Đột phá về tư duy chiến lược và thực tiễn, xung lực để Việt Nam vững bước vào tương lai

(VOV5) - Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, đánh dấu cột mốc trong tiến trình Việt Nam hòa mình, đồng hành cùng các quốc gia trên thế giới. 

Hành trình hội nhập quốc tế của Việt Nam 10 năm qua cho thấy Nghị quyết thực sự là “kim chỉ nam”, góp phần đổi thay bộ mặt của đất nước, đưa Việt Nam phát triển vượt bậc, vững vàng trong những chặng đường của tương lai.

Nghị quyết 22-NQ/TW khẳng định chủ trương hội nhập toàn diện, bước phát triển mới và là định hướng chiến lược lớn của Việt Nam. Nghị quyết nhấn mạnh phải phát huy nội lực nhưng đồng thời phải tranh thủ tối đa điều kiện thuận lợi và nguồn lực bên ngoài  phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đặc biệt là tham gia xây dựng các quy tắc, chuẩn mực ứng xử quốc tế. Xuyên suốt chiến lược hội nhập là mục tiêu bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia, đi đôi với hợp tác quốc tế và gìn giữ môi trường thuận lợi cho hòa bình, phát triển, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phát huy vị thế quốc gia.

Tạo tiền đề cho một thập kỷ phát triển của Việt Nam

Theo Nghị quyết 22-NQ/TW, nguyên tắc trong tiến trình hội nhập của Việt Nam vào cộng đồng thế giới là phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, đi đôi với dựa trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Nghị quyết cũng chỉ rõ rằng trong hội nhập quốc tế, có cả mặt thuận lợi và bất lợi, nhiệm vụ là phải vừa tìm cách kiểm soát mặt bất lợi, đồng thời phải tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết cũng đi kèm với những biện pháp phối hợp triển khai cụ thể tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Trong 10 năm triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW, cùng với đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế đã tạo ra cho Việt Nam đà phát triển mới, cao hơn rất nhiều và toàn diện các mặt so với giai đoạn trước đó. Về kinh tế, GDP của Việt Nam vào 2013 chỉ là 212 tỷ USD nhưng sau 10 năm, đã tăng hơn gấp đôi, đến nay, vượt trên 400 tỷ USD. Thương mại của Việt Nam hiện nay đạt mức trên 730 tỷ USD, độ mở của nền kinh tế được cho là xấp xỉ 200%. Ngoài việc phát triển dựa vào nội lực là đổi mới, hội nhập quốc tế đóng góp vô cùng ý nghĩa, đặc biệt là tranh thủ nguồn lực bên ngoài, từ thương mại, đến đầu tư, vốn đầu tư phát triển của nước ngoài (FDI), quan hệ kinh tế với các nước để phát triển quốc gia. Về chính trị, Việt Nam tiếp tục củng cố và giữ gìn môi trường quốc tế thuận lợi cho hòa bình, hợp tác, phát triển, từ đó đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện tốt chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về đối ngoại, vai trò, vị thế của Việt Nam được các nước đánh giá rất cao ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã dựa trên những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, hiến chương Liên hiệp quốc để đóng góp vào những hoạt động chung, vừa tranh thủ cho Việt Nam vừa đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng tăng cường quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, khu vực, nhất là với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và các đối tác chủ chốt, với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái bình dương (APEC), Liên hiệp quốc (LHQ). Đến nay, Việt Nam đã có 30 đối tác chiến lược hay toàn diện. Việt Nam cũng tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu, bao gồm cả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, chất lượng cao, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và an ninh của đất nước, tạo các khuôn khổ quan hệ và hợp tác hữu nghị, ổn định lâu dài, hiệu quả và đan xen lợi ích với các nước, các tổ chức quốc tế, khu vực, từ đó phục vụ cho phát triển, bảo vệ Tổ quốc. Hội nhập quốc tế cũng giúp Việt Nam tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò quốc tế, nhất là tại các thể chế đa phương toàn cầu và khu vực. Điều đó được thể hiện rõ khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ lần thứ hai (nhiệm kỳ 2020-2021), Chủ tịch APEC 2017 và thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ giai đoạn 2023-2025.

Xung lực để Việt Nam vững bước vào tương lai

Triển khai Nghị quyết 22- NQ/TW trong suốt 10 năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự chủ động, tích cực trong phát huy vai trò, vị thế, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng các chuẩn mực ứng xử chung của quốc tế. Việt Nam có bước phát triển rất lớn trong việc tham gia vào các hoạt động chung của quốc tế, đa phương, từ hòa bình, phát triển, đến các vấn đề như về biến đổi khí hậu, môi trường khi có những cam kết rất mạnh mẽ liên quan đến việc giảm khí phát thải. Vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình hay Chủ tịch APEC khi Việt Nam đảm nhiệm đều được đánh giá cao. Những tác động từ Nghị quyết 22-NQ/TW và đà phát triển của 10 năm qua chắc chắn sẽ tạo xung lực mới cho hội nhập và đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn phát triển sắp tới, theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII là đối ngoại tiên phong tìm nguồn lực cho phát triển đất nước; tạo mối quan hệ hữu nghị ở khu vực và quốc tế để có môi trường thuận lợi cho hòa bình, phát triển, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác