Di sản văn hóa gắn kết cộng đồng dân tộc

(VOV5) - Không chỉ mang ý nghĩa truyền thống, các di sản còn góp phần gắn kết cộng đồng dân tộc. 

Di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, văn hóa Cồng chiêng hay một số lễ hội…có những giá trị trường tồn.  Không chỉ mang ý nghĩa truyền thống, các di sản còn góp phần gắn kết cộng đồng dân tộc.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Có tới những di tích lịch sử, di sản văn hóa suốt từ Bắc vào Nam nhân những ngày hè hay dịp lễ hội, mới thấy du khách từ các nơi đổ về rất đông. Họ đến để du lịch, để khám phá các di sản văn hóa mang đậm những  nét  đặc trưng vùng miền, để tìm hiểu những công trình đó có giá trị như thế nào đối với mỗi một địa phương, một dân tộc. Bạn Nguyễn Xuân Huy, chia sẻ những cảm nhận của mình trong một lần tới thăm Công viên Đồng Xanh, ở tỉnh Gia Lai như sau:Em tới đây  xem tượng 18 vị vua Hùng, vườn cây, suối, ở đây có đủ cả cồng chiêng, đặc trưng văn hóa dân tộc. Có cả nhà rông, đặc trưng văn hóa ở Kon Tum,  Gia Lai. Khách đến mùa này đông, nhất là có lễ hội hát dân tộc.

Di sản văn hóa gắn kết cộng đồng dân tộc - ảnh 1 Khu công viên Đồng Xanh, tỉnh Gia Lai. Ảnh: 

Du khách đến để tham quan,  tìm hiểu, còn người dân địa phương, nơi có di tích, di sản văn hóa cũng tự hào vì mảnh đất quê hương mình. Họ sẵn sàng trở thành những hướng dẫn viên, những người giải đáp thông tin cho du khách khi cần. Và đây là điều cần thiết để tạo ra sự kết nối trong cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Ba, một cư dân sống ở khu vực có nhà thờ gỗ Kon Tum, một di tích cổ chia sẻ:Hầu như người ta đến đây người ta tìm hiểu được lịch sử nhà thờ này như thế nào, họ thấy nhà này cổ, mát mẻ. Mình tự hào vì dất ông cha mình, kiến trúc đẹp. Biết có khách ở Hà Nội vào. Vui mừng vì được tiếp xúc với nhiều người. Ai cần hỏi thì trả lời…

Những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và thiên nhiên đã được UNESCO xếp hạng và tôn vinh như Vịnh Hạ Long của Quảng Ninh, động Thiên Đường ở Quảng Bình, Khu Hoàng thành Thăng Long ở Hà Nội, Cồng chiêng Tây Nguyên…. ; cùng rất nhiều các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản càng khẳng định được giá trị truyền thống, giá trị dân tộc. Số lượng du khách trong nước và từ nước ngoài trở về tới những địa điểm này ngày càng đông hàng năm chứng tỏ, mỗi người con Việt cho dù ở bất kỳ đâu vẫn luôn mong muốn được hướng về nguồn cội, trân trọng những giá trị lịch sử của quê hương mình. Đó cũng là lý do để các di sản văn hóa, di tích lịch sử đang hàng ngày, hàng giờ được quan tâm bảo tồn và phát triển, góp phần lưu giữ những giá trị vốn có và phù hợp với xu thế hiện nay, đúng như ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc:Tôi nghĩ rằng việc lâu nay chúng ta được UNESCO công nhận những giá trị di sản, kể cả di sản phi vật thể là bằng chứng cho thấy chúng ta tự tin về di sản của dân tộc. Đó là tài sản của nhiều thế hệ tích hợp lại trao truyền cho chúng ta. Vấn đề còn lại là đi vào đời sống hiện đại không đánh mất đi được giá trị nguyên bản, nhưng phải phù hợp với đời sống hiện đại..Đó là bài toán về văn hóa nhà nước phải quan tâm, các giới nghiên cứu phải quan tâm chứ không phải chỉ để tự phát trong cuộc sống

Di sản văn hóa gắn kết cộng đồng dân tộc - ảnh 2Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Ảnh: unescovietnam.vn

Góp phần bảo tồn và gìn giữ các di sản văn hóa là việc cần phải làm thường xuyên, nhất là truyền lại, nhắc nhở cho các thế hệ sau hiểu được về giá trị của mỗi di sản. Khu di tích lịch sử Đền Hùng vào mùa lễ hội hàng năm, ngày càng đông du khách từ các nơi, kể cả kiều bào trở về, trong đó có rất nhiều các bạn trẻ. Và mới  nhất, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được tổ chức trên toàn cầu đã khẳng định được giá trị cội nguồn, giá trị di sản đang ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tăng cường tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa ( thuộc Bộ văn hóa thể thao và du lịch) nhấn mạnh về giá trị di sản khi nhắc tới tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như sau:Tôi nghĩ rằng có tác dụng nhất định, vì ví dụ, một gia đình ở nước ngoài, nhưng thế hệ ông bà bố mẹ có hoạt động thì chắc chắn sẽ truyền lại cho họ. Sự tham gia của các cơ quan trong nước sẽ tạo ra sự cấu kết cộng đồng rất lớn, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Di sản văn hóa gắn kết cộng đồng dân tộc - ảnh 3 Động Thiên Đường được đánh giá là động khô dài nhất Châu Á. Ảnh: dongthienduong.com

Sức mạnh của di sản văn hóa và di tích không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa dân tộc mà đó chính là sức mạnh gắn kết cộng đồng, kết nối những người con  Việt từ khắp nơi trở về. Những câu ca dao của người dân ca ngợi về danh lam thắng cảnh của đất nước như: Bình Định có núi Vọng Phu/có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh hay Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba… như như mời gọi, như nhắc nhở mỗi con người luôn nhớ để hướng về cội nguồn.

Phản hồi

Các tin/bài khác