Nhớ anh Lê Văn Nghĩa - anh Hai Cù Nèo

(VOV5) - Tối 25-7, một cựu tổng biên tập nhắn cho tôi 'Anh Lê Văn Nghĩa mất rồi'. Tôi bần thần, ân hận vì dịch COVID-19 nên chưa kịp tới thăm anh.

Anh Lê Văn Nghĩa là lớp nhà báo đàn anh, một trong những nhà báo đầu tiên xây dựng tờ Tuổi Trẻ và đặc biệt với ấn phẩm Tuổi Trẻ Cười, nhiều độc giả biết đến anh, anh Hai Cù Nèo - linh hồn của tờ báo cực kỳ thú vị và nổi tiếng.

Tôi ít gặp anh nhưng mỗi lần gặp luôn thấy ở anh sự cởi mở, chân thành đúng chất dân "Sài thành". Khi tôi về báo Công An Thành Phố, mỗi lần gặp, anh kể nhiều về kỷ niệm với nhà báo Huỳnh Bá Thành (tức họa sĩ Ớt - nguyên tổng biên tập báo). Anh bảo anh cũng học được cái chất hài hước, châm biếm tinh tế của họa sĩ Ớt khi làm báoTuổi Trẻ Cười.

Mới đây, cuối tháng 3-2021, tình cờ gặp anh tại Đường sách Nguyễn Văn Bình nhân dịp nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong ra mắt triển lãm và sách ảnh, anh hồ hởi chuyện trò đủ thứ về chuyện đời, chuyện nghề.

Khi biết Hội Nhà báo thành phố sẽ mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng truyền thông và báo chí cho các phóng viên và những người làm trong lĩnh vực truyền thông, anh đề nghị được nói chuyện một buổi với học viên về việc đặt "tít" (tiêu đề hay tên bài viết) vì anh thấy việc đặt "tít" trên báo, nhất là báo điện tử gần đây có quá nhiều sai sót. Anh cũng cho biết đã sưu tầm được hơn 200 tít không chuẩn, thậm chí là sai.

"Nói rồi, anh lấy điện thoại, lục tìm rồi cho tôi xem một cái tít đại ý là một cầu thủ thổ lộ việc vợ có bầu với cựu HLV trưởng tại sân vận động Hàng Đẫy và nói tít vậy tuy không sai về ngữ pháp nhưng gây phản cảm, chắc nhằm mục đích “câu view”."

Nghe đề tài quá hay và cần thiết, tôi đề nghị anh giúp cho một buổi trong khóa tới của Hội. Anh vui vẻ đồng ý.

 
Nhớ anh Lê Văn Nghĩa - anh Hai Cù Nèo - ảnh 1Nhà báo Lê Văn Nghĩa  và các học viên lớp báo chí - truyền thông tại Hội Nhà báo TP.HCM (tháng 4-2021)

Tháng 4-2021, Hội Nhà báo TP.HCM mở lớp và mời anh đến nói chuyện về đặt tít báo. Hôm đó, học viên nghe anh giảng nên đến khá đông đủ, phần vì tên tuổi của anh, phần vì cái môn anh giảng rất hấp dẫn và thiết thực.

Tôi giới thiệu anh với lớp và ngồi lại nghe anh nói chuyện với một phong thái thật vui, gần gũi và rất thiết thực. Anh vui vẻ nói sẽ tiếp tục cộng tác với Hội trong khả năng của anh.

Hôm nay nghe tin anh đã đi xa, đọc bài viết về anh trên báo Tuổi Trẻ, tôi mới biết điều mà chắc không nhiều người biết: anh từng là một cựu tù chính trị Côn Đảo như cha tôi, khiến tôi càng thêm trân quý anh!

Thương nhớ anh nên tôi viết vội vài dòng thay cho nén nhang vĩnh biệt anh - nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa, anh "Hai Cù Nèo" yêu quý của tôi và của mọi người.

Nhớ anh Lê Văn Nghĩa - anh Hai Cù Nèo - ảnh 23 quyển sách cuối cùng của tác giả Lê Văn Nghĩa đang được 2 NXB ráo riết hoàn tất - Ảnh: NXB cung cấp

Cả một đời viết lách, khi nằm xuống vẫn còn 3 bản thảo đang trong nhà in của 2 nhà xuất bản, nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa trở thành trường hợp đặc biệt của một cây bút đặc biệt trong làng sách Sài Gòn - TP.HCM.

Thật ra, những bạn bè đồng nghiệp tại hai nhà xuất bản Trẻ và Tổng Hợp TP.HCM đều có ý tổ chức bản thảo và thực hiện các ấn phẩm "có thể là cuối cùng" của một cây bút nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực.

Thông tin mới nhất vừa nhận được từ Nhà xuất bản Trẻ là tập sách cuối cùng của nhà văn Lê Văn Nghĩa sẽ hoàn tất kịp trước giờ cất đám ông. Đó là quyển Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức, nội dung gồm 2 phần: tạp bút và biên khảo.

Bạn đọc - chứ tác giả không còn kịp nữa - sẽ có dịp nhẩn nha đọc những bài tạp văn ý nhị của ông, về nhiều đề tài gần gũi nhưng luôn mang chứa câu chuyện độc đáo, như chùm tạp văn về tết: Tếttết rồi mẹ ơi; Tếttết và lì xì, lì xì và tết; Tếttết, chụp hình cái chơi; Quảng cáo trên báo tết...

Phần biên khảo tiếp tục với các bài viết có giá trị tài liệu, chất liệu cho những ai muốn hiểu sâu hơn các đề tài về văn nghệ Sài Gòn, đặc biệt là loạt bài viết về các phòng trà Sài Gòn:Phòng trà ca nhạc: từ Hà Nội đến Sài Gòn, Phòng trà tự do, Phòng trà đêm màu hồng, Phòng trà RITZ với âm thanh và màu sắc Jo Marcel, Phòng trà Queen Bee và Khánh Ly, Phòng trà Maxim’s và Hoàng Thi Thơ, Phòng trà Nam Đô, Phòng trà và những ca sĩ họ Phương...

Nỗ lực tiếp theo là Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM cho biết 10 quyển đầu tiên trong hai nhan đề truyện trào phúng của Lê Văn Nghĩa là Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ thần giáng, Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ sẽ được hoàn thành "đặc cách" để kịp mang đến lễ tang ông.

Đây là 2 tập sách được chính tác giả chọn lọc từ các tác phẩm từng đăng báo nhưng chưa in thành sách. Khi bản thảo hoàn tất, tác giả đã mệt nhiều, ông nhờ người bạn thân là nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh thay mặt săn sóc bản thảo và làm các việc cần thiết với phía nhà xuất bản.

Nhập nội dung
Nhớ anh Lê Văn Nghĩa - anh Hai Cù Nèo - ảnh 3
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác