Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

(VOV5) -  Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển ngành cơ khí, nhất là cơ khí chế tạo.


Đây là khẳng định của  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam do Bộ Công thương tổ chức. sáng nay. 

Theo Thủ tướng,  Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển ngành cơ khí, nhất là cơ khí chế tạo. Thủ tướng cũng phân tích rõ một số hạn chế của ngành cơ khí, đặc biệt là sự đóng góp của ngành cơ khí còn quá ít trong sự phát triển của các ngành và lĩnh vực vốn là tiềm năng, thế mạnh của đất nước như nông nghiệp, giao thông, thủy sản, thiết bị y tế; năng lực cạnh tranh của sản phẩm cơ khí vẫn còn thấp; năng lực quản trị của doanh nghiệp cơ khí vẫn còn yếu….


Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - ảnh 1
Thủ tướng lắng nghe và chia sẻ với các doanh nghiệp cơ khí trong và ngoài nước bên lề hội nghị (Ảnh: Nhật Bắc)


Trên tinh thần này, Thủ tướng giao Bộ Công thương tập trung xây dựng chiến lược gắn với quy hoạch phát triển ngành cơ khí trong giai đoạn tới:  Chiến lược gắn với quy hoạch, trong đó xác định rõ sản phẩm và lĩnh vực ưu tiên gắn với cơ chế chính sách cụ thể để thực hiện. Ví dụ như lĩnh vực ưu tiên cơ khí chế tạo đáp ứng máy cho nông nghiệp, máy cho đánh bắt thủy sản…. Đó là những lĩnh vực tiềm năng lớn. Xây dựng chiến lược quy hoạch phải hết sức lưu ý trong điều kiện mới, điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập và cạnh tranh chứ không phải kế hoạch theo kiểu bao cấp như trước. Hội nhập rồi thì  cạnh tranh, vừa phải cạnh tranh ngay trên sân nhà thay thế nhập khẩu, vừa phải tính tới xuất khẩu.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các doanh nghiệp cơ khí cần tính toán chiến lược phát triển để vươn lên cả về năng lực, quản trị và sức cạnh tranh. 
Theo báo cáo, sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, đến năm 2013, giá trị sản xuất của toàn ngành đạt trên 251 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 7 lần so với năm 2000. Giá trị xuất khẩu cơ khí cũng đã đạt gần 35% trên tổng giá trị ngành cơ khí, cao hơn mục tiêu đề ra trong chiến lược.

 


Phản hồi

Các tin/bài khác