NSND Ngô Mạnh Lân - họa sĩ của nhiều thế hệ tuổi thơ - vừa qua đời

(VOV5) - NSND, họa sĩ và đạo diễn phim hoạt hình kỳ cựu Ngô Mạnh Lân, người đầu tiên vẽ minh họa 'Dế mèn phiêu lưu ký', vừa qua đời ở tuổi 87 vào ngày 15-9 tại Hà Nội.

NSND Ngô Mạnh Lân - họa sĩ của nhiều thế hệ tuổi thơ - vừa qua đời - ảnh 1

Nhiều người biết tới ông Ngô Mạnh Lân là một họa sĩ của trẻ thơ, dành hầu hết cuộc đời cho những bộ phim hoạt họa, và những trang minh họa Dế mèn phiêu lưu ký, nhưng ông có một sự nghiệp hội họa dày dặn hơn thế.

Là họa sĩ khóa Kháng chiến (ông là sinh viên nhỏ tuổi nhất của khóa này) học với bậc thầy hội họa Tô Ngọc Vân, ông Ngô Mạnh Lân có một khối lượng ký họa đồ sộ và quý giá về chiến tranh, cách mạng, từ chiến dịch Điện Biên Phủ tới đời sống nông dân Bắc Bộ trong thời kháng chiến chống Mỹ và sau này là đời sống thời bao cấp.

Bộ sưu tập này đã được ông tổ chức thành triển lãm Nét thời gian tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2019.

NSND Ngô Mạnh Lân - họa sĩ của nhiều thế hệ tuổi thơ - vừa qua đời - ảnh 2

Cảnh trong bộ phim hoạt hình búp bê Chuyện ông Gióng của đạo diễn Ngô Mạnh Lân từng được trao giải Bồ câu vàng

Nhưng nhìn ở góc độ đóng góp xã hội thì Ngô Mạnh Lân nổi tiếng hơn ở lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh, trong vai trò là một họa sĩ, đạo diễn phim hoạt hình tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam (tên cũ là Xưởng phim Hoạt họa và búp bê).

Theo thông tin từ tác giả Đào Mai Trang trong cuốn sách Họa sĩ khóa Kháng chiến (1950-1954) Nhà xuất bản Mỹ Thuật phát hành năm 2017, Ngô Mạnh Lân là người Việt Nam đầu tiên được cử đi du học về chuyên ngành thiết kế, đạo diễn phim hoạt hình, cũng là sinh viên Việt Nam đầu tiên (hệ đại học, từ năm 1955) tại Trường đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô danh giá (nay là Đại học Điện ảnh quốc gia CHLB Nga).

NSND Ngô Mạnh Lân - họa sĩ của nhiều thế hệ tuổi thơ - vừa qua đời - ảnh 3

Một ký họa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của Ngô Mạnh Lân được in trong sách Mỹ thuật khóa Kháng chiến - Ảnh: T.ĐIỂU chụp lại

Trong số 17 phim hoạt hình mà Ngô Mạnh Lân làm đạo diễn, phim hoạt hình búp bê Chuyện ông Gióng (năm 1970) đã được giải Bồ câu vàng trong Liên hoan phim hoạt hình và tài liệu quốc tế Leizig.

Cho đến nay, dường như đây vẫn là bộ phim hoạt hình Việt Nam duy nhất được giải vàng quốc tế có uy tín như giải Bồ câu vàng này.

Ngô Mạnh Lân còn giành được nhiều giải thưởng trong nước, tham gia giảng dạy, viết sách về nghệ thuật phim hoạt hình. Ông thuộc thế hệ đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của nghệ thuật hoạt hình Việt Nam.

Thành công nhất định với nghệ thuật điện ảnh, mà cụ thể là phim hoạt hình, nhưng nghệ sĩ Ngô Mạnh Lân sinh thời từng băn khoăn về những ý kiến cho rằng giá ông không đi theo hoạt hình, có thể ông đã thành một họa sĩ có gì đó riêng biệt.

Triển lãm Nét thời gian năm 2019 của ông có thể coi là một sự trả nghĩa của chính mình cho niềm đam mê hội họa mà ông lỡ dở để chăm chút cho điện ảnh, cũng là dịp để công chúng được thấy một họa sĩ Ngô Mạnh Lân tài năng dù không thể đi tới tận cùng với hội họa.

Sinh năm 1934, nghệ sĩ Ngô Mạnh Lân quê ở làng Tả Thanh Oai, Hà Nội. Ông thích vẽ từ nhỏ. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông mới 11 tuổi nhưng đã có thể phóng lớn hình Cụ Hồ in trên tờ giấy thấm mực cho học trò, hay kẻ vẽ các khẩu hiệu cách mạng.

Trong kháng chiến chống Pháp, Ngô Mạnh Lân theo gia đình tản cư, tham gia đội thiếu niên nhạc kịch, làm liên lạc, rồi công tác tại Sở Thông tin Liên khu X, đóng ở tỉnh Phú Thọ.

Năm 1949, 15 tuổi, ông được cơ quan cử tham gia một lớp học cấp tốc trong 2 tháng, hướng dẫn cán bộ thông tin kẻ vẽ khẩu hiệu, do họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp phụ trách.

Năm 1950, Ngô Mạnh Lân thi vào Trường Mỹ thuật, có điểm cao thứ 8 trong số 12 người đầu tiên thi đậu vào trường.

Bạn học khóa Kháng chiến của ông sau này có nhiều tên tuổi hội họa nổi tiếng như Lưu Công Nhân, Nguyễn Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa, Mai Long, Trần Lưu Hậu…

Năm 1955 thì ông bắt đầu bước tới nghệ thuật điện ảnh khi đi học tại Trường đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô.

Ngô Mạnh Lân được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác