Tiếp tục lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

(VOV5)- Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa ra văn bản về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết của Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Theo đó, thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được Quốc hội quyết định bắt đầu từ ngày 02/01/2013 đến hết ngày 31/03/2013. Kết quả việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo thời hạn này sẽ được tập hợp, tổng hợp đầy đủ và kịp thời tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 năm nay và sẽ tiếp tục được chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 năm nay. Kể từ sau ngày 31/03/2013 cho đến 30/09/2013, trước khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được trình Quốc hội thông qua, nhân dân vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề nghị các cấp ủy đảng, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho đến trước khi Dự thảo được trình Quốc hội thông qua. Công tác thông tin, tuyên truyền cần phân tích, làm rõ những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với lập luận khoa học, thuyết phục, chặt chẽ; làm cho người dân nắm vững, hiểu đúng nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp… Đồng thời, cần kịp thời đấu tranh, ngăn chặn việc lợi dụng góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để truyền bá những quan điểm sai trái, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Tiếp tục lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - ảnh 1

Trong hơn 2 tháng qua, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức ở Thành phố Cần Thơ triển khai thực hiện việc lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 của Thành phố Cần Thơ mới đây, các đại biểu đều đồng tình và thống nhất cao với việc cần phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với tình hình mới và chủ động hội nhập quốc tế. Về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, ông Trần Thành Nghiệp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Cần Thơ, đề nghị: “Có một số người đòi hỏi bây giờ quân đội là phải phi chính trị hóa, tôi không đồng tình quân đội là phi chính trị hóa. Quân đội quốc gia thành lập ra để bảo vệ chế độ chính trị quốc gia đó mà nếu phi chính trị hóa thì bảo vệ ai, hay nói cụ thể thì quân đội nhân dân Việt Nam thì phải bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Tỉnh Bình Dương cũng xác định việc lấy ý kiến của nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân. Do vậy, hoạt động quan trọng này đã và đang được triển khai đến tất cả cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Ông Nguyễn Thạnh, người dân tỉnh Bình Dương, bày tỏ sự đồng tình ủng hộ và đánh giá cao việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992: “Hiến pháp năm 92 đã phát huy hiệu quả rồi, từ đó quản lý đất nước đưa đất nước đi lên. Nay trong thời kỳ hội nhập với quốc tế, đồng thời thu hút đầu tư các nước, để quản lý đất nước phù hợp với xu thế mới thì việc sửa đổi Hiến pháp là rất cần thiết.”

Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Bình Dương cho rằng về chế độ chính trị cần khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước và xã hội, mà Nhà nước Việt Nam là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cần phải làm rõ cách thức sử dụng quyền lực Nhà nước của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện và cơ chế dân chủ trực tiếp. Việc sửa đổi cũng dựa trên quan điểm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.


Tiếp tục lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - ảnh 2
Website duthaoonline, nơi người dân có thể góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Cũng liên quan đến việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vấn đề dân tộc và công tác dân tộc là nội dung trọng tâm được đề cập tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Uỷ ban Dân tộc tổ chức sáng nay, tại Hà Nội.

Các ý kiến tại đây ghi nhận Dự thảo lần này đã mở rộng, thể hiện vấn đề dân tộc ở nhiều Điều hơn và ở mức độ khác nhau, phản ánh vấn đề dân tộc khá toàn diện và đầy đủ. Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cần xác định và quy định rõ vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc, quyền và nghĩa vụ bình đằng của các dân tộc; các nguyên tắc, chính sách giải quyết vấn đề dân tộc cũng như phát huy nội lực các dân tộc. Về chính sách dân tộc, nguyên phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Lù Văn Que nêu rõ: “Tôi đề nghị Hiến pháp cần thể chế các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau phát triển tiến bộ. Các nguyên tắc cơ bản đó phải được thể hiện trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi ai cũng phải thực hiện tốt. Điều 5 cũng cần phải khẳng định quyền và nghĩa vụ của các dân tộc. Các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng về chính trị, kinh tế, xã hội, cùng xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Nếu Hiến pháp ghi nhận như vậy, cán bộ và đồng bào các dân tộc mới thấy vinh dự của mình, sẽ có tác dụng rất lớn, nâng cao ý thức trách nhiệm với Tổ Quốc.”.

Về trách nhiệm của Nhà nước đối với các vấn đề dân tộc, Dự thảo cần đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện, tạo điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, tiến kịp trình độ chung. Đặc biệt là phải làm sao cho trong Quốc hội có đủ đại biểu của các dân tộc. Một trong những vấn đề then chốt hiện nay của công tác dân tộc là nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc. Đề cập nội dung này, Tiến sỹ, Phó Viện trưởng Viện dân tộc Lò Giàng Páo nêu ý kiến: “Chúng tôi không muốn dùng từ Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi mà Nhà nước phải đầu tư, thu hút các nguồn lực cho giáo dục. Chúng tôi muốn  gắn trách nhiệm của Nhà nước trong vấn đề này. Bởi vì, đồng bào ở các vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, đều là công dân Việt Nam nên Nhà nước phải có trách nhiệm, không phải chỉ dừng lại ở ưu tiên phát triển.”.

Về công tác dân tộc, một số đại biểu đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần nâng cao vị trí, trách nhiệm của các cơ quan làm công tác dân tộc, theo hướng các cơ quan này phải đi sâu nghiên cứu, bàn định, tham mưu, kiến nghị, giải quyết được các vấn đề đặt ra của công tác này.


Cũng trong sáng nay tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992 và triển khai Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: đến nay, Bộ đã tổng hợp được 40 báo cáo đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đa số ý kiến tại Hội nghị cho rằng dự thảo đã đảm bảo cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong cương lĩnh chính trị cũng như văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI về sửa đổi Hiến Pháp năm 1992. Dự thảo Hiến pháp lần này có những nội dung mới như nhấn mạnh thêm yếu tố dân chủ, vai trò của nhân dân. Đại biểu Lê Văn Duy, phó Trưởng Văn Phòng Cơ quan đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Đà Nẵng, nêu ý kiến: “Qua thảo luận, các ý kiến của cơ quan, chúng tôi đều khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước xã hội là đúng đắn và cần thiết. Về điều 4 thể hiện tư duy đổi mới của của Đảng phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, do đó việc bổ sung điều này các đại biểu cho rằng hoàn toàn cần thiết. Vấn đề đặt ra là cần làm rõ cơ chế như thế nào để nhân dân giám sát các hoạt động lãnh đạo của Đảng và cơ chế nào để Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”

Tại hội nghị, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để đóng góp vào lĩnh vực văn hóa, thể thao./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác