Chợ phiên cổ xưa dưới chân núi Hoàng Liên Sơn

(VOV5) - Chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi sản vật của bà con các dân tộc trong vùng mà còn là địa điểm để bà con gặp gỡ, giao lưu và trao gửi tâm tình.

Cũng có người mua, người bán, với đầy đủ các mặt hàng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, nhưng chợ phiên Tam Đường đất dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, thuộc xã San Thàng, thành phố Lai Châu lại có những nét đặc trưng riêng của một chợ phiên vùng cao. Dù là người kinh, người Dao, người Mông hay người Thái... tất cả họ về đây trong mỗi dịp chợ phiên chỉ để vui chơi và gặp gỡ bạn bè, hàn huyên dăm ba câu chuyện cho đỡ nhớ rồi ra về và lại mong ngóng chợ phiên sau.

Chợ phiên cổ xưa dưới chân núi Hoàng Liên Sơn - ảnh 1

Chợ phiên Sang Thàng là nơi giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hóa của đồng bào các dân tộc trong vùng

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nằm nép mình dưới chân núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, địa danh chợ Tam Đường đất nhiều năm nay là điểm trung tâm mua bán, vui chơi của người dân trong vùng thuộc các huyện Phong Thổ, Tam Đường và thành phố Lai Châu. Cứ vào ngày thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, chợ phiên Tam Đường đất lại đông đúc người chen chân, nhưng đông vui hơn cả vẫn là chợ phiên vào ngày chủ nhật. Đồng bào các dân tộc trong vùng về đây trong mỗi dịp chợ phiên chỉ để mua bán, trao đổi vài ba thứ sản vật ở địa phương, đồ dùng sản xuất và gặp gỡ bạn bè...

Cùng với quá trình đô thị hóa, chợ Tam Đường đất mấy năm gần đây đã được đầu tư xây dựng quy mô hơn để phục vụ việc mua bán, vui chơi của bà con trong vùng. Người mới đến thì gọi là chợ San Thàng theo địa danh xã, còn người cũ vẫn thường gọi cái tên thân quen Tam Đường đất. Dù có gọi tên gì thì chợ phiên này vẫn còn lưu giữ được những nét đặc trưng nguyên thủy của phiên chợ vùng cao Tây Bắc.

Chợ phiên cổ xưa dưới chân núi Hoàng Liên Sơn - ảnh 2

Chợ chủ yếu được bà con mua bán, trao đổi các sản vật từ rừng và tự mình làm ra

Anh Nguyễn Tùng Hải, một người dân đến từ thành phố Lai Châu có mặt tại chợ phiên Tam Đường đất ngày chủ nhật cho biết: Giờ đây chợ Tam Đường đất là điểm đến của tôi mỗi dịp cuối tuần. Tôi cũng như nhiều người tranh thủ ngày nghỉ để về đây mua bán chút đồ mình yêu thích. Mua bán thì cũng chỉ là phụ thôi mà chủ yếu là cả nhà được đi chơi chợ sau một tuần làm việc mệt nhọc. Mỗi khi có người thân từ xôi lên tôi đều đưa về đây để chơi chợ phiên. Giờ thì không chỉ người lớn mà ngay cả bọn trẻ cũng thích đi chơi chợ mỗi kỳ chợ phiên.

Đến chợ phiên Tam Đường đất hôm nay, vẫn có đầy đủ những nét đặc trưng của một chợ phiên vùng cao. Các mặt hàng chủ yếu vẫn là các sản vật từ rừng hay do chính bàn tay cần cù lao động của đồng bào trong vùng sản xuất ra. Không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ phiên Tam Đường đất ngày nay còn hội đủ các nét văn hóa đặc trưng của cư dân các dân tộc bản địa. Từ trang phục truyền thống, các đồ dùng sinh hoạt hay những hiện vật văn hóa như khèn, sáo, tiêu được làm công phu cũng được bà con bày bán và trở thành nơi tham quan, khám phá của du khách thập phương.

Chợ phiên cổ xưa dưới chân núi Hoàng Liên Sơn - ảnh 3

Bà con còn đến chợ phiên để mua bán các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như cuộn chỉ, cái kim...

Anh Trần Văn Tuấn, một du khách đến từ tỉnh Yên Bái chia sẻ: "Dù là người vùng cao nhưng tôi thực sự ấn tượng với chợ phiên San Thàng. Đây là lần đầu tiên tôi đến Lai Châu và được khám phá một chợ phiên đặc sắc như vậy. Đồng bào ở đây dù không phải cùng dân tộc nhưng họ đều rất thân thiện, dễ gần. Việc mua bán ở đây đa phần là các mặt hàng nông sản do bà con làm ra, nhưng giá cả cũng hợp lý và chúng tôi cũng mua được nhiều".

Họp trên một khoảng đất khá rộng ngay bên suối San Thàng và gần bản văn hóa San Thàng I, chợ phiên Tam Đường đất họp phiên chính vào chủ nhật hàng tuần. Chợ có tự bao giờ không ai nhớ được, nhưng với người vùng núi Hoàng Liên Sơn, chợ phiên này quan trọng lắm, vì là chợ phiên lớn nhất của tỉnh Lai Châu. Chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi sản vật của bà con các dân tộc Dao, Mông, Thái, Giáy, Lự... trong vùng mà còn là địa điểm để bà con gặp gỡ, giao lưu và trao gửi tâm tình.

Chợ phiên cổ xưa dưới chân núi Hoàng Liên Sơn - ảnh 4

Thiếu phụ dân tộc Dao tìm người thân tại chợ phiên Tam Đường đất (San Thàng)

Ông Hoàng Chí Tình, Chủ tịch UBND xã San Thàng cho biết: Thời Pháp thuộc, khi chưa có đài, tivi, điện thoại, phiên chợ này là điểm đến quan trọng của người dân trong vùng, gồm tỉnh Lai Châu và Lào Cai ngày nay.  Bà con về đây để trao đổi thông tin, gặp gỡ người thân, họ hàng ở các xã, các bản sau nhiều ngày xa cách. Người trẻ đến chợ để tìm bạn, kết bạn, vì trai gái nơi này tìm bạn tình chủ yếu qua chợ phiên. Người già đến chợ phiên còn để tìm bạn cũ, vì đây cũng là nơi gần như duy nhất, có thể hy vọng, tìm lại một nửa của ngày xưa lỗi hẹn. Từ những nét đặc trưng cổ xưa này, xã đã chọn chợ là điểm đến khám phá và để thu hút du khách từ đây trước khi đến với các bản làng.

Chợ phiên cổ xưa dưới chân núi Hoàng Liên Sơn - ảnh 5

...và trao đổi, tâm tình sau nhiều ngày xa cách

Ông Hoàng Chí Tình cho biết: "Việc xây dựng, mở rộng, nâng cấp chợ San Thàng, mục tiêu là tạo mối liên hệ, giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa người dân các vùng và giữa các vùng với các trung tâm đô thị. Đồng thời, chợ là nơi giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, thúc đẩy xây dựng bản du lịch văn hóa San Thàng I. Ngoài ra, chợ San Thàng cũng nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cư dân nơi đây, góp phần để du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan".

Chợ Tam Đường đất ngày xưa hay chợ San Thàng ngày nay dù có sự thay đổi, nhưng vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng của một chợ phiên vùng cao. Ở chợ San Thàng bây giờ, vẫn còn có những người già đến chợ, không mua bán gì, lặng lẽ đi khắp chợ, gặp ai cũng nhìn, như tìm ai đó, rồi lại lặng lẽ về lúc xế chiều chợ tan. Dẫu cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng với những người dân của tỉnh cực bắc Lai Châu, phiên chợ này vẫn mãi là ngày hội, tuần có một lần.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác