Việt Nam thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu

(VOV5) - Việt Nam đã dần xây dựng, từng bước hoàn thiện và thực hiện hệ thống chính sách, chủ trương, đường lối, chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Ngày 25/12, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức hội nghị giám sát chuyên đề: “Tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên”.

Việt Nam thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu - ảnh 1 Rừng phòng hộ trên cát ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Đánh giá tình hình triển khai thực hiện, kết quả và hiệu quả thực hiện các điều ước quốc tế đa phương và song phương về ứng phó biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Đối với quốc tế, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris, Công ước Viên, Nghị định thư Montreal và các bản sửa đổi có liên quan; tích cực tham gia đàm phán quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm với quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô dôn. Đối với trong nước, Việt Nam đã dần xây dựng, từng bước hoàn thiện và thực hiện hệ thống chính sách, chủ trương, đường lối, chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hà Lan về quản lý nước và thích ứng với biến đổi khí hậu đã thiết lập khuôn khổ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hà Lan trong ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước, mở ra cơ hội trao đổi hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, các viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp hai bên trên nguyên tắc chia sẻ mối quan tâm chung.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện các điều ước quốc tế, các bộ, ngành kiến nghị, cần rà soát, điều chỉnh kịp thời các quy định tại Điều 6 Luật Điều ước quốc tế và áp dụng đầy đủ quy định trong thực tiễn; thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong ứng phó với biến đổi khí hậu của tất cả các cấp, ngành, địa phương, cá nhân trong xã hội. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các cơ chế, chính sách chuẩn bị, huy động nguồn lực, từng bước chủ động thực hiện cam kết với quốc tế cũng như các hành động cấp bách trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam thời gian tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác