Các Ban, ngành, tỉnh, thành phố thực hiện nghị quyết Trung ương 4

(VOV5)- Sáng nay, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo xây dựng đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn tổ chức hội nghị với đại diện lãnh đạo của các bộ, ngành và một số địa phương để lấy ý kiến về dự thảo đề án.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Uông Chu Lưu nêu rõ: Đề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn là đề án rất quan trọng, kịp thời triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Việc xây dựng đề án nhằm tạo điều kiện để Quốc hội, Hội đồng nhân dân thay mặt cử tri và nhân dân giám sát chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa đối với những người giữ các chức vụ do mình bầu ra hoặc phê chuẩn, đặc biệt là những người giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được sử dụng làm căn cứ để Đảng, Nhà nước thực hiện công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ một cách hiệu quả hơn, đúng người, đúng việc hơn. Đồng thời, kịp thời đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước những người không còn tín nhiệm với nhân dân, không hoàn thành nhiệm vụ được giao mà không chờ đến hết nhiệm kì hoặc hết tuổi công tác.


Các Ban, ngành, tỉnh, thành phố thực hiện nghị quyết Trung ương 4 - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội 
Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Đây là công việc rất quan trọng và hệ trọng liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức cán bộ, đòi hỏi phải làm thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, công bằng, công khai, chặt chẽ và thận trọng trên cơ sở quy định của pháp luật và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận, cho ý kiến một cách thẳng thắn, cởi mở, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình về dự thảo đề án này”.


Dự thảo đề án đã được gửi lấy ý kiến các cơ quan như Ban cán sự Đảng, Chính phủ, Ban tổ chức Trung ương, Đảng đoàn Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự Đảng Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, một số bộ ngành, trung ương và các địa phương. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại hội nghị hôm nay, Ban chỉ đạo xây dựng đề án sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. Dự kiến Đề án sẽ được trình Quốc hội tại kì họp thứ 4 tới.


Sáng nay 11/9, Ban Thường vụ Đảng ủy khối cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị kiểm điểm, phê bình và phê bình theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 khóa 11. Mục đích việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong đảng ủy khối các Cơ quan Trung ương lần này nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm túc kiểm điểm phê bình và tự phê bình,  Ban thường vụ Đảng ủy khối sẽ nghiêm túc xem xét bản tự kiểm điểm của từng người trong Ban thường vụ, chỉ rõ những ưu điểm cũng như những hạn chế, khuyết điểm nhằm kịp thời sửa chữa, góp phần xây dựng Đảng ngày một trong sạch vững mạnh.

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc hôm qua cũng tổ chức hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể Ban Thường vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Các Ban, ngành, tỉnh, thành phố thực hiện nghị quyết Trung ương 4 - ảnh 2
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị 

Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc bám sát các nội dung, hướng dẫn của Trung ương, cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết sát hợp với thực tiễn địa phương để tạo được chuyển biến thực chất; tổ chức kiểm điểm thiết thực, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu đề ra, lắng nghe góp ý của các cán bộ lão thành để xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Yêu cầu của kiểm điểm là phải nhận thấy và sửa rõ khuyết điểm và đồng thời quan trọng là giữ gìn sự đoàn kết thống nhất tạo ra phong trào cách mạng ở địa phương, làm gương cho cấp ủy cấp dưới, nâng cao sức chiến đấu của đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc. Kiểm điểm ở đây làm gì? Không phải từ kiểm điểm để tan vỡ phong trào hay mất đoàn kết nội bộ mà phải xây dựng mối đoàn kết thống nhất, nâng cao sức chiến đấu của đảng bộ chúng ta. Chúng ta là nòng cốt cách mạng ở địa phương vì vậy chúng ta phải làm gương để quần chúng, Đảng viên của tỉnh Vĩnh Phúc nhìn vào đây để họ thấy cuộc kiểm điểm này vừa nghiêm túc vừa đứng đắn vừa xây dựng phát triển Đảng chứ không phải là việc kiểm điểm nội bộ. ”

Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai và tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân Ban Thương vụ tỉnh ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)./.

Phản hồi

Các tin/bài khác