư Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho rằng vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu cần được lượng hóa bằng luật và các bên liên quan phải cùng bàn bạc về lợi ích, chia sẻ những khó khăn.

Giáo sư Nguyễn Văn Thanh Vân, Đại học McGill, Canada cho biết xói lở bờ biển không chỉ là vấn đề xảy ra ở Việt Nam mà xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng và cũng rất khó dự đoán. Cùng với các giải pháp về quản lý nhà nước để hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thì cần có các giải pháp kỹ thuật, gồm cả trong lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng phương tiện đo đạc chính xác để có thể dự báo và đưa ra những chỉ dẫn hợp lý: “Chúng ta phải đối phó với tự nhiên, chúng ta phải sống chung với tự nhiên và chúng ta không thể biết là khi nào biến đổi khí hậu xảy ra, biến đối khí hậu xảy ra như thế nào nên chúng ta phải có những biện pháp. Thứ nhất là biện pháp đo đạc, thứ 2 là biện pháp về tính toán để đưa ra những mô hình hóa để dự báo được, xem mức độ xói mòn và mức độ biến đổi như thế nào để chúng ta có thể đối phó với vấn đề đấy và sống thích ứng với vấn đề đấy”.

Với chủ đề “Sống cùng thiên nhiên, đối phó với những thay đổi của vùng bờ biển”, Hội thảo quốc tế lần thứ 10 vùng châu Á- Thái Bình Dương về kỹ thuật biển (APAC- 2019) diễn ra đến hết ngày 28/09 với 6 bài giảng chính và 199 bài thuyết trình của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác