Tăng cường thực thi UNCLOS và duy trì trật tự pháp lý ở Biển Đông

(VOV5) -Việt Nam mong muốn các quốc gia liên quan tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, cùng thực thi tốt Công ước Luật Biển năm 1982.

Là một quốc gia ven biển có bờ biển dài trên 3.260km, với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam luôn đề cao mục tiêu, tôn chỉ và nỗ lực thực thi các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam đồng thời kiên trì, kiên quyết yêu cầu và kêu gọi các quốc gia khác tuân thủ các nghĩa vụ của UNCLOS, qua đó đóng góp vào bảo vệ trật tự pháp lý trên biển, xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình và mang lại thịnh vượng cho tất cả các quốc gia trong khu vực.

Là thành viên Công ước Luật Biển 1982, diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà tại đó Việt Nam được hưởng những quyền lợi đối với vùng biển và tài nguyên theo quy định của Công ước là khoảng gần 1 triệu km2, gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền. Việt Nam cũng có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

 Tăng cường thực thi UNCLOS và duy trì trật tự pháp lý ở Biển Đông - ảnh 1Chiến sỹ hải quân Việt Nam trên đảo Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa.
Ảnh: Trần Việt/TTXVN 

Luôn thực thi đầy đủ nghĩa vụ theo Công ước

Để thể hiện trách nhiệm và thiện chí của một quốc gia thành viên Công ước, trong những năm qua, Việt Nam luôn tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ theo Công ước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, vận dụng các quy định của Công ước trong xác định các vùng biển và phân định ranh giới biển với các nước láng giềng, quản lý và sử dụng biển, đồng thời hợp tác với các nước trong các lĩnh vực biển phù hợp với các quy định của Công ước theo hướng bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, phục vụ phát triển bền vững.

Phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam đã ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác tài nguyên biển và quản lý các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc chuyển hóa các quy định của Công ước Luật Biển vào hệ thống pháp luật trong nước, tạo thuận lợi cho việc quản lý thống nhất về biển và phát triển kinh tế biển Việt Nam.

Cùng với việc ban hành Luật Biển, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Bộ Luật Hàng hải 2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2017, điều chỉnh các hoạt động giao thông hàng hải trên biển, chế độ ra vào các cảng biển Việt Nam. Việt Nam cũng thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến quản lý và sử dụng biển và đại dương như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Biên giới quốc gia (2003), Nghị định 143/2017/NĐ-CP ngày 14/12/2017 của Chính phủ quy định bảo vệ công trình hàng hải, Nghị định 71/2015/NĐ-CP ngày 03/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người và phương tiện trong khu vực biên giới biển.

Nỗ lực áp dụng có hiệu quả UNCLOS 1982

Với chủ trương nhất quán thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả Công ước Luật Biển 1982 để giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng, trong đó luôn đề cao nguyên tắc công bằng để tìm ra giải pháp hợp lý. Theo đó, Việt Nam đã ký với Thái Lan Hiệp định về phân định biển ngày 09/8/1997; ký với Trung Quốc Hiệp định và phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000; ký với Indonesia Hiệp định về phân định thềm lục địa ngày 26/6/2003.Thực tiễn đàm phán, ký kết các văn kiện nêu trên đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo các quy định của Công ước Luật Biển 1982, đóng góp và làm phong phú thêm luật pháp quốc tế về phân định biển. Trên cơ sở các quy định của Công ước, Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán phân định và hợp tác cùng phát triển tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc; đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia và đàm phán về các vấn đề trên biển với các nước láng giềng khác.

Cùng với đó, Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982. Khi bàn về vấn đề tranh chấp Biển Đông trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam kiên trì yêu cầu “tôn trọng pháp luật quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”, coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo. Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, kể cả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC); “Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông”; dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC, trong đàm phán Việt Nam và các nước thống nhất nguyên tắc COC phải sử dụng UNCLOS làm cơ sở). Với nỗ lực của Việt Nam, nội dung “căn cứ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 để tìm ra giải pháp cơ bản lâu dài cho các tranh chấp tại Biển Đông” đã được đưa vào “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký ngày 10/11/2011.

Thực tế đang cho thấy những bằng chứng sinh động thể hiện thiện chí, sự tích cực, quyết tâm và cam kết thực tế của Chính phủ Việt Nam đối với việc tôn trọng và thực thi các quy định của Công ước Luật Biển 1982, đồng thời thể hiện nỗ lực và chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982.

Việc Trung Quốc  ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với một số thực thể trên Biển Đông rõ ràng là hành vi bất chấp luật pháp quốc tế, không hề tôn trọng lịch sử và thực tiễn, thách thức cộng đồng khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, việc tôn trọng và tuân thủ đầy đủ Công ước Luật Biển 1982 càng có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực. Việt Nam mong muốn các quốc gia liên quan tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, cùng thực thi tốt Công ước Luật Biển năm 1982, cùng xây dựng Biển Đông là vùng biển hòa bình và mang lại thịnh vượng cho tất cả các quốc gia trong khu vực.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác