Xử lý nghiêm những vi phạm thách thức đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

(VOV5) - Các hoạt động này là chỉ dấu về việc Việt Nam đang thực thi ngày càng tốt hơn chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tại Việt Nam thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực có tính chất  thách thức dư luận xã hội,thách thức đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước. Với tinh thần quyết liệt trong điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan được trao quyền bảo vệ pháp luật đã tiến hành xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc bảo vệ an ninh quốc gia, gìn giữ trật tự an toàn xã hội. Các hoạt động này là chỉ dấu về việc Việt Nam đang thực thi ngày càng tốt hơn chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Cuối năm 2011, Trương Châu Hữu Danh cùng nhóm “Báo sạch” bị tòa tuyên án 14 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ngày 24/3/2022, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam tại Bình Dương về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Mới đây nhất, ngày 29/03/2022, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam và bị khởi tố vì hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Xử lý nghiêm những vi phạm thách thức đường lối của Đảng,   pháp luật Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - ảnh 1Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an nhân dân; Ban cán sự Đảng ủy TAND tối cao và Ban cán sự Đảng ủy VKSND tối cao diễn ra ngày 31/3. Ảnh: VOV

 Liên quan đến 3 vụ việc trên, tại hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an nhân dân; Ban cán sự Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao và Ban cán sự Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao diễn ra ngày 31/3/2022 tại Hà Nội, ông Võ Văn Thưởng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nhất là, những vi phạm có tính chất thách thức đường lối của Đảng, pháp luật nhà nước, thách thức dư luận xã hội:

  “Ba vụ việc mà chúng ta xử lý vừa qua có tác dụng xã hội rất là tốt. Những sai phạm mà tôi thấy có tính chất thách thức, đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội. Cách xử lý đó tôi thấy nghiêm minh, kịp thời và chúng ta cũng tính toán, đảm bảo cho những yếu tố để những lĩnh vực khác không bị ảnh hưởng và vẫn hoạt động bình thường”.

Các bài viết kèm một số hình ảnh lồng ghép, minh họa, đăng, phát tán trên trang Fanpage “Báo sạch” và group “Làm báo sạch” trong vụ việc Trương Hữu Danh là trái quy định pháp luật, tạo diễn đàn cho nhiều lời bình luận chủ quan, tiêu cực trong dư luận xã hội. Ngoài ra còn thể hiện rõ nội dung xuyên tạc, chống, phá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích chính đáng của Nhà nước, chính quyền các địa phương.

Vụ việc Nguyễn Phương Hằng vượt ranh giới pháp luật về quyền tự do dân chủ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân. Còn trong vụ việc của Trịnh Văn Quyết, các đơn vị chức năng tiếp tục điều tra hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" với tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng: “Qua việc đó cho thấy vai trò chỉ đạo của Đảng rất lớn, rất chủ động linh hoạt, đặc biệt là rất nghiêm. Chúng ta không có vùng cấm không có chuyện nương nhẹ đối với một đối tượng nào. Mặc dù đối tượng đó có vị trí vai trò rất lớn trong nền kinh tế ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội thì tôi cho rằng nguyên tắc tối thượng đó là phải tôn trọng pháp luật”.

 Theo Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, một xã hội văn minh là xã hội mà mọi công dân đều sống và làm việc theo pháp luật, các hành vi xã hội phải thượng tôn pháp luật. Song hành vi của các đối tượng này là vi phạm pháp luật, làm suy giảm lòng tin của một số bộ phận người dân; làm mất đi uy tín, ảnh hưởng về sự lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân: 

 “Chủ trương của Đảng, Nhà nước xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội văn minh thì những hành vi được xác định là vi phạm pháp luật thì đương nhiên pháp luật phải xử lý và tùy theo tính chất, mức độ của mỗi hành vi để áp dụng đường lối, chính sách pháp luật về hình sự để xử lý phù hợp, bảo đảm sự công bằng và nghiêm minh. Những hành vi đó được xác định là cố ý vi phạm thì đương nhiên hành vi đó được xác định là rõ thì cần phải xử lý”.

Với những vi phạm có tính chất thách thức đường lối của Đảng, pháp luật nhà nước, thách thức dư luận xã hội, cần sự vào cuộc, chung tay lên tiếng đấu tranh của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan được trao quyền bảo vệ pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân. Xét xử nhóm “báo sạch”; hay khởi tố bị can Nguyễn Phương Hằng; khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết là chỉ dấu cho thấy Việt Nam đang thực thi pháp luật nghiêm minh và tiếp tục tiến trình hoàn thiện thể chế luật pháp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác