Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ký ức những người Nga

(VOV5) - Đây là những tư liệu quý báu ghi lại những ấn tượng sâu đậm và chân thực nhất của những người Nga về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cách đây một năm, Chủ tịch Hội Hữu nghị Liên bang Nga – Việt Nam, Giáo sư Tiến sĩ V.P. Buianov đã cho phép và đề nghị Nhà xuất bản Truyền thông và Thông tin tổ chức dịch và xuất bản bằng tiếng Việt tập hồi ký “Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh” do ông làm Tổng chủ biên.

Trong những ngày đầu tháng Năm, nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn sách kịp thời ra mắt bạn đọc do hai dịch giả Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Văn Minh dịch và Nguyễn Xuân Hòa hiệu đính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ký ức những người Nga - ảnh 1

Tác phẩm đặc biệt này bao gồm 17 hồi ký của các tướng lĩnh, những nhà hoạt động cách mạng, những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của nước Nga, những người đã từng được làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của Người.

Trong cuộc đời của mỗi người, có biết bao nhiêu kỷ niệm đi cùng năm tháng, có những kỷ niệm lãng quên, lặng lẽ bị xóa nhòa trong bộn bề công việc, nhưng có những ký ức, bất chấp tuổi tác, bất chấp những thử thách của thời gian, càng lùi xa thì càng rõ nét. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người Nga đã từng được tiếp xúc với Người có lẽ cũng như vậy.

Trong số các tác giả, có những người chỉ mới được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi một lần như nhà thơ Nga nổi tiếng Oxip Mandelstam; có người từng làm phiên dịch cho Người như Evghenhi Kobelev, Evghenhi Glazunov; những người từng làm việc với Người như nhà đạo diễn Roman Karmen; hoặc những người là thượng khách của Việt Nam như anh hùng vũ trụ Gherman Titov… Các câu chuyện đã kể lại, đã tái hiện trên từng trang sách những khoảnh khắc hiếm hoi mà không dễ một ai có được, bằng sự kính yêu và trân trọng nhất.

Đây là những tư liệu rất quý báu ghi lại những ấn tượng sâu đậm và chân thực nhất của những người Nga về Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi Người còn là một nhà hoạt động bí mật, đến lúc trở thành vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam.

Điểm trùng hợp trong câu chuyện của các tác giả, những người đã trực tiếp được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, hồi tưởng về Người, là những ấn tượng sâu đậm về sự giản dị, chân thành và chu đáo của một bậc chân nhân; sự minh triết của một trí thức lớn và một tâm hồn cao đẹp kết tinh từ những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Tác phẩm đã ghi lại những hồi ức cảm động nhất, không cường điệu, không tô vẽ, tạo nên một bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nhiều góc độ khác nhau, qua từng thời điểm và các cảnh huống khác nhau. Sự hấp dẫn, sức lôi cuốn và khả năng cảm hóa của Người ngoài phong độ ung dung, mực thước, sự tinh tế như một nhà ngoại giao; còn ở chỗ, là một trí tuệ mẫn tiệp, uyên bác, sâu sắc và từng trải.

Các tác giả người Nga vốn là những học giả có uy tín, có những cương vị lớn trong xã hội Nga như Grigori Belov, Trưởng đoàn chuyên gia Quân sự Liên Xô; Vitali Tsarenko, Cán bộ Ban Đối ngoại Liên Xô; Giáo sư Tiến sĩ Nikulin, nhà nghiên cứu Đông phương học… và những nhà ngoại giao khác, do điều kiện công tác, họ đã từng đi nhiều nước, được tiếp xúc với bao người nổi tiếng trên thế giới, nhưng đối với họ, được gặp gỡ với Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh là một ân huệ, một niềm vui lớn nhất không thể nào quên được trong đời. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga Rasit Khamidulin coi niềm tự hào và hạnh phúc nhất trong nhiệm kỳ công tác của mình tại Việt Nam, ngoài các thành công trong công việc, đó là việc được thường xuyên gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người gọi là “cháu”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ký ức những người Nga - ảnh 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong con mắt của các tác giả Nga, như một ngôi sao “càng nhìn càng thấy sáng”, là con người mà tầm ảnh hưởng không chỉ riêng đối với quá khứ, hiện tại và còn cả mai sau, như nhà thơ nổi tiếng Oxip Mandelstam viết: “Ở Người mang hơi thở của một thứ văn hóa khác, không phải văn hóa châu Âu, mà có thể là văn hóa của tương lai”

Các tác giả trong tập hồi ký quý báu này là những người gắn bó với nhân dân việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ và trong công cuộc kiến quốc các thời kỳ. Đó là Giáo sư Tiến sĩ E. Buianov, từng là Phó đoàn Thanh tra và Bí thư Đảng ủy Đoàn Công tác Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại; Thiếu tướng Grigori Belov đã góp phần đào tạo nhiều sĩ quan tên lửa phòng không Việt Nam; Nhà thơ Antokolxki là người dịch tập “Nhật ký trong tù” ra tiếng Nga; Giáo sư Tiến sĩ N. Nikulin là chuyên gia hàng đầu về Văn học Việt Nam…

Qua những hồi ức quý báu của họ, bộc lộ tình cảm sâu nặng chung của nhân dân Nga đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với nhân dân Việt Nam.

Các tác giả trong tập hồi ký đều nhận ra rằng, trong thẳm sâu trái tim mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mang nặng hình ảnh của nước Nga. Người gặp các bạn Nga giống như gặp những người thân thuộc; Người sử dụng thành thạo ngôn ngữ Nga, hiểu biết phong tục tập quán Nga. Có cảm tưởng rằng, văn hóa Nga đã thấm đẫm trong tâm hồn Người.

Gần một thế kỷ trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân lên đất nước Liên Xô vĩ đại, nhân dân Nga đã dành cho nhân dân Việt Nam một sự giúp đỡ lớn lao, chia sẻ với nhân dân Việt Nam trong mọi hoàn cảnh khó khăn và luôn gắn bó với nhau qua các bước ngoặt của lịch sử.

Nhân dân Việt Nam luôn giữ một tình cảm thủy chung với nhân dân Nga, luôn dành cho nhân dân Nga và nước Nga một sự biết ơn và quý trọng.

Tập hồi ký “Những người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh” là một món quà quý báu nhân dịp nhân dân Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người. Thông qua cách nhìn và tình cảm của các tác giả Nga, những hồi ức sinh động này sẽ giúp cho bạn đọc Việt Nam hiểu biết hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Ông Yuri Luzhkov, nguyên Thị trưởng Thành phố Matxcơva đã nhận xét một cách đầy ý nghĩa: “Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng được xếp vào những nhà hoạt động chính trị kiệt xuất của thế kỷ XX… Trong những trang ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên rõ nét toàn bộ lịch sử quan hệ hai nước và những tình cảm tôn kính sâu sắc và lòng biết ơn lãnh tụ Việt Nam đối với đất nước chúng ta”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác