Nhân sự Hội nông dân Việt Nam khóa VI cần người có tư duy đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm

(VOV5) - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 2/7, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội nông dân Việt Nam tiến hành các thủ tục bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam khóa VI, giới thiệu nhân sự đại biểu tham gia Ban chấp hành khóa VI và nghe các báo cáo tham luận của một số tỉnh, thành và đại diện các bộ, ngành đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, phương thức hoạt động phong trào nông dân, công tác Hội và công tác cán bộ Hội.


 Nhân sự  Hội nông dân Việt Nam khóa VI cần người có tư duy đổi mới,  dám làm, dám chịu trách nhiệm - ảnh 1
Toàn cảnh Đại hội VI - Hội Nông dân Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội


Theo Đề án của Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2013 – 2018, Đại hội sẽ bầu 122 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam khóa VI. Nhân sự Ban chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam khóa VI phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung theo quy định, đồng thời đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn riêng đối với cán bộ Hội; có kinh nghiệm thực tiễn, năng lực đề xuất chính sách, có phong cách lãnh đạo, năng lực quản lý, khả năng điều hành tốt công việc. Nhân sự Ban chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam khóa VI là người am hiểu và gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn với thực tiễn công tác Hội và tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở địa phương; có đạo đức, tư duy đổi mới, đột phá, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây cũng là mong muốn của các đại biểu, đại diện cho các Hội viên nông dân đến từ các địa phương, gửi đến Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ông Ngô Đăng Chè, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh, Hà Nội, cho rằng: “Cơ cấu lần này chúng tôi mong muốn xây dựng một Ban chấp hành trẻ, năng động, là người tâm huyết với nông dân, thực sự hiểu nông dân để từ đó có trách nhiệm thay mặt cho các hội viên nông dân để kiến nghị với Đảng, Nhà nước những chính sách hợp lý mà nông dân đang cần.”


Với những đại biểu là người dân tộc, đại diện cho tiếng nói của giai cấp nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua những lá phiếu bầu, các đại biểu mong muốn trong nhiệm kỳ mới, ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam sẽ thực sự tham mưu cho Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho nông dân làm giàu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Bà Hoàng Thị Thành, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, cho biết: “Chúng tôi mong muốn Ban chấp hành mới sẽ dành nhiều dự án cho đồng bào dân tộc, cũng như có nguồn vốn để người dân được vay vốn phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là trong công tác xây dựng Nông thôn mới còn nhiều khó khăn vì vậy rất mong được Hội nông dân trung ương quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa.”

Buổi sáng, thay mặt đoàn Chủ tịch Đại hội, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho biết, trong số 125 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI,  Đại hội sẽ bầu ra 122 ủy viên Ban chấp hành, sau đó sẽ bổ sung 3 Ủy viên vào thời gian thích hợp. 100% đại biểu đã nhất trí với danh sách được đề cử và tiến hành bỏ phiếu Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam khóa VI.

Ông Ngô Đăng Chè, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội cho biết: “Tôi đồng tình với đề án về nhân sự, cơ cấu, độ tuổi của các đại biểu trong Ban Chấp hành mới. Tôi mong muốn xây dựng Ban Chấp hành mới trẻ, năng động, thực sự là những người có tâm huyết với nông dân và hiểu biết về nông nghiệp – nông dân – nông thôn để từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ những vấn đề mà hiện nay đang cần”.


Buổi chiều, Đại hội Hội nông dân Việt Nam đã công bố kết quả bầu cử Ban chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2013-2018, 122 đại biểu đã trúng cử.

Ngày mai (3/7), Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI sẽ ra mắt Đại hội. Sau đó, Ban Chấp hành sẽ họp phiên họp thứ nhất, bầu Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác