Người Khơ Mú ở Mường Phăng, Điện Biên đón Tết

Với người Khơ Mú, tTt Nguyên đán là lễ lớn thứ hai trong năm, chỉ sau tết lúa mới, bởi vậy mọi thứ đều được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Trước tiên, phải chuẩn bị rượu cần để mời khách quý đến nhà chơi. Thường mỗi nhà có đến ba, bốn chum rượu cần để dùng trong dịp này. Thứ không thể thiếu trong tết của người Khơ Mú là con gà trống, không có gà là không làm được tết. Dù nghèo khó nhưng gia đình nào cũng cố sắm sửa để có một cái Tết ấm lòng.

 

Tục đón tết của người Khơ Mú ở xã Mường Phăng, tỉnh Điện Biên  khá độc đáo và đặc sắc. Theo tập quán, đêm 30 tết, sau giao thừa, nhà nào cũng mổ một con gà trống thiến để xem chân gà dự đoán những điều may rủi cho năm mới của gia đình. Những người cao tuổi nhất trong nhà sẽ đảm nhiệm việc thăm chân gà với những nguyên tắc xem chân gà truyền thống, xem để cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc.  Còn tiết của con gà trống dâng lên tổ tiên được xem như báu vật và cất giữ cẩn thận. Ngày đầu tiên trong năm mới, chủ nhà sẽ dùng chính tiết của con gà này bôi lên đùi để giải xui trừ rủi ro, cầu mong cái mới, khỏe mạnh bình an và may mắn đến với tất cả các thành viên trong gia đình. Mỗi khi có người đến chúc tết gia đình, người chủ gia đình vạch thêm một vạch tiết gà lên đùi của mình, càng nhiều vạch tiết thì năm đó cả gia đình càng gặp nhiều may mắn, thịnh vượng.

 Người Khơ Mú ở Mường Phăng, Điện Biên đón Tết - ảnh 1
Điệu múa Tẹ cạ grang vui ngày mùa của người Khơ mú - Nguồn: Báo Yên Bái

Cái cách chúc tết nhau của người Khơ mú cũng độc đáo. Trong mấy ngày tết tiếng hát của người dân Khơ mú vang lên khắp bản. Những lời ca tiếng hát chúc mừng nhau năm mới nhiều niềm vui, sức khỏe, mùa màng tốt tươi. Tiếng hát đối đáp giữa người nam và người nữ dường như không có hồi kết, bởi trong không khí của năm mới ai cũng muốn được nói nhiều điều hay với nhau. Ông Quàng Văn Muôn, bí thư bản Ten, cho biết dù cuộc sống hàng ngày còn khó khăn nhưng tết đến bà con vui vẻ lắm. Ngày tết người Khơ Mú cũng có nhiều điều kiêng kị và họ tôn trọng những điều đó. “Ngày 30 Tết ai ở nhà người đó đón tết. Sáng mùng một bà con sắp xếp đi các nhà. Nhà chưa đến thì hôm sau lại đến. mặc dù không có gì nhưng cũng vui với nhau. Ngày vui cùng nhau đoàn kết. Tập trung hát hò, trò chuyện, vui vẻ, trai gái thì tỏ tình.”

 

Ngày mùng một, người trong gia đình đến thăm nhau. Con cái đến chúc tết ông bà, bố mẹ rồi quây quần bên mâm cơm. Ngày đầu tiên của năm mới là ngày của gia đình. Từ ngày mùng 2 trở đi, cả đội văn nghệ của bản cùng bà con lần lượt đến từng nhà chúc tết. Nhà nào cũng được hát tặng chúc mừng năm mới.

 

 Chị Lù Thị Nên vừa hát chúc gia chủ năm mới sức khỏe, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ. Tiếng hát vừa dứt, gia chủ trân trọng mời người hát chén rượu nồng. Chị Nên bảo: “Bao mệt mỏi của ngày thường dường như tan biến. Mọi người quây quần, vui vẻ, hát hỏ, vui lắm. Ngày tết hát nhiều nhưng không thấy mệt. Hát để hạnh phúc, hát để quây quần mà toàn hát những bài vui thôi.”

 

Chị Lường Thị Phượng, gia chủ vừa được nhận những bài hát chúc mừng của bà con dân bản tươi cười cho biết tục của người Khơ mú là vậy đó. Lúc này mọi người  như hòa vào điệu nhạc, say sưa quên cả thời gian. “Niềm vui của chủ nhà là được nhận những lời chúc bằng chính lời ca tiếng hát của dân bản. Lời ca tiếng hát chính là động lực để người dân nơi đây phấn khởi, tiếp tục hăng say lao động trong năm mới. Chỉ có chén rượu thôi nhưng ai cũng thấy vui.”

 

Cuộc vui này được đem tới tất cả người dân trong bản. Hôm nay chưa hết ngày mai họ lại tiếp tục ca hát, chúc tết nhau. Khi tiếng hát cất lên ở nhà cuối cũng trong bản cùng là lúc gà đã lên chuồng. Chị Lường Thị Nún bảo năm nào cũng vậy chỉ riêng việc chúc tết các nhà trong bản cũng phải mất hai ngày: “Hai ngày chúng tôi hát khan hết cả giọng nhưng chẳng ai muốn chia tay. Mọi người ngày nào cũng gặp nhau nhưng những cuộc gặp trong ngày xuân không khí khác hẳn, đầm ấm, tình nghĩa hơn. Ngoài những lời ca tiếng hát, mọi người còn chia sẻ với nhau về cuộc sống.”

 

Khi thủ tục chúc tết đã xong, những ngày còn lại là ngày hội của cả bản làng. Mọi người trong bản tập trung về khu đất rộng cùng nhau uống rượu, múa hát chúc mừng năm mới: “Tiếng hát, tiềng cồng chiêng, rộn cả một khoảng không khiến cho những nụ đào cũng phải bung nở sắc đỏ hòa cùng niềm vui với con người. Trong cái lạnh tê tái của mùa đông, vậy mà những chàng trai cô gái, khuôn mặt bừng sắc hồng như xua tan đi cái giá lạnh. Trong bộ quần áo truyền thống, nhiều sắc màu, những cô gái nhún nhẩy nhịp nhàng, từng động tác lắc hông khỏe mạnh tượng trưng cho sức sống căng tràn của thiếu nữ miền sơn cước.”

 

Hát, múa các điệu truyền thống, chơi các trò chơi dân gian, tổ chức các hội xèo như tiếp thêm sức lực để bà con chuẩn bị bước vào một mùa rẫy mới. Niềm vui năm mới của người Khơ mú được kéo dài cho tới rằm tháng riêng. Ngày này, các gia đình trong bản tổ chức làm lễ tiễn ông bà tổ tiên, từ hôm sau mọi người bắt đầu các công việc thường ngày và tâm niệm năm mới mùa màng bội thu./.

Lan Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác