Bảo vật quốc gia trên đất Hưng Yên

(VOV5) - Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn hay còn gọi là tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2018, lưu giữ tại chùa Mễ Sở, huyện Văn Giang.

Hưng Yên - vùng quê văn hiến, là nơi lưu giữ được nhiều hiện vật, cổ vật có giá trị đặc sắc, trong đó có 6 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đây là những hiện vật gốc, độc bản mang trong mình dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ của từng thời kỳ lịch sử, được tỉnh Hưng Yên tự hào và gìn giữ.

Bảo vật quốc gia trên đất Hưng Yên - ảnh 1Tháp đất nung đền An Xá (niên đại thế kỷ XVI –XVII). Ảnh: Hữu Nghị/ Báo Dân trí
Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Tháng 11/2021, tỉnh Hưng Yên có thêm 01 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, là Tháp đất nung đền An Xá (niên đại thế kỷ XVI –XVII) lưu giữ tại đền An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Như vậy, tính đến nay, Hưng Yên tự hào là địa phương lưu giữ 6 bảo vật quốc gia.

Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn hay còn gọi là tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2018, hiện lưu giữ tại chùa Mễ Sở, xã Mễ Sở (Văn Giang). Pho tượng có niên đại đầu thế kỷ XIX. Với 1.014 tay, mắt được tạo tác rất tinh xảo, đây được xem là pho tượng Phật Quan Âm đẹp nhất trong lịch sử mỹ thuật phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XIX, mà đến nay chưa có pho tượng nào thuộc thời kỳ này có thể so sánh được.

Nếu như xã Mễ Sở, huyện Văn Giang tự hào lưu giữ báu vật Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, thì xã Minh Hải, huyện Văn Lâm lại càng tự hào hơn khi lưu giữ 2 trong số 6 bảo vật quốc gia. Đó là tượng sư tử đá hay còn gọi là Ông Sấm và Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng, đều có niên đại vào cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII. Tượng sư tử đá được tạo tác từ đá xanh và đá sa thạch. Đây là tác phẩm điêu khắc tiêu biểu minh chứng về sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý trong tiến trình lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Ông Hoàng Hữu Nam, Trưởng phòng văn hóa – thông tin huyện Văn Lâm, cho biết: “Cho đến nay thì đây là một trong ba bức tượng còn lại ở thời Lý đến giờ còn lưu giữ trên toàn quốc. Điều này khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cha ông ta từ trước dưới các triều đại phong kiến”.

Bảo vật quốc gia trên đất Hưng Yên - ảnh 2Tượng sư tử đá chùa Hương Lãng. Ảnh: Báo Hưng Yên

Với những giá trị đặc sắc về nghệ thuật, văn hóa, năm 2020 tượng sư tử đá chùa Hương Lãng được công nhận là Bảo vật quốc gia. Giáo sư Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Việt Nam, nhận định: “Những dấu tích văn hóa thời Lý có lẽ ở chùa Hương Lãng tập trung nhiều nhất. Ở đây có những con lân, phượng đề cao ý nghĩa triết học phật giáo rất cao. Đây là đất Phật bởi có một pho tượng đá ngồi trên đài sen do con sư tử đội, là bức tượng lớn nhất cả nước”.

Cùng được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2020, Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng bao gồm 10 con sấu đá được chạm khắc ở mức tinh xảo nằm trên bậc thềm lên xuống ở tòa tiền đường. Những tượng sấu đá này đã làm cho hình dáng kiến trúc thêm phần đa dạng, tôn giá trị kiến trúc lên rất nhiều. Ông Hoàng Hữu Nam, Trưởng phòng văn hóa – thông tin huyện Văn Lâm, khẳng định: “Nghệ nhân thời Lý đã gửi gắm tất cả những nét tinh hoa nhất của văn hóa thời đó vào trong những tác phẩm này. Theo các nhà khảo cổ thì đây là những tác phẩm giá trị không chỉ hiện hữu về vật chất mà còn mang lại những giá trị tinh thần”.

Một chứng tích nữa cho nghệ thuật điêu khắc đá thủ công truyền thống thời Lý, sự phát triển của Phật giáo Việt Nam thời Lý lưu giữ tại Hưng Yên là tấm bia đặt ở chùa Cảnh Lâm, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ. Bia gồm 2 mặt, còn nguyên dạng về hình dáng, kích thước, mặt trước chạm đôi chim phượng chầu vào hàng chữ “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh”, với nội dung văn bia khắc ghi khá chi tiết về bình đồ, kết cấu kiến trúc và cách bài trí tượng Phật tại chùa. Ngoài ra bộ sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ được phát hiện tại thôn Cộng Vũ, xã Vũ Xá, huyện Kim Động vào năm 1965, niên đại thế kỷ XI – XII, cũng là bảo vật quốc gia có giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo hiện được lưu giữ tại Kho bạc nhà nước tỉnh Hưng Yên.

Trên mảnh đất Hưng Yên giàu di tích lịch sử văn hóa còn có một ngôi đền cổ duy nhất có quy mô hoàn chỉnh còn sót lại của một công trình kiến trúc mang yếu tố văn hóa Đạo giáo trên cả nước. Đó là đền An Xá, tọa lạc tại xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây bảo tồn và gìn giữ Tòa tháp đất nung độc đáo nhất trong số tháp đất nung và tháp đá tương tự ở khu vực phía bắc Việt Nam. Tháp gồm 12 tầng và đỉnh tháp, được coi là nơi giao hòa giữa trời và đất, là con đường thăng thiên giáng trần của Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị thần tiên. Về giá trị đặc sắc của tháp, Giáo sư Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Việt Nam, cho biết: “Tháp này còn giữ lại rất nhiều hình hoa văn, trang trí không chỉ để làm đẹp cho tháp mà còn thể hiện tâm hồn người Việt, ước vọng của con người qua tháp mà gửi lên đấng tối cao, hãy vì con người mà ban phát ân huệ”.

Với giá trị đặc biệt này, tháng 12/2021, tháp đất nung đền An Xá chính thức được công nhận bảo vật quốc gia. Di tích này, theo hồ sơ bảo vật quốc gia khẳng định, là một hiện tượng văn hóa độc đáo trong lịch sử quán đạo ở Việt Nam. Nó minh chứng cụ thể sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa Đạo giáo và Phật giáo ở Việt Nam.

Có thể thấy, những bảo vật quốc gia không chỉ là niềm tự hào của Hưng Yên mà còn khẳng định những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc của vùng quê văn hiến. Đây cũng là những hiện vật quý để thế hệ sau hiểu rõ hơn về những giai đoạn phát triển rực rỡ của đất nước trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác