(VOV5) - Việc cần làm ngay của các chính phủ là dành nguồn ngân sách thích đáng để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.
Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là ngày lễ kỷ niệm, ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động trên toàn thế giới, với rất nhiều hoạt động được tổ chức để vinh danh những người trực tiếp tham gia các nỗ lực phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2020 đến nay, sau hơn 2 năm thế giới đảo lộn bởi COVID-19, có thể thấy đại dịch đã tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của mọi người, khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục.
Trong báo cáo “Triển vọng việc làm và xã hội thế giới” công bố hồi đầu năm nay, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định khủng hoảng dịch COVID-19 tiếp tục gây tình trạng mất việc nghiêm trọng trên khắp thế giới, đồng thời cảnh báo có thể phải mất tới vài năm để mức tuyển dụng trở lại như trước đại dịch. Do đó, ILO đã thay đổi mức dự báo trước đó vốn nhận định thị trường tuyển dụng toàn cầu sẽ gần như hồi phục trong năm 2022.
Theo ILO, số giờ làm việc trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm 2% so với mốc năm 2019, tương đương thế giới sẽ mất 52 triệu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ vẫn ở mức trên 5,4% ít nhất cho đến năm 2023. ILO cũng cảnh báo tác động tổng thể của dịch COVID-19 lên việc làm trên thực tế là lớn hơn nhiều so với số liệu được công bố, do nhiều người đã và đang chính thức rời bỏ lực lượng lao động.
Những thực tế trên chỉ ra rằng bất kể trên bình diện toàn cầu hay quốc gia, dịch bệnh đã gây ra các hậu quả nặng nề, trong đó có khủng hoảng việc làm. Bởi vậy, “việc cần làm ngay” của các chính phủ không chỉ là chống dịch và phục hồi kinh tế, mà còn phải dành nguồn ngân sách thích đáng để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, giúp họ sớm tái hòa nhập thị trường lao động.