Những người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam

(VOV5) - "Chính hợp tác trong văn hóa mới đánh thức được tình cảm, hứng thú của người Đức đối với Việt Nam."

Hội hữu nghị với Việt Nam của CHLB Đức (Freundschaftsgesellschaft Vietnam - FG - tên thường được gọi ở Việt Nam là Hội hữu nghị Đức Việt) có địa chỉ tại Düsseldorf, CHLB Đức, là tổ chức hoạt động đoàn kết với Việt Nam.

Là một tổ chức hữu nghị nên trọng tâm các hoạt động của Hội hữu nghị với Việt Nam trước hết là đoàn kết và giúp đỡ tinh thần và vật chất dưới hình thức các dự án nhân đạo cho nhân dân Việt Nam suốt hơn 40 năm qua.

Chủ tịch Hội hữu nghị với Việt Nam, Giáo sư, dịch giả Günter Giesenfeld cho biết: “Hội của chúng tôi thành lập năm 1976, sau chiến tranh, tập hợp những người có tình cảm với Việt Nam. Ngày đó chúng tôi cũng không biết được hội của mình sẽ duy trì được bao lâu, tình cảm của họ sẽ tồn tại đến bao giờ. Và cho đến bây giờ như bạn thấy đấy, Hội của chúng tôi vẫn tồn tại.”

Những người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam - ảnh 1 Giáo sư Günter Giesenfeld cho rằng chính sự hợp tác trong văn hóa mới đánh thức được tình cảm, những hứng thú của người Đức đối với Việt Nam.

Ngay từ khi còn chưa thành lập chính thức, Hội đã bắt đầu các hoạt động vì Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ như tham gia các cuộc biểu tình, làm phim về Việt Nam. Năm 1976, Giáo sư Erich Wulff người sáng lập ra Hội hữu nghị với Việt Nam và Giáo sư Günter Giesenfeld – Chủ tịch Hội hiện nay, cùng một số đại diện của phong trào phản chiến tại CHLB Đức thành lập Hội hữu nghị với Việt Nam. Giáo sư Erich Wulff được bầu là Chủ tịch đầu tiên của Hội.

Hội đã thường xuyên tổ chức các cuộc mít tinh đoàn kết với Việt Nam, hội thảo, hội nghị, thuyết trình về các chuyên đề, các quầy thông tin về Việt Nam tại các lễ hội...; tổ chức chiếu phim, xuất bản bản tin định kỳ và lập trang website giới thiệu về Việt Nam; mời các đoàn của Hội hữu nghị Việt - Đức của Việt Nam sang Đức dự đại hội thường niên…vv , hợp tác chặt chẽ với tổ chức Hành động giúp đỡ Việt Nam của Đức. Hội thường xuyên tổ chức các chuyến du lịch sang Việt Nam, mà mục đích còn phục vụ việc giám sát các dự án nhân đạo của Hội.

Giáo sư Günter Giesenfeld cho biết thêm: “Hoạt động của hội chúng tôi không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ phản đối chiến tranh tại Việt Nam hay trong lĩnh vực lịch sử mà cả văn hóa nữa. Và chính hợp tác trong văn hóa mới đánh thức được tình cảm, những hứng thú của họ đối với Việt Nam. Hiện tại chúng tôi có khoảng 400 thành viên, có tạp chí riêng, có dự án về sách và đặc biệt hàng năm chúng tôi gửi một đoàn khoảng 18 - 20 người sang Việt Nam đi đến những vùng miền mà họ chưa hề đặt chân tới và chúng tôi làm chương trình khác hẳn với các tour du lịch thông thường.

Chúng tôi hợp tác với Hội hữu nghị Việt Đức tại Việt Nam tổ chức những buổi gặp mặt giữa các thành viên của hai hội. Họ cũng được giao lưu với các tác giả mà chúng tôi đã dịch sách. Chúng tôi mới tình cờ gặp gỡ một người Mỹ từ tổ chức Peace Tree Việt Nam đang làm dự án tháo gỡ bom mìn tại Quảng Trị, Đà Nẵng. Chúng tôi cũng muốn đưa việc tham quan những địa điểm này vào chương trình.”

Trong những năm gần đây, Hội đã góp phần làm cho các tổ chức châu Âu có liên quan đến Việt Nam hợp tác với nhau chặt chẽ hơn, mời đại diện của các tổ chức này tham dự các Đại hội thường niên, hay các hoạt động ủng hộ đơn kiện của các nạn nhân dioxin ở Việt Nam (VAVA) tại các tòa án Mỹ, vấn đề tranh chấp trên biển Đông vv...

Những người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam - ảnh 2Giáo sư Gunter Giesenfeld tại lễ trao tặng 250 cuốn phim (tài liệu và phim truyện) do Hội hữu nghị với Việt Nam (Hội hữu nghị Đức Việt) cho Viện Phim Việt Nam tháng 11/2015 - Ảnh: Viện Phim Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Đức - một trong những đơn vị phía Việt Nam hợp tác, kết nối với Hội hữu nghị Đức Việt, nhận xét: "Giữa Hội hữu nghị Đức - Việt với Hội hữu nghị Việt - Đức ở Việt Nam có quan hệ từ rất lâu rồi. Hội hữu nghị Đức - Việt do ông Günter Giesenfeld làm chủ tịch đóng góp rất nhiều cho sự nâng cao tình hữu nghị giữa hai nước. Trong thời gian qua hội có rất nhiều đóng góp cho phía Việt Nam. Cách đây một thời gian, khi xảy ra việc Trung Quốc mang giàn khoan vào biển Đông, Hội chúng tôi và Hội hữu nghị Đức - Việt đứng ra cùng với các Hội hữu nghị của Thụy Điển, Pháp vv… ra lời tuyên bố và kêu gọi ủng hộ Việt Nam và phản đối Trung Quốc tranh chấp ở biển Đông. Hội bên ấy cũng tham gia những dự án nhân đạo ở Việt Nam. Một trong những khía cạnh Hội Đức Việt đang làm cùng Việt Nam, là cùng Hội bên này hỗ trợ cho các trường có học sinh nghèo.”

Hiện tại Hội hữu nghị với Việt Nam đang hỗ trợ cho Trung tâm Chỉnh hình cho trẻ em bị tàn tật vì dioxin ở Đà Nẵng;  trường câm điếc Xã Đàn ở Hà Nội (nay là Trường PTCS Xã Đàn-Hà Nội); cũng như cấp học bổng cho học sinh là con em các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. GS Phan Thanh Tịnh cho biết thêm: “Vừa rồi bên ấy phối hợp cùng với Hội Việt Đức Trung ương, cùng  tổ chức cho hai trường trẻ em khuyết tật câm điếc là trường Xã Đàn ở Hà Nội với một trường ở bên Đức kết nghĩa, trao đổi được với nhau về phương pháp giảng dạy trẻ em khuyết tật. Hội cũng hỗ trợ cho đoàn của trường trẻ em Xã Đàn sang thăm trường Johannes Vatter, thành phố Friedberg. Đoàn sang làm việc 1 tuần, dự hết các giờ dạy, ký kế hoạch hợp tác thời gian tới sẽ trao đổi giáo viên, trao đổi phương pháp, dụng cụ Trường bên đó cũng sẽ giúp cho trường Xã Đàn những máy trợ thính cũ nhưng còn dùng tốt. Dự kiến đầu năm tới trường Johannes Vatter sẽ sang thăm trường bên này. Ông Giesenfeld cũng tạo điều kiện để trường bên ấy xin được dự án của bang Hessen để hỗ trợ cho hai trường. Đợt vừa rồi thăm trường Xã Đàn ông cũng có hỗ trợ cho các cháu một khoản tài trợ nho nhỏ. Ông ấy cũng đến thăm trường mù Nguyễn Đình Chiểu và đang xúc tiến việc kết nghĩa giữa trường với một trường mù ở bên Đức.”

Một trọng tâm hoạt động khác của Hội hữu nghị với Việt Nam là lĩnh vực văn hóa và các dự án về văn học. Hội đã mời các tác giả và nhà xuất bản Việt Nam sang Đức tham dự Hội chợ sách Frankfurt lớn nhất thế giới, tổ chức các gian sách riêng của Việt Nam. Hội (do Giáo sư Günter Giesenfeld làm chủ biên) đã làm nhiều cuốn phim tài liệu quý giá về Việt Nam, được trình chiếu trên truyền hình Đức, mà những thước phim này đã được tặng cho Viện tư liệu phim Việt Nam; cũng như dịch và xuất bản nhiều cuốn sách về lịch sử, văn học Việt Nam, xuất bản những cuốn sách giới thiệu về Việt Nam. Dưới sự hỗ trợ của Hội, rất nhiều tác phẩm văn học đương đại Việt Nam được dịch và xuất bản ở Đức, do chính giáo sư Günter Giesenfeld và các thành viên trong Hội chuyển ngữ.

Những người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam - ảnh 3 Dịch giả Mariane Ngô.

Bà Mariane Ngô, vốn là một nhà giáo, và cũng là dịch giả văn học Việt Nam, cho biết lý do tại sao bà tham gia cùng tổ chức Hội trong những hoạt động nỗ lực hết mình vì Việt Nam: “Tôi rất ấn tượng về một đất nước Việt Nam trong chiến tranh. Trước đây khi còn là sinh viên tôi đã tham gia vào phong trào phản chiến chống chiến tranh tại Việt Nam. Và tôi nhận thấy một điều không công bằng: đó là một đất nước một dân tộc đứng trước nguy cơ bị đe dọa, bị xâm lược và bị xóa bỏ. Đó chính là điểm mấu chốt cho quyết định giúp đỡ Việt Nam của tôi. Và sau đó cũng đơn giản là vì khi người ta đã bắt tay vào làm việc thì cũng sẽ rất khó để dừng lại. Ngoài ra, thông qua việc giúp đỡ này, chúng tôi cũng không phải là người chỉ cho đi, mà cũng nhận lại nhiều thứ và nghiệm ra nhiều thứ. Ví dụ như việc làm sao để tồn tại, làm sao để có thể sống sót. Người Việt Nam có nhiều điểm khác biệt,ở chỗ chúng tôi rất đề cao cái tôi cá nhân, ở Việt Nam thì ngược lại là sự hợp tác, sự chung sống cùng nhau.”

Giáo sư tiến sĩ Phan Thanh Tịnh cho biết: Tất cả các hoạt động của Hội hữu nghị với Việt Nam đều nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam tại Đức, làm cho nhân dân Đức ngày càng hiểu hơn về Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết giữa nhân dân hai nước. “Ghi nhận những đóng góp của Hội Đức Việt ở Düsseldorf, trong thời gian vừa rồi nhà nước mình đã có những khen thưởng với họ. Bản thân ông Giesenfeld nhận được Huân chương hữu nghị của nhà nước Việt Nam. Đợt vừa rồi nhân kỷ niệm 40 năm của Hội hữu nghị Đức Việt, nhà nước Việt Nam cũng tặng thưởng cho Hội huân chương hữu nghị. Và rất nhiều thành viên, trong đó có cả bà Marianne được nhận bằng khen của Nhà nước Việt Nam trong công tác hữu nghị đối với nhân dân Việt Nam.”

Những hoạt động hết mình của những người bạn Đức với nhân dân Việt Nam, vì sự sẻ chia, hiểu biết, cảm thông hơn giữa hai dân tộc ấy, có sự đóng góp không nhỏ của giáo sư Günter Giesenfeld, người nhiều năm được bầu lại làm Chủ tịch Hội hữu nghĩ Đức Việt. Và câu chuyện về con người vô cùng đặc biệt ấy, chúng tôi sẽ giới thiệu cùng quý vị trong một chương trình sắp tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác