Truyền thông Đức: Việt Nam là một trong số ít điểm sáng trong cuộc chiến chống COVID-19

(VOV5) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều nhận định Việt Nam năm 2020 sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các nền kinh tế quốc dân ở Đông Nam Á,

Truyền thông Đức đang tiếp tục ca ngợi sự thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong một bài viết trên trang tin Handelsblatt (Thương mại) ngày 22/4, tác giả bắt đầu bằng vụ việc ở xã Sơn Lôi, cách Hà Nội 40 km. Khi xã này mới chỉ có 6 ca mắc COVID-19, giới chức địa phương đã có một động thái quyết liệt là thực hiện phong tỏa cả cộng đồng 10.000 dân trong xã và không ai được rời khỏi xã trong 20 ngày. Với quyết định được đưa ra ngày 13/2 này, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên tiến hành cách ly quy mô rộng lớn để chống dịch.

Truyền thông Đức: Việt Nam là một trong số ít điểm sáng trong cuộc chiến chống COVID-19 - ảnh 1Ảnh minh họa: Chốt kiểm soát số 1, lối vào quan trọng nhất của xã Sơn Lôi được triển khai khi thực hiện lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. - Ảnh: Hoàng Hùng/-TTXVN 

Bài viết dẫn ý kiến của các nhà kinh tế nhận định trong khi hầu hết các quốc gia châu Á rơi vào suy thoái thì Việt Nam vẫn có thể đạt được tăng trưởng một cách đáng chú ý. Trong dự báo năm được công bố tháng 4 này, cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều nhận định Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các nền kinh tế quốc dân ở Đông Nam Á, thậm chí vượt cả Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia từ lâu muốn đóng vai trò là động lực tăng trưởng của châu Á.

Tác giả cũng đánh giá Việt Nam luôn cởi mở và minh bạch trong cuộc khủng hoảng COVID-19, theo đó Chính phủ tiến hành họp báo hằng ngày để công bố thông tin cụ thể về tình hình dịch bệnh. Đạt được thành công trong kiểm soát dịch, Việt Nam cũng hỗ trợ nhiều nước trên thế giới như tặng khẩu trang y tế cho các nước đang cần, và Đức là một trong những nước nhận được số vật tư này của Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác