Chuyển mình với tầm nhìn chiến lược từ Hội nghị Văn hóa

(VOV5) - Đây sẽ là chất xúc tác quan trọng, là căn cứ về chính trị, pháp lý để có đầu tư lớn cho văn hóa, tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực cho văn hóa,

Một năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, ngày 24/11/2021, đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và  tầm quan trọng của văn hóa. Nhiều địa phương đã có tầm nhìn vượt trước trong triển khai chính sách đặc thù về văn hóa. Nhiều cơ chế, chính sách, nguồn lực cho phát triển văn hóa kịp thời được nhận diện, sửa đổi, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Chuyển mình với tầm nhìn chiến lược từ Hội nghị Văn hóa  - ảnh 1Các nghệ sĩ biểu diễn dân ca quan họ Bắc Ninh tại lễ khai mạc Festival “Về miền Quan họ 2023”. Ảnh: VOV

Làng Diềm, thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, là quê hương cổ xưa của vùng đất Kinh Bắc, mang đậm nét lịch sử, truyền thống của làng quê đất Việt. Làng Diềm còn được biết đến với cái nôi dân ca quan họ cổ, đã được Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Những ngày giáp Tết, những làn điệu quan họ vang khắp đường làng, ngõ xóm, trong từng ngôi nhà. Các liền anh, liền chị thường hẹn nhau hát canh: Vài ba đôi ngồi hát hoặc có những canh hát lớn từ 10 đến 15 đôi, để chuẩn bị cho lễ hội làng cũng như cuộc thi hát quan họ đầu xuân.

Làng Diềm là nơi duy nhất trong 49 làng quan họ gốc ở Bắc Ninh có đền thờ Thủy tổ quan họ, đây cũng là nơi được biết đến có truyền thống dân ca quan họ lâu đời nhất. Ngoài 49 làng quan họ gốc, đến nay Bắc Ninh đã phát triển hàng trăm làng quan họ thực hành. Hằng tháng, các nghệ nhân quan họ được trợ cấp, đãi ngộ. Đặc biệt, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, địa phương ban hành nhiều chính sách kịp thời động viên nghệ nhân hoạt động. Tỉnh ủy Bắc Ninh đã xác định nâng mức đầu tư tối thiểu cho phát triển văn hóa lên 4% trong tổng chi ngân sách. Qua đó khích lệ, động viên các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân tích cực truyền dạy và cống hiến nhiều hơn để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Bà Nguyễn Thị Kim Quýnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ quan họ Khu Lương Xá, phường Vạn An, thành phố Bắc Binh, tỉnh Bắc Ninh, phấn khởi:“Một năm sau Hội nghị, văn hóa được đầu tư rất mạnh để phát triển, nhất là ở các cơ sở. Trước kia, các cơ sở không được quan tâm chú ý. Nhưng từ khi Hội nghị Văn hóa thì các nghệ nhân của làng quan họ được đãi ngộ, quan tâm, chăm lo nhiều hơn”.

Không chỉ ở Bắc Ninh, tinh thần chấn hưng văn hóa từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 đã lan tỏa rộng khắp từ các tỉnh, thành phố đến các bản làng xa xôi. Thủ đô Hà Nội, nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của cả nước, luôn tiên phong trong phát triển văn hóa, con người.

Chuyển mình với tầm nhìn chiến lược từ Hội nghị Văn hóa  - ảnh 2Những hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận luôn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Ảnh: Nhật Nam/hanoimoi.com.vn

Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó quyết định phân bổ 27 nghìn tỷ đồng (1,4 tỷ USD) cho 1.287 dự án tôn tạo di tích.

Trong khi đó, Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên huy động các nguồn lực thực hiện công tác hồi hương các cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam bị lưu lạc ra nước ngoài. Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho biết: “Kinh nghiệm của Huế trong việc huy động được một số nguồn lực xã hội hóa trong việc bảo tồn, trùng tu, huy động các nguồn lực để xã hội hóa việc kêu gọi hồi hương các di sản văn hóa thì chủ yếu là nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp. Hai là hướng lợi ích của họ gắn liền với lợi ích trong việc bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị di sản. Hai điều đó làm thay đổi nhận thức, đặc biệt là doanh nghiệp và cộng đồng. Từ đó, người ta sẵn sàng tham gia vào quá trình vận động đóng góp để có thêm nguồn lực”.

Chuyển mình với tầm nhìn chiến lược từ Hội nghị Văn hóa  - ảnh 3Áo Nhật Bình cung tần Triều Nguyễn được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Ảnh: VOV

Điều dễ nhận thấy sau một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc là chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, đảm nhiệm trọng trách “soi đường cho quốc dân đi”. Do đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Đây được xem là khung chính sách rất quan trọng để định hướng, bao quát nhiều vấn đề về văn hóa, như: xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng các chương trình nghệ thuật đỉnh cao hay các thiết chế văn hóa xứng tầm thời đại Hồ Chí Minh...

Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Đào Duy Quát, cho rằng: “Rõ nhất là sau khi Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa đã tổng kết và nâng trình độ lý luận về phát triển văn hóa, các cấp, các ngành đã có chuyển biến trong nhận thức và trách nhiệm về chiến lược phát triển văn hóa quốc gia. Sau Hội nghị, Ban Tuyên giáo đã tổ chức hội thảo hình thành Hệ giá trị Quốc gia, Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị con người Việt Nam. Hội thảo của Quốc hội bàn về thể chế, cơ chế chính sách, nguồn lực.. để phát triển văn hóa. Đây là những chuyển biến rõ rệt bằng hành động rất cụ thể ở các cấp, các ngành”.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và sau đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, năm 2021, đã khẳng định phải có giải pháp để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước. Để làm được điều này, Việt Nam đã khởi động lại Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nhằm hiện thực hóa việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa nước nhà. Đây sẽ là chất xúc tác quan trọng, là căn cứ về chính trị, pháp lý để có đầu tư lớn cho văn hóa, tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực cho văn hóa, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác