Hôm nay, 20/7, kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Geneve 1954

(VOV5) - Với Hiệp định này, Chính phủ Pháp đã chính thức công nhận nền độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và sẽ rút quân khỏi Việt Nam.

Hôm nay, 20/7, kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Geneve 1954 - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Thụy Sỹ dự hội nghị Genève về Đông Dương, tháng 5/1954.


Nhìn nhận về sự kiện lịch sử này, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: 
“Tại hội nghị Geneve, chúng ta đã làm tất cả để đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích cao nhất chúng ta khi đó là buộc đối phương phải công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là bài học lớn nhất và quan trong nhất được rút ra từ Hội nghị Geneve 1954 về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam. Từ hoạt động ngoại giao trong những năm 1945-1946 đầy gian nguy cũng như trong kháng chiến chống Mỹ, những bài học này đã được vận dụng nhuần nhuyễn và đóng góp vào Hội nghị Paris về Việt Nam giai đoạn 1968-1973”.

Hôm nay, 20/7, kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Geneve 1954 - ảnh 2
Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu trình bày về tình hình chiến trường Đông Dương cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Genève.

Việc đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Geneve 1954 về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam chính là kết quả của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, của những chiến thắng vang dội trên chiến trường, là thắng lợi của sự lãnh đạo sáng suốt, tài thao lược của Đảng CSVN  và Chính phủ  Việt Nam thời đó. Hiệp định Geneve 1954 còn là kết quả của khối đoàn kết toàn quân, toàn dân, đoàn kết quốc tế. Theo  ông Nguyễn Bá Bảo,cán bộ Văn phòng Bộ Ngoại giao thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây cũng là bài học quan trọng trong quá trình bảo vệ chủ quyền đất nước: “Nhờ có đoàn kết trước hết là của dân tộc, toàn dân đứng dậy để chiến đấu, cộng thêm đoàn kết quốc tế ủng hộ Việt Nam. Nếu không có mặt trận đó kết hợp như thế cũng khó mà thành công được. Những bài học này là bài học lớn cho nên tôi tin tưởng rằng trong hoàn cảnh hiện nay chúng ta luôn được sự ủng hộ của quốc tế. Chúng ta kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền của chúng ta”.

Hôm nay, 20/7, kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Geneve 1954 - ảnh 3
Sau hơn 2 tháng đấu tranh trên bàn đàm phán, ngày 21/7/1954, Thiếu tướng Delteil thay mặt Bộ Tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương đặt bút ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Đông Dương. Người thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký bản hiệp định là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu.

Đại tá Nguyễn Thành Hữu,cán bộ nghiên cứu lịch sử Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) cho rằng: "Chúng ta xác định chúng ta chính nghĩa thì chúng ta nhất định thắng. Lịch sử từ xưa hay hiệp định Geneve cũng cho thấy trong đấu tranh phải kiên quyết nhưng cũng phải hết sức mềm dẻo, linh hoạt; lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích cơ bản làm chính để giữ được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như là giữ được biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc hiện nay. Phải xác định cuộc đấu tranh để thực hiện những điều đó là cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng phải giữ vững, phải kiên quyết thì chúng ta nhất định sẽ thắng”.

60 năm đã trôi qua, Hiệp định Geneve 1954 về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam mãi là mốc son trong lịch sử ngoại giao Việt Nam và vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác