Lần đầu tiên Đại sứ Việt Nam trúng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên hợp quốc

(VOV5) - Với số phiếu 120/191, Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Nguyễn Hồng Thao đã trúng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế.

Chiều 3/11 (giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tiến hành bỏ phiếu bầu chọn các vị trí thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế. Với số phiếu 120/191, Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Nguyễn Hồng Thao đã trúng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế.  Đây là lần đầu tiên Việt Nam có ứng cử viên trúng cử thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế.


Lần đầu tiên Đại sứ Việt Nam trúng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên hợp quốc - ảnh 1
 Đại sứ, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao đã trúng cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021.


Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là một chuyên gia về luật pháp quốc tế với nền tảng học thuật vững chắc và kinh nghiệm thực tế phong phú. Ông từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Trưởng đoàn đàm phán các hiệp định biên giới với các nước láng giềng của Việt Nam, cố vấn pháp lý cho dự thảo Luật biển Việt Nam năm 2012...Ông có 40 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành ngoại giao, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Malaysia (2011-2014) và nay là Đại sứ tại Kuwait (từ 2014). Việc giới thiệu Đại sứ Nguyễn Hồng Thao ứng cử Ủy ban Luật pháp Quốc tế thể hiện mong muốn của Việt Nam đóng góp vào sự phát triển tiến bộ và pháp điển hóa luật pháp quốc tế, thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của ​Việt Nam.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Nga, đánh giá việc lần đầu tiên một công dân Việt Nam, được bầu vào một cơ quan rất quan trọng của Liên hợp quốc là một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Namtại các diễn đàn pháp lý của LHQ cũng như ở cấp độ khu vực như ASEAN, APEC.  Sự kiện này thể hiện sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với cá nhân Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, đồng thời khẳng định uy tín quốc tế của Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác