Lê Minh Hà ê a về giáo dục

(VOV5) - Trong những trang viết của Lê Minh Hà, độc giả gặp lại một Hà Nội với vẻ đẹp mộc mạc của những ngày xưa chưa xa.

Sau “Phố vẫn gió”, “Còn nhớ nhau không”, “Những gặp gỡ không ngờ”, “Thương thế ngày xưa” … tiếp tục mạch hoài niệm, nhà văn người Việt tại Đức Lê Minh Hà lại dẫn dụ người đọc theo dòng kí ức của mình trở lại những ngày xưa chưa xa với chuyện trường chuyện lớp.

Buổi nói chuyện diễn ra vào 9:30, thứ Bảy, 14.7.2018, tại Salon văn hóa Café Thứ Bảy, 3A Ngô Quyền, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lê Minh Hà ê a về giáo dục - ảnh 1

Từ tuổi thơ sơ tán ở vùng quê nghèo ven sông Đáy, gặp người thầy đầu tiên, đi qua những ngày tháng trên ghế nhà trường nhiều nỗi chênh vênh, những năm tháng tuổi trẻ nhiều nốt trầm thời bao cấp, rồi khi đã trở thành một người thầy với bao trăn trở về nghề.

Bằng những trang viết chân thực, giàu cảm xúc, “chan chứa nỗi niềm với người, với đất”, Lê Minh Hà cuốn người đọc vào những kỉ niệm tuổi thơ, tuổi trẻ của mình, những câu chuyện “bập bênh giữa buồn giữa vui, giữa khổ và sướng, giữa không thích và thích” của nghề giáo.

Lê Minh Hà ê a về giáo dục - ảnh 2

Trong những trang viết của Lê Minh Hà, độc giả gặp lại một Hà Nội với vẻ đẹp mộc mạc của những ngày xưa chưa xa với những chuyến tàu điện leng keng, những món quà vặt của học trò thời thiếu thốn, những ngôi nhà, góc phố, những mặt người giờ đã thành quá vãng.

Bước vào nghề giáo như một cái duyên bất định, Lê Minh Hà coi trọng nghề, tận tâm tận hiến với mong mỏi dạy học trò “cách khát khao vượt ra ngoài giới hạn của những trang sách”, “khiến học sinh tự tin, dám ao ước một cái gì trước đó tưởng chừng quá phận”, nhưng Lê Minh Hà biết cách tách mình ra khỏi những quan niệm cố hữu, không chìm đắm trong “ảo tưởng về cái danh làm thầy”.

Lê Minh Hà ê a về giáo dục - ảnh 3

Trong buổi giao lưu “Lê Minh Hà ê a về giáo dục”, độc giả sẽ được gặp gỡ các vị khách mời, cùng trao đổi, chia sẻ những góc nhìn của họ về tác phẩm mới nhất của nhà văn Lê Minh Hà, về những trăn trở, nỗi niềm của một người tâm huyết với giáo dục.

Chương trình có sự tham gia của nhà văn Lê Minh Hà, nhà văn Thuận, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn, tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Diệu Linh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác