Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(VOV5) - Vào lúc 17h10 ngày 27/11 giờ Paris (tức 23h10 cùng ngày giờ Hà Nội), dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tổ chức.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - ảnh 1

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên phát biểu về quyết định của Ủy ban Liên chính phủ

Phát biểu nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho rằng đây là một quyết định có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam khi một loại hình dân ca được thực hành ở các làng quê hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của người dân như làm ruộng, làm nón, chèo thuyền, kéo lưới, ru con… được UNESCO vinh danh.Thứ trưởng khẳng định Việt Nam nhận thức rõ rằng từ nay dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã trở thành tài sản văn hoá của nhân loại, Việt Nam cam kết thực hiện chương trình hành động nhằm bảo tồn sức sống của loại hình dân ca này và triển khai những chính sách nhằm tôn vinh các nghệ nhân để thực hành, trao truyền và giáo dục thế hệ trẻ, sao cho di sản mãi trường tồn, xứng đáng là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. 


Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - ảnh 2

Giáo sư Trần Quang Hải

Việc UNESCO vinh danh Dân ca Ví, Giặm là niềm tự hào khôn xiết đối với những kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài. Giáo sư Trần Quang Hải, chuyên gia về âm nhạc truyền thống Việt Nam, người đã sát cánh cùng các cơ quan của Việt Nam trong việc xây dựng và đệ trình hồ sơ Dân ca Ví, Giặm, xúc động cho biết: Tôi rất sung sướng khi UNESCO công nhận thêm một loại hình âm nhạc của Việt na là di sản của nhân loại. Đây là niềm vinh dự và tự hào của dân tộc Việt nam, chúng ta có được một loại hình được UNESCO công nhận. Lời hát bộc lộ được những thể thiên phú của Việt nam là lục bát, song thất lục bát, hay ngụ ngôn. Hát Ví, hát vói, hát với, vừa hát vừa Giặm, có nhiều tiết tấu, thoát ra một cấu trúc thể hiện sự phong phú dựa trên những thang âm ngũ cung, tức cung rất đặc biệt của âm nhạc truyền thống của Việt nam.

Theo nhiều chuyên gia về di sản, dân ca Ví Giặm có sức sống mãnh liệt và là niềm tự hào của từng người dân xứ Nghệ, ca từ của dân ca Ví Giặm cũng đời thường và dung dị, do đó, công tác bảo tồn sẽ không gặp nhiều thách thức như các loại hình nghệ thuật đài các và đòi hỏi sự tinh tế và cầu kỳ trong biểu diễn.

Thùy Vân, phóng viên Đài TNVN tại Pháp

Phản hồi

Các tin/bài khác